Trong bất kỳ ngành kinh doanh nào cũng có đường 'chính ngạch' và đường lậu, và với ngành game cũng vậy. Ngay từ khi
game online còn đang chập chững những bước đầu tiên tại Việt Nam thì giới trẻ nước nhà đã được tiếp xúc với các sản phẩm 'lậu' (private), đơn cử như
MU Trung Quốc, MU Trống Đồng...
Ban đầu, các phiên bản
MU lậu chỉ với mục đích đơn giản là cài đặt trong các... quán net để dễ dàng tạo đồ cho khách đến chơi. Dần dần
game online lậu trở thành phương thức kiếm tiền của nhiều nhóm nhỏ, với hàng loạt server
Kiếm Thế, Võ Lâm Truyền Kỳ private... Vậy rốt cuộc các bản lậu này xâm nhập Việt Nam theo phương thức nào?
Game lậu tại Trung Quốc nhiều như kiến
Bài viết này chủ yếu gói gọn trong các game lậu về Việt Nam từ Trung Quốc, đơn giản vì số lượng của chúng rất nhiều. Trao đổi với một số chuyên gia trong ngành thì từ game online tầm thấp đến ngay cả nhiều sản phẩm xếp ở mức đánh giá 'bom tấn' tại Trung Quốc cũng thường xuyên lộ mã nguồn và bị rao bán sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Có thể đơn cử như trong bài viết gần đây, GameK từng tiết lộ đến cả
Tiếu Ngạo Giang Hồ 3D đình đám cũng mới bị lộ mã nguồn.
Rất nhiều game 'đình đám' tại Trung Quốc cũng bị lộ mã nguồn.
Có một sự thật là không chỉ
Tiếu Ngạo Giang Hồ, đến cả
Cửu Âm Chân Kinh lẫn
Võ Lâm Truyền Kỳ 3 cũng đã bị làm lậu tại Trung Quốc từ lâu. Theo một số nguồn đáng tin cậy, hiện tại nhóm chia sẻ mã nguồn game nổi tiếng nhất tại đây có tên "baidu". Nhóm này hoạt động trên mạng QQ và bao gồm khoảng hơn 100 thành viên.
Nhóm baidu này rất nghiêm ngặt trong việc kết nạp thành viên mới, và các thành viên nội bộ không hiểu làm cách nào luôn lấy được source của những tựa game khó nhằn nhất. Sau khi được chia sẻ thì chúng sẽ tuồn ra ngoài và rao bán một cách giới hạn. Nếu có quan hệ tốt và bắt được tín hiệu thì các cá nhân muốn mua sẽ liên hệ với một cái giá rẻ hơn nhiều so với giá chính thức.
Các server lậu hầu như chỉ chộp giật thời gian ngắn mà không được nhiều người biết đến.
Ghi nhận tại Việt Nam thời gian qua, bên cạnh những cá nhân thường xuyên mua mã nguồn về làm lậu thì còn có cả một số đơn vị vì... không thể ký được hợp đồng mua game hợp pháp (có thể vì NSX không bán, hoặc cạnh tranh hợp đồng thua đối thủ) nên đành phải chọn hình thức kinh doanh private. Dĩ nhiên số trường hợp như thế là không nhiều.
Không phải cứ có mã nguồn là làm lậu được
Trao đổi với một số cá nhân 'có kinh nghiệm', game lậu thực chất không phải cứ sở hữu mã nguồn là thoải mái muốn làm gì thì làm. Hầu hết những mã nguồn game mới hoặc hot tại Trung Quốc đều bị mã hóa ít nhiều, và để có thể kiểm soát hoàn toàn thì cần có đội ngũ kỹ thuật với khả năng 'chọc' code thẳng vào source để giải mã dần dần.
Giải mã game là vấn đề nan giải của các cá nhân chuyên làm lậu.
Việc giải mã này có thể mất đến nhiều tuần, nhiều tháng hoặc... không bao giờ xong. Vì thế nhiều cá nhân dù có đủ tiền mua mã nguồn game lậu nhưng cũng phải chùn tay khi muốn động vào chúng vì không biết đến bao giờ mới kinh doanh được. Ngược lại nếu thành công thì họ lại có toàn quyền xử lý dữ liệu như trang bị, item... hoặc đơn giản nhất là cài đặt và chạy được trên máy chủ.
"Như Võ Lâm Truyền Kỳ 3 đấy, có bản lậu tuồn ra từ lâu rồi, nhưng kỹ thuật Việt Nam chưa đục được thôi. Có game phải mất đến 4, 5 tháng mới đục thành công", một chuyên gia trong ngành tâm sự về nghề "làm lậu". Thế mới biết nghề này cũng lắm gian nan.
Và những nguy hiểm trực chờ
Làm game lậu tuy tốn ít tiền hơn (vì không phải mua bản quyền), nhưng bù lại rất nguy hiểm. Bất kỳ lúc nào các đơn vị làm lậu cũng có thể bị cơ quan chức năng sờ gáy và phải cuống cuồng đóng cửa trò chơi, lịch sử làng game Việt đã ghi nhận không ít trường hợp như vậy. Còn nếu cố tình đặt máy chủ ở nước ngoài dân làm lậu cũng phải đối mặt với cái nhìn thiếu thiện cảm từ đồng nghiệp trong ngành game Việt, đó là chưa kể bị giới truyền thông tẩy chay.
Cần ngăn chặn game lậu để khuyến khích ngành game Việt phát triển.
Âu những thiệt thòi trên cũng là hoàn toàn xứng đáng, vì có thế mới khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính tiếp tục cống hiến cho thị trường trò chơi trực tuyến nước nhà. Thời gian gần đây chúng ta từng thấy nhiều sản phẩm phải tốn đến hàng chục tỷ VNĐ mới mua được về Việt Nam, nếu chúng bị làm lậu thì không biết sẽ gây tổn hại cho NPH đến mức nào.
Năm 2013 là năm mà chúng ta bắt đầu nhìn thấy sự khởi sắc của toàn ngành, hy vọng rằng sang năm 2014 những sản phẩm game lậu sớm rút hết khỏi thị trường để trả lại môi trường cạnh tranh sòng phẳng.