Game MOBA là gì - Những kiến thức căn bản cho game thủ "gà mờ"

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 09/06/2015 11:11 AM

Một cái nhìn tổng quát, đơn giản và dễ hiểu nhất dành cho những người đang muốn làm quen với game MOBA tại Việt Nam

Trong vài năm qua, trào lưu game MOBA đã trở nên mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng sâu rộng hơn bao giờ hết. Hàng loạt những team game, những giải đấu lớn đã được tổ chức để chiều lòng các fan hâm mộ của những sản phẩm như Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2. Bằng chứng nhãn tiền, ngày ngày các bạn có thể theo dõi những bài viết do chính chúng tôi thực hiện liên quan tới những MOBA đình đám, và số lượng game thủ đang chơi MOBA tại nước ta cũng đang vô cùng đông đảo.

Thăm quán game đầu tiên sử dụng màn hình cong tại Việt Nam

Thế nhưng, đông là một chuyện, nếu so sánh giữa tổng số lượng người chơi game LMHT hay DOTA 2 tại nước ta với số lượng người chơi game ở Việt Nam, con số có thể lên tới cả triệu người, thì đó mới chỉ là một phần tương đối nhỏ. Vẫn có những người không có chút kiến thức nền nào về thể loại game cực hot này.

Chính vì thế trong bài viết này, tôi sẽ đem tới cho các bạn độc giả một cái nhìn tổng quát, đơn giản và dễ hiểu nhất dành cho những người đang muốn làm quen với game MOBA tại Việt Nam. Nói như vậy cũng đồng nghĩa với việc, nếu bạn là một cao thủ đánh xếp hạng, hay một “tay to” rank 5k trong DOTA 2, thì các bạn có thể ngừng đọc bài viết này tại đây, đơn giản vì sẽ chẳng có chút thông tin sâu nào giúp việc leo rank của các bạn trở nên dễ dàng hơn.

Vậy rốt cuộc MOBA là gì?

Sau 3 năm chơi đủ mọi tựa game MOBA, từ LoL, chuyển sang DOTA 2 và hàng loạt những game khác như Team Fortress 2 hay Super Monday Night Combat, cộng với việc tìm hiểu thông tin, thì có thể hiểu một cách đơn giản MOBA là 1 thể loại game multiplayer sở hữu cách chơi đặt rất nặng chiến thuật và đồng đội.

Rất nhiều nguồn thông tin đều đồng ý rằng “ông tổ” của MOBA chính là bản mod Aeon of Strife, một custom map trong StarCraft, nơi người chơi có thể điều khiển một nhân vật rất mạnh, song hành cùng những nhân vật máy yếu hơn (mà chúng ta thường gọi là creep) để chiến đấu chống lại phe bên kia, vốn được máy tính điều khiển.

Về sau, khi Warcraft III ra mắt, Aeon of Strife được “nâng” lên một tầm mới với bản mod Defense of the Ancient. Lúc này, mỗi bên sẽ có 5 thành viên điều khiển 5 nhân vật khác nhau chứ không phải 4 như trước, và hai đội sẽ đối đầu trực tiếp nhờ vào kỹ năng và óc chiến thuật thay vì đơn giản là đánh bại đối thủ máy.

DotA, nơi mọi thứ bắt đầu bùng nổ

Chính việc đưa 10 game thủ vào 2 đội khác nhau đã khiến trò chơi trở nên cuốn hút hơn rất nhiều so với việc hạ gục đối thủ máy vô tri vô giác. Những giải đấu DotA đầu tiên cũng được tổ chức, nơi những tượng đài trong làng game như Loda, 357, Maelk hay YaphetS khẳng định được tên tuổi. Ngay cả tại Việt Nam, chắc các bạn vẫn còn nhớ cái tên StarsBoba với trận đấu lịch sử trước Nirvana CN vào năm 2010.

Kết cấu map

Về cơ bản, mọi tựa game MOBA đều có một chế độ chơi truyền thống với map đấu như các bạn có thể theo dõi dưới đây:

Map đấu cơ bản trong nhiều game MOBA.

Bản đồ sẽ được chia thành 3 đường (lane), xen giữa là khu vực rừng. Trên mỗi lane đều có những trụ của hai team, phụ thuộc vào vị trí của trụ đó. Một đường chéo chia cắt bản đồ thành hai phần, tạo ra lợi thế cho hai team khi đứng trên khu vực trụ của đội mình. Nếu bạn quan sát map đấu của DOTA 2, bạn có thể dễ dàng nhận ra “đường chéo” đó chính là khu vực sông.

Dĩ nhiên vẫn có những khác biệt. Để thêm phần hấp dẫn và thu hút người chơi, mỗi tựa game đều có những map đấu riêng, ví dụ như LMHT có Howling Abyss, hay Heroes of the Storm có những map đấu được chia kết cấu thành 2 tầng riêng biệt, tạo ra sự mới mẻ cho trò chơi.

1 lane duy nhất, dễ chơi, dễ trúng thưởng.

Quay trở lại với map đấu MOBA truyền thống, nhiệm vụ của hai team nghe chừng có vẻ rất đơn giản, đó chính là phá hủy các trụ đối phương và kết thúc bằng việc phá hủy nhà chính (throne, Nexus, mỗi game lại có một tên gọi khác nhau) nằm ở hai góc của bản đồ. Thế nhưng để đạt được kết quả đó, chính kỹ năng, phản xạ và tư duy của game thủ mới là thứ đem lại những trận đấu mãn nhãn.

Chiều sâu gameplay

Mỗi game MOBA đều có một số lượng lớn nhân vật để người chơi có thể chọn lựa. Lấy ví dụ, số lượng champion của LMHT hiện tại đang là 124, còn với DOTA 2 là 110. Nếu xét tới việc bạn chỉ được chọn 10 trong số cả trăm nhân vật đó để đem vào trận chiến, có thể khẳng định rằng số lượng những chiến thuật mà bạn có thể lựa chọn cho team của mình gần như là vô tận.

Hơn 100 tướng, và bạn chỉ được chọn 1 trong số đó.

Hơn 100 tướng, và bạn chỉ được chọn 1 trong số đó.

Điều quan trọng nhất là, cả trăm nhân vật đó, không nhân vật nào giống nhau. Mỗi hero đều có những kỹ năng, chỉ số, tốc độ cũng như cách chơi khác nhau hoàn toàn. Có những nhân vật sở hữu những skill cực mạnh, thế nhưng nếu không có đồng đội, bạn sẽ chẳng thể nào chiến thắng được trước 5 game thủ ở team bên kia, những kẻ cũng có kỹ năng mạnh mẽ không kém. Đó là lý do chúng ta có những khái niệm như tanker, carry, support, ganker… những vị trí không thể thiếu nếu bạn muốn cùng đồng đội giành được chiến thắng.

Trong combat, vị trí nào cũng cần thiết

Đó là về mặt nhân vật. Trong game, phụ thuộc vào vị trí và loại tướng bạn đang chơi, gameplay cũng cực kỳ đa dạng. Lấy ví dụ, khi đang cầm carry, công việc của bạn tương đối nhàn rỗi: Farm, đẩy trụ, combat, mua đồ, và quay lại farm. Thế nhưng với một support, đời ít khi dễ dàng như vậy: Bạn phải cắm mắt, bảo vệ cho nhân vật carry farm, hoặc đi roam khắp bản đồ để hỗ trợ những nhân vật khác “đi săn” (gank) đối thủ, không cho họ farm một cách yên ổn, từ đó tạo ra lợi thế cho team.

Một pha gank điển hình trong DOTA 2

Thế nhưng các bạn cũng đừng vội mừng, vào game là pick ngay những hero đòi hỏi nhiều đồ và phải farm “cháy máy”. Bạn có thể làm gì với đối thủ, thì họ cũng có thể làm điều tương tự. Đối với những người chơi game MOBA, đáng sợ nhất là lúc nhìn xuống minimap mà chẳng thấy đối thủ nào. Đó rất có thể là khi họ đang chuẩn bị tìm tới bạn, kẻ đang farm creep trong yên ổn, nhằm mục đích gank hoặc harass để giành lợi thế.

Hiểu vị trí mình đang chơi, cũng như hiểu cách đánh một nhân vật trong game, cộng với khả năng phối hợp đồng đội tốt, bạn sẽ có thể nắm chắc 60% chiến thắng trong một game đấu. Vậy còn 40% còn lại? Điều đó phụ thuộc cả vào đồng đội của bạn, cũng như cách team bạn lựa chọn nhân vật để bước vào cuộc chiến.

Khó không có nghĩa là không làm được. Trong MOBA, mọi thứ đều có thể xảy ra.

Khó không có nghĩa là không làm được. Trong MOBA, mọi thứ đều có thể xảy ra.

Đó cũng là thứ khiến cho MOBA khác với FPS. Trong CS:GO, nếu may mắn và tâm lý thoải mái, tôi có thể thực hiện vài pha ăn 4 mạng hoặc thậm chí là Ace khi đồng đội đã ngã xuống để cứu một round đấu tưởng chừng đã ngã ngũ. Thế nhưng trong DOTA 2, bạn đừng kỳ vọng cầm Crystal Maiden ăn Rampage khi chơi solo, trừ phi được đồng đội hỗ trợ “nhiệt tình”, hoặc đơn giản hơn là đối thủ quá… “gà”.

Những khác biệt

Với kết cấu map khác nhau, cùng với nhân vật và lối chơi khác nhau, thì bản thân hệ thống item trang bị cho nhân vật trong game cũng sẽ có những khác biệt lớn.

MOBA chắc chắn không chỉ có farm, farm và farm.

Ví như với DOTA 2, bạn sẽ có nhiều khoảng thời gian “chết” để đi farm hoặc đẩy trụ thay vì combat “khô máu” với những game thủ khác, không giống như LMHT, nơi bạn sẽ luôn “farm trong sợ hãi” khi tướng đi rừng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và “gank đẹp” nếu bạn không cẩn trọng vì map đấu nhỏ hơn DOTA 2 tương đối.

Chính vì thế hệ thống item cũng khác biệt rất nhiều. Bên cạnh số lượng nhân vật và kỹ năng, thì item cũng là thứ tạo ra chiều sâu gameplay cho game MOBA. Thay vì việc chỉ điều khiển một nhân vật đi farm, combat và phá trụ, thì việc có cho mình 6 slot đồ khủng, đủ sức combat và kết thúc trận đấu cũng yêu cầu game thủ có kiến thức đủ sâu và đủ tinh quái để khắc chế kẻ địch...

...hoặc nếu có rune Double Damage thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều!

Hãy tiếp tục lấy ví dụ với DOTA 2. Khi đối phương pick Phantom Assassin, carry bên đội của bạn sẽ phải cân nhắc mua Monkey King Bar, hoặc cân nhắc chọn những hero với khả năng nuke dam nhanh, mạnh để không cho cô nàng sát thủ kia có cơ hội hoành hành với passive mang tên Blur, thứ khiến những đòn đánh có khả năng trượt.

Rồng. "Món khoái khẩu" của mọi game thủ LMHT.

Còn đối với Liên Minh Huyền Thoại, nếu như không có việc tiêu diệt Roshan đánh rơi Aegis cho phép hồi sinh nhân vật như DOTA 2, thì tựa game của Riot lại có những thứ độc đáo chẳng kém như việc “ăn rồng”, thứ đem lại bonus cực lợi hại cho nhân vật trong mỗi thời điểm khác nhau của trận đấu, hay những phép bổ trợ mà bạn có thể lựa chọn đầu game như Thiêu Đốt hay Tốc Biến. Việc sử dụng những phép này một cách hợp lý sẽ khiến trận đấu trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Tạm kết

Nếu tôi cố gắng viết thêm về việc last hit sao cho chuẩn, đẩy trụ sớm ra sao, counter pick như thế nào, hay ăn rồng/roshan/baron để không bị đối thủ “úp”, có lẽ độ dài của bài viết này cũng đủ sức in ra thành một cuốn sách cẩm nang rất dày, với tựa đề đơn giản là “Làm sao để không feed trong game MOBA”.

Hãy feed có nghệ thuật, đừng biến mình trở thành gánh nặng cho team

"Hãy feed có nghệ thuật, đừng biến mình trở thành gánh nặng cho team"

Đơn giản nhất, các bạn đừng ngần ngại cài game, tham gia vào game để hiểu một cách chi tiết nhất về một game MOBA mình đang có hứng thú. Đừng ngại bị chê là “noob”, và hãy tìm những game thủ thân thiện và cao tay hơn để học hỏi. Bên cạnh đó hãy chăm chỉ trau dồi kỹ năng cá nhân, từ việc sử dụng skill nhuần nhuyễn trong từng trường hợp, học cách lên item trong game một cách hợp lý, đọc những bài viết hướng dẫn, xem những clip hướng dẫn chơi, đó là cách ngắn và đơn giản nhất để có được những kinh nghiệm quý báu trong game MOBA.

Chúc các bạn vui vẻ và gặp được nhiều may mắn trong tựa game MOBA mình yêu thích!

>> Top game MOBA hành động ấn tượng sắp mở cửa