Năm 2001 đã bắt đầu với hàng loạt cái tên game thuần Việt ngấp nghé ra mắt cộng đồng. Ở thời điểm này, việc các NPH cùng bắt tay vào làm game đã cho thấy thị trường game online Việt đang ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Một kỹ thuật viên đang tạo mô hình cho game thuần Việt tại VTC Studio.
Nhưng nói thế không có nghĩa là làm game "made in VN" sẽ dễ dàng hơn trong việc kinh doanh. Nó vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, sự khó khăn của Thuận Thiên Kiếm ở mặt doanh thu như chính sự thừa nhận của ông Lê Hồng Minh, là một bài học nhãn tiền. Trong không khí “nhà nhà cùng làm game” như hiện tại, cũng nên bình tâm để nhận định xem cái mình đang làm có lợi hay không. Vậy, thể loại game nội nào sẽ dễ thu lợi và ít rủi ro nhất?
RPG
Thống trị thị trường game online Việt Nam và cả thế giới, thể loại game nhập vai là con bài hút tiền của bất cứ NPH game nào. Ngay tại thị trường nước nhà, VNG đã đi lên từ con số không cũng bằng những con bài RPG của mình, hay FPT, Asiasoft đều có trong tay các tựa game RPG hút tiền không kém. Cuộc đời vàng son của những Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ, MU, Tam Quốc Chí…chính là tấm gương mà các NSX game non trẻ nước nhà đều muốn hướng đến.
Thuận Thiên Kiếm tiêu tốn của VNG 25 tỷ VNĐ.
Thế nhưng cũng từ cái tên RPG ấy, VNG chấp nhận bỏ ra 25 tỷ VNĐ để tạo nên đứa con đầu lòng Thuận Thiên Kiếm và nhận ra giấc mơ của mình không phủ vàng sô. Ở thời điểm nó ra đời, nó đã có gần như tất cả những gì thuận lợi nhất: thời điểm mà RPG lên đỉnh cao, sự chú ý của cả cộng đồng vào tựa game thuần Việt đầu tiên của nước nhà, và bản thân game cũng không hề dở.
Tuy nhiên, nó dần dần đi vào sự im lặng, và nếu như không có những chính sách PR tận tâm của đơn vị chủ quản, có lẽ Thuận Thiên Kiếm đã nhạt phai nhiều trong tâm trí gamer nước nhà.
Nói về nguyên do của thất bại thì có rất nhiều, mà chính bản thân sự kén chọn, "sính hàng ngoại" của gamer Việt đã góp vào đó một phần không nhỏ. Hơn ai hết, VNG hiểu rõ lí do vì sao họ không thành công ở con bài đầu tay của mình. Những kinh nghiệm được rút ra, và đứa con tiếp theo của họ cũng lại là một cái tên RPG nữa, chỉ có điều lần này, nó đã không còn mang bối cảnh nước nhà, và được khoác lên mình bộ áo 3D hợp thời.
MMORPG 3D đang được VNG South Studio sản xuất.
Làm game RPG thuần Việt liệu có mang lại thành công rực rỡ? Có lẽ vẫn phải chờ một thời gian nữa mới có thể nói chắc được về điều này. Sau lịch sử Việt, sau thời đại 2D, VNG xăm mình xông vào lãnh địa Fantasy, và nó có lẽ là phép thử sau cùng cho thị trường khó tính của nước nhà. Nếu lại không thành công nữa, có lẽ chỉ còn có thể lắc đầu và nhớ đến lời người xưa: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.”
FPS
Hấp dẫn nhất, kịch tính nhất. Đó chính là những gì mà người ta hay mô tả về một tựa game FPS. Từ cái thời của Counter Strike, FPS đã chứng tỏ sức hút mãnh liệt của nó trên lãnh địa của chuột và bàn phím. Sẽ thật là dễ dàng nếu mang một con bài FPS ra và tính toán con đường thành công của nó. Nhìn vào Đột Kích, không ít người sẽ thấy ghen tị bởi lợi nhuận mà nó đem lại. Cứ xem cái cách mà Đột Kích làm mưa làm gió tại hai thị trường Việt Nam và Trung Quốc, mấy ai không ham sản xuất một game như thế.
7554 của Emobi Game.
VTC Studio tiên phong đi đầu với SQUAD, như thể muốn tạo ra và sở hữu một Đột Kích thứ 2. Cũng giống như VNG, quá trình vận hành game đã giúp họ đúc rút được những kinh nghiệm tốt về cách kinh doanh thể loại game mà họ đã nhắm để sản xuất. Phát hành Đột Kích tại Việt Nam, VTC hiểu rõ gamer thích gì, ghét gì trong một tựa game FPS. Đó là tiền đề để họ vững bước trong công cuộc “sinh đẻ và nuôi nấng game” của mình.
Tuy vậy, quá trình thử nghiệm game không tốt như họ mong đợi. Vốn đã quen với Đột Kích quá hay, quá hấp dẫn, gamer nước nhà đòi hỏi SQUAD cũng phải được như thế, hay ít ra cũng 7, 8 phần như thế. Thế nhưng SQUAD chỉ nhận được điểm trung bình với những gì nó thể hiện.
SQUAD khó phát hành sớm tại Việt Nam.
Thêm nữa, không khó để nhận ra con đường khó khăn với một tựa game FPS khi phát hành ở nước ta. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao SQUAD lại khởi động trước tại Indonesia chứ không phải tại mảnh đất mà nó sinh ra? Câu trả lời ai cũng hiểu. Mang bản chất là bạo lực với hầu hết các đầu game, FPS sẽ phải thay đổi rất nhiều nếu muốn được phát hành.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những điểm lạc quan. Sau lần thử nghiệm đầu, SQUAD đã có nhiều cải tiến khá lớn và nó cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. Lần thử nghiệm tiếp theo tới đây có lẽ là lần “lửa thử vàng” cuối cùng trước khi game ra mắt. Nhưng dù thế nào đi nữa, với tiềm năng quá lớn cũng như hiếm hoi tại nước ta, FPS vẫn khá thênh thang trên con đường thành công của mình.
Casual
Khi VLTK lên ngôi vương ở thị trường game online Việt, Audition cũng chính thức bước lên ngôi hậu thống trị lĩnh vực casual trong nhiều năm dài, thậm chí mãi đến tận ngày nay. Nhiều tín đồ game mạng vẫn không hiểu tại sao cái thể loại “nhảy nhót như choi choi” đó có thể sống dai, sống khỏe đến vậy. Nhưng với đặc thù mang tính giải trí rộng khắp, hợp với mọi lứa tuổi, Casual cứ ngang nhiên vẫy vùng trong giang sơn của mình và không có dấu hiệu hụt hơi.
Jay Online, game casual thuần Việt của FGame.
Từ bóng đá, đua xe cho đến các tựa game vũ đạo, âm nhạc, Casual thể hiện sức hút của mình đến toàn bộ cộng đồng game online nước nhà. Rất rõ ràng, một gamer RPG có thể có một vài acc Casual để giải trí khi cần, nhưng ngược lại, một gamer ưa thích Casual lại chưa chắc có chơi game RPG. Rực rỡ trong đồ họa, dễ hiểu trong gameplay, nhanh chóng, nhẹ nhàng, không yêu cầu cày kéo, đó chính là lí do Casual luôn thu hút được người chơi.
VTC Game thành công trên con đường Casual với Audition, nhưng người đi tiên phong làm Casual thuần Việt lại là một doanh nghiệp rất mới mẻ: Music King Soft. Họ đã có trong tay một tựa game vũ đạo sẵn sàng ra mắt trong thời gian tới. Sự vào cuộc của một chú lính mới khiến cho thị trường them sôi động và nó cũng chứng minh khả năng thành công của một tựa game Casual. Chưa có bất cứ thông tin gì, nhưng FPT cũng đã úp mở về một tựa game Casual riêng của hãng.
The King, project Việt của MusicKing.
Nhưng vì sao Casual có quá nhiều lợi thế vậy nhưng BoomSpeed, BandMaster… vẫn cứ đóng cửa đều đều? Càng có nhiều thế mạnh, càng khó tìm được lí do cho sự thất bại. Điều đó cũng cho thấy rằng bên dưới vẻ mời gọi, Casual cũng ẩn chứa khá nhiều rủi ro. Dễ làm cũng đồng nghĩa với tính cạnh tranh cao và khó thành công, thế nên nếu không khéo, Casual sẽ trở thành vũng lầy cho những NSX game non trẻ nước nhà.