Câu chuyện
webgame là câu chuyện muôn thuở mà chúng ta sẽ chẳng thể nào có điểm dừng. Kể từ khi đổ bộ đồng loạt vào thị trường
game online Việt, những game online nền trình duyệt đã chứng tỏ được ưu thế của chúng tại một thị trường mà mặt bằng chung cấu hình khó có thể chạy theo những tiến bộ của đồ họa.
Tuy nhiên không ít vấn đề còn đang tồn tại đang khiến cho webgame phải chịu cái tiếng không đáng có. Mặc dù vậy, với từng cơn bão webgame tràn vào
làng game Việt, thì chính những game online client, những sản phẩm từng một thời thống trị thị trường vẫn dần dần không nhận được sự quan tâm đúng mực của
cộng đồng game thủ.
Nhiều rác nên webgame vô tình chịu khổ
Quả thật, những webgame 2D với cả đồ họa lẫn cách chơi chỉ dừng lại ở mức trung bình đã khiến không ít game thủ mất lòng tin vào một trong những thể loại từng hứa hẹn đưa làng game Việt thăng hoa.
Nhìn lại quá khứ, khi những webgame đầu tiên ra mắt, cộng đồng hưởng ứng một cách nồng nhiệt, và đi kèm với đó là mỗi tựa game ra mắt đều có được lượng game thủ rất lớn. Với lợi thế có thể thưởng thức mọi lúc mọi nơi, đi kèm là yêu cầu cấu hình không quá mạnh như những game client cùng thời điểm ra mắt, đối với nhiều game thủ Việt mà nói, thì webgame lại là thú vui mới khi khoảng thời gian cày kéo của họ trong những game client không còn được như xưa, phần lớn là do công việc và học tập.
Thứ gì nhiều quá cũng không tốt. Webgame cũng vậy. Nhận thấy thị trường dễ dàng thành công, hàng loạt các nhà phát hành lớn nhỏ đã nhảy vào cuộc chơi. Hệ quả, hàng loạt những webgame với auto từ đầu tới cuối được nhập một cách tràn lan về nước ta. Chưa dừng lại ở đó, việc lựa chọn game của nhà phát hành, hoặc đại diện các nhà phát hành lại có phần quá hời hợt, từ đó dẫn tới việc những webgame chất lượng thấp xuất hiện nhan nhản tại nước ta.
Góp phần cho tình trạng này là một số nhà phát hành game online nước ngoài với tham vọng đánh chiếm thị trường Việt. Thế nhưng thay vì đưa những sản phẩm thực sự có chất lượng, webgame của người nước ngoài thậm chí còn chẳng kém phần “rác”. Nghiêm trọng hơn là những mối đe dọa thị trường của những doanh nghiệp như thế này khi game thủ hoàn toàn có thể bị lợi dụng vì tham vọng lợi nhuận.
Chính vì thế, một bộ phận trong cộng đồng cũng dần hình thành một mối ác cảm rõ ràng với những game online nền trình duyệt mà vô tình quên đi những gì khiến cho họ một thời mê mẩn. Nhưng nói gì thì nói, webgame đã góp phần “kéo” sự quan tâm của cộng đồng game thủ từ những game client ra mắt một cách nhỏ giọt trong thời gian vừa qua.
Vẫn quan tâm tới client, nhưng…
Sức hút của những game client kiếm hiệp như
Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D vẫn cứ tồn tại trong cộng đồng game thủ Việt mỗi khi thông tin về một MMO client mới có khả năng sẽ về Việt Nam được đăng tải. Thế nhưng sự ủng hộ về mặt tinh thần của game thủ, tuy là liều thuốc quý giá, vẫn không thể cứu vãn được thực trạng đang xảy ra, đó là lượng người chơi game client hiện tại ngày một suy giảm chỉ sau vài tháng game ra mắt.
Để đi tìm lời giải cho tình trạng này có thể phải kể tới tính cách “ngược đời” của game thủ nước ta. Họ có thể chê thậm tệ một tựa game, nhưng vẫn chịu gắn bó với chúng, vì bạn bè trong game, cũng như vì những món đồ họ đã bỏ bao công sức và tiền bạc để có được cho mình.
Khi những game client với nền tảng đồ họa và lối chơi có chiều sâu được các NPH đưa về thị trường Việt Nam, những bình luận với nội dung chê bai hoặc tỏ ý không vừa lòng với game hầu như chẳng bao giờ xuất hiện. Ấy mới nói, hễ game đỉnh về là game thủ sẽ chẳng tiếc lời khen ngợi. Nhưng có gắn bó với nó hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác, một sự ngược đời nữa của game thủ chúng ta.
Chỉ sau một thời gian ra mắt, những thứ khiến cho game client không vừa ý game thủ đã xuất hiện cả loạt. Ví như, game chẳng có auto, đi tim đường hết cả tiếng đồng hồ. Hoặc một số khác thì cho rằng game đồ họa nặng quá, mà để thấp cấu hình thì chẳng còn hứng mà thưởng thức, vân vân và mây mây…
Đến lúc này, nhà phát hành đành chịu sống chung với lũ. Nhập gia thì phải tùy tục. Dần dà những game client từng nói không với auto cũng buộc phải chiều lòng game thủ, những người trong 5 6 năm qua đã sống chung với auto trang bị tận răng, hoặc chí ít cũng là hệ thống tự động tìm đường để trợ giúp quá trình làm nhiệm vụ của game thủ.
Tuy nhiên, một điều ít ai đề cập nhưng lại là lý do lớn dẫn tới việc game client bị thất sủng, đó là những bản cài nặng nề. Chỉ vài ba GB thôi, nhưng nếu đem so sánh với những webgame với bộ plugin hỗ trợ hình ảnh chỉ vài chục đến vài trăm MB nhưng cho chất lượng hình ảnh nằm ở mức khá, client MMO đã vô tình tạo ra tâm lý “lười” cho game thủ Việt, vốn đang quen… ăn sẵn.
Chờ đợi một bước ngoặt, hoặc chấp nhận đi theo xu hướng
Xu hướng hiện tại là những game online đa nền, vừa cho phép game thủ thưởng thức trên máy tính, vừa có thể chơi trên các thiết bị di động. Với sự phát triển chóng mặt của những smartphone hay tablet hiện nay, thì trong tương lai, việc game 3D nền tảng mobile có đồ họa sánh ngang với game trên máy tính là điều không hề viển vông.
Các nhà phát hành game Việt cũng từ đó phải chọn một trong hai lối đi. Hoặc tiếp tục đặt niềm tin vào canh bạc game client, mặc dù có được sự ủng hộ về tinh thần của cộng đồng, nhưng chưa chắc đã có được thành công lớn như những webgame hay mobile game, vốn là xu thế đang phát triển.