Trong thời gian qua, chúng ta đã được chiêm ngưỡng không ít những thành công của game Việt Nam, hay nói đúng hơn là những sản phẩm do chính bàn tay người Việt thai nghén, sáng tạo. Hàng loạt những sản phẩm đình đám ở tầm thế giới, mà trong đó đáng kể nhất phải nói tới hiện tượng Flappy Bird hay những game giải đố thu hút người chơi như 2048 đã phần nào chứng minh được tiềm lực của những người làm game Việt Nam.
Thế nhưng mới đây, một ý kiến được chia sẻ đã dấy lên không ít những tranh luận trong cộng đồng làm game Việt: “Công nhận một điều, hầu như rất ít start up làm game online. Cảm giác như các bạn chỉ làm game offline hoặc clone của chú Đông thôi thì phải. Dạo qua tuyển dụng hay khoe game mới đều chủ yếu là Unity, Cocos-2D chứ ko thấy đề cập bất kỳ tới game server hay back-end”.
Có lẽ đây là vấn đề chung của một bộ phận không hề nhỏ những người làm game tại Việt Nam hiện nay. Câu hỏi được đặt ra là, liệu rằng đam mê với game đã khiến những developer game Việt quên đi điều mấu chốt giúp cho họ có thể tồn tại: Vấn đề kinh tế.
Một trong những lý do đã được chúng tôi phân tích trong nhiều bài viết trước về tâm lý thiết kế game có phần hơi cực đoan của những người làm game Việt Nam hiện nay:
Với sự ham mộ nhiệt thành những sản phẩm game mà họ được trải nghiệm từ trước tới nay, không ít những người làm game Việt đã quá sa đà vào việc cố gắng tạo nên những sản phẩm phục vụ cho cộng đồng “hardcore”, với những chi tiết có phần giống với nhiều game đình đám hiện nay, thu hút sự chú ý của người chơi game Việt Nam thời gian qua.
Hoặc chí ít, họ cũng cố gắng làm game như những sản phẩm indie ăn khách. Điều này chứng minh cho một thực tế rằng, có rất nhiều game developer tại nước ta hiện nay vẫn còn khá cực đoan trong việc làm game. Thay vì tạo ra những sản phẩm ăn khách, dễ chơi, hợp với xu thế chung của guống quay phát triển game Việt, họ vẫn phần nào giữ cho mình tư duy làm game để phục vụ chính sở thích của bản thân và một bộ phận nhỏ game thủ.
Nhiều người nói rằng, với đam mê, con người sẽ có thể làm nên tất cả. Thế nhưng có lẽ, cụm từ “tất cả” ở đây nên loại trừ game ra. Bởi lẽ, tôi đã từng thấy không ít những dự án làm game của những sinh viên hay những game thủ đầy tâm huyết rốt cuộc đều đã bị dẹp vào một góc, mỗi người một nơi với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng hàng ngày.
Thời gian qua, nếu nhận xét thẳng thắn, quả thật là quãng thời gian tuy có những đổi mới nhưng chưa thể hài lòng đối với các nhà phát triển game Việt.
Không thể nhìn vào thành công của một số game mobile casual Việt Nam mà khẳng định rằng làng game của chúng ta đang khởi sắc. Chính vì thế, bên cạnh việc khai thác thị trường đang lớn mạnh trên nền tảng di động, chính bản thân những người làm game Việt cũng không được phép bỏ quên một thị trường lớn hơn rất nhiều, đó chính là game PC, và game chất lượng cao trên mobile, thứ mà thời gian qua đã ghi nhận không ít những phép thử chưa thực sự thành công tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên ở một khía cạnh tích cực hơn, thì không thể nhận định rằng toàn bộ ngành game Việt đang quá sa đà vào lối mòn game offline. Thời gian qua, một loạt những điểm sáng như Mộng Võ Lâm, Đại Minh Chủ, CS Zombie,… đều là những sản phẩm đình đám thuần Việt nhưng cùng lúc lại là game online thu hút được sự chú ý của rất nhiều người chơi game không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Có thể nói rằng, với việc chuyển dịch một cách linh hoạt trong tư duy làm game của một số studio game lớn tại Việt Nam hiện nay, thì sự phát triển của ngành game nước ta chắc chắn sẽ có diễn ra với tốc độ nhanh và mạnh mẽ hơn nhiều so với những dự báo trước đây.
>> Học nghề làm game tại Việt Nam ở đâu?