Thưa các bạn độc giả, trong phần 1 của loạt bài viết, GameK đã đem tới cho các bạn cái nhìn chân thực nhất về thưc trạng cũng như sự “chuyên nghiệp hóa” đang ồ ạt diễn ra ngay trong nội bộ những đơn vị làm game online lậu tại Việt Nam hiện nay. Hầu như việc đưa một tựa game online về Việt Nam để hoạt động “chui” là vô cùng dễ dàng (chui trên lý thuyết chứ thực tế game lậu tại Việt Nam vẫn có rất nhiều cái tên hoạt động vô cùng chuyên nghiệp, với cả đội ngũ vận hành và PR như những game có bản quyền và giấy phép hoạt động).
Tuy nhiên, nếu như chỉ dựa vào những thông tin đã được đề cập trong phần 1 của loạt bài viết, chúng ta chưa thể nào có được cái nhìn toàn cảnh về những doanh nghiệp đangvận hành game online không phép, hay nói nôm na hơn là game online lậu tại làng game Việt.
“Trọn gói” ngay từ Trung Quốc
Nếu như trong phần 1, chúng ta đã có được những thông tin về những nhóm “dev”, những kẻ săn lùng mã nguồn game online được tung lên mạng internet, cũng như những nhóm “đục đẽo”, debug mã nguồn game online lậu tại thị trường Việt Nam.
Nhắc lại một chút, 'Đục' hay 'đẽo' là một thuật ngữ chuyên ngành trong giới làm game lậu, ám chỉ việc các lập trình viên tìm cách để bẻ khóa các bộ mã nguồn game. Nguyên nhân cần phải bẻ khóa là vì 99% các mã nguồn được chia sẻ đều đã bị mã hóa và nếu không giải mã được thì chúng chỉ có thể chơi được dưới dạng... offline.
Nhờ kinh nghiệm và kỹ năng bản thân, các 'nhóm dev' sẽ tìm mọi cách để chọc vào source code, cố gắng để có thể cài đặt nó lên máy chủ và vận hành được ổn định nhất có thể. Quá trình này được chia sẻ là 'cực kỳ khó khăn' vì thường mã nguồn game dưới dạng demo hoặc không hoàn chỉnh dẫn tới độ ổn định kém, cài lên server nhưng người chơi không truy cập được, hoặc bị đẩy ra ngoài...
Thế nhưng, không chỉ tại nước ta, mà chính bản thân Trung Quốc, hiện tại cũng có vô số những nhóm “đục” game và chào mời tới các NPH tại Việt Nam. Chính vì vậy, việc tìm game online lậu về phát hành tại nước ta thậm chí còn dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều so với việc sang Trung Quốc mua game từ doanh nghiệp đang nắm giữ bản quyền phát hành sản phẩm đó.
Tính trung bình, một webgame có chất lượng xứng đáng xếp vào hàng “cực thấp” tại Trung Quốc để về được thị trường Việt Nam cũng phải có giá khoảng 10.000 USD. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, một tựa game do các nhóm debug tại Trung Quốc trực tiếp “đục” để bán lại cho đối tác chỉ rơi vào khoảng 3.000 đến 5.000 USD, trọn gói một sản phẩm game được “đục” hoàn tất để chạy trên server, nghĩa là chỉ nửa giá, thậm chí là 1/3 cái giá trị thực của game.
Không chỉ dừng lại ở đó, những nhóm này thậm chí còn có thể làm giả giấy tờ bản quyền của game online và cung cấp cho đối tác, với cả chữ ký cũng như con dấu đỏ “y như thật”. Điều này đã đánh lừa khong ít game thủ, cho rằng đây là một sản phẩm có bản quyền và được NPH đầu tư một cách nghiêm túc.
Đội ngũ “cò mồi” không kém game bản quyền
Vì tốc độ phát triển cũng như lợi nhuận, mà “ngành”game lậu cũng có được đội ngũ cò mồi đông đảo chẳng kém cạnh gì những người môi giới NPH mua game onine bản quyền đang hoạt động tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc. Sở dĩ những thành phần như thế này tồn tại là vì ở thời điểm này, số lượng những game online với mã nguồn bị tiết lộ lên mạng internet là không hề ít ỏi, nếu không muốn nói là quá nhiều.
Chính vì lẽ đó, ngay bản thân các NPH cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn một sản phẩm thực sự có chất lượng để vận hành. Đó là khi những kẻ trung gian vào cuộc.
Họ sẽ tới từng nhà phát hành để mời chào mua sản phẩm từ một nhóm “đục” game đã hoàn thiện. Dĩ nhiên, nếu chấp nhận mua tựa game này về vận hành, thì bên cạnh khoản tiền trả cho nhóm debug game kể trên, doanh nghiệp làm game lậu chắc chắn còn phải trả cho những cá nhân hoặc tổ chức trung gian một khoản tiền nữa.
Điều đáng lưu tâ là, không giống như những chiêu trò cạnh tranh như tại Việt Nam, những nhóm cò mồi Trung Quốc này lại có vẻ vô cùng hợp tác với nhau, với mục tiêu chung là bán được sản phẩm cho NPH Việt. Nếu một đơn vị không vừa ý với sản phẩm A, ngay lập tức những người trung gian này có thể giới thiệu ngay một “đồng nghiệp” khác đang chào bán sản phẩm B để NPH nọ có thể tham khảo.
Điều này chứng minh được rằng những game online lậu cũng đang có được tốc độ phát triển một cách khủng khiếp và mạnh mẽ không kém cạnh gì so với những game có bản quyền, ít nhất là tại thị trường Việt Nam.
Game lậu cũng… xuất ngoại
Trong thời gian qua, nếu theo dõi những tin tức về làng game Việt, hẳn các bạn cũng có thể nhận ra những động thái mạnh mẽ của các cơ quan chức năng đối với những cá nhân, doanh nghiệp vận hành game online lậu tại Việt Nam. Đối với họ, làng game Việt đã trở thành một thị trường tương đối ngột ngạt và khó cạnh tranh, nhất là khi hàng loạt một số cái tên trong và ngoài nước đã và đang đánh mạnh vào việc phát hành game online lậu.
Vậy để thu được lợi nhuận, những doanh nghiệp này sẽ làm gì? Câu trả lời rất đơn giản: Xuất ngoại. Nhưng cụ thể là đem game lậu tới đâu để vận hành? Ở thời điểm này, câu trả lời được nhiều doanh nghiệp lựa chọn chính là Indonesia.
Trong một phép so sánh khong hề khập khiễng, thị trường game online Indonesia không khác biệt một chút nào so với làng game Việt của 10 năm về trước, khi những chế tài, công cụ quản lý game online nói chung cũng như giải trí trực tuyến nói riêng vẫn chưa hề có. Chính vì thế, cơ hội có được lợi nhuận của các NPH game online lậu tại Việt Nam khi “xuất ngoại” sang Indonesia là vô cùng lớn.
Ấy là chưa kể, dân số của đảo quốc Đông Nam Á này hiện đang đứng thứ 04 thế giới. Cộng với dân số trẻ, chắc chắn tỷ lệ game thủ cũng như tỷ lệ nạp thẻ của những gamer Indo chắc chắn sẽ còn nhiều hơn so với những game thủ Việt, những người vốn đã có phần tỉnh táo sau không ít lần nếm trái đắng với những game online chui hoạt động một cách chộp giật.
Theo nguồn tin riêng của GameK, hiện đã có không ít những NPH game lậu tại Việt Nam rục rịch thực hiện những bước “Indo hóa” sản phẩm của mình để đánh chiếm thị trường mới nổi và đầy tiềm năng này trong tương lai gần. Dĩ nhiên, trước khi gamer Indo nhận ra những tác hại của game lậu sau những trái đắng rất có thể sẽ xảy ra, thì những doanh nghiệp Việt Nam kể trên cũng đã kịp thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ từ sự nhẹ dạ của những game thủ chưa có nhiều kinh nghiệm.
>> Game lậu luồn lách về Việt Nam như thế nào (Phần 1)