Game ảo đang lấn lướt game thực

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 03/06/2013 05:30 PM

Rốt cuộc, chẳng bao giờ có chuyện làm dụng quá mức một thứ mà nó đem lại kết quả tích cực cho con người.

Dĩ nhiên, trong ngày quốc tế thiếu nhi, thì tuyệt đại đa số những sự kiện được tổ chức trong ngày này đều chỉ dành cho các bé, những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, vô lo vô nghĩ. Thế nhưng cũng trong cái ngày thứ 7 vừa rồi, một câu chuyện nho nhỏ mà tôi có cơ hội được chứng kiến một lần nữa lại khiến tôi không khỏi có những suy nghĩ về các dạy trẻ, hay đúng hơn là dỗ trẻ của một số lượng không hề nhỏ những ông bố bà mẹ tại Việt Nam hiện nay.

Game ảo đang lấn lướt game thực 1

Câu chuyện vô tình xảy ra tại bữa tiệc nho nhỏ mà cơ quan một người bạn của tôi đang làm, tổ chức để mừng ngày quốc tế thiếu nhi cho con cái của cán bộ công nhân viên công ty. Dĩ nhiên, vợ chồng người bạn của tôi cũng dẫn tới bữa tiệc nhỏ này cậu con trai 3 tuổi của họ.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như cậu bé tỏ ra hoạt bát, hiếu động và đùa nghịch, giống như những đứa trẻ khác cùng độ tuổi. Trái lại, cậu con trai của bạn tôi lại tỏ ra thu mình lại, chẳng buồn đoái hoài tới những cậu bé cô bé đang nô đùa bên những trái bóng bay, hay những con thú nhồi bông, những món quà dành tặng cho những "chủ nhân đích thực" của ngày lễ đặc biệt này.

Game ảo đang lấn lướt game thực 2

Trong khi những đứa trẻ khác thì nô đùa vui vẻ, thì cậu bé của chúng ta lại nằng nặc đòi mẹ cho mượn chiếc iPhone để chơi "ghép kẹo". Khi mẹ tỏ ra không đồng ý, ngay lập tức cậu bé vùng vằng giận dỗi và khóc lóc ngay giữa hội trường, nơi sự kiện đang được tổ chức. Khỏi phải nói mẹ cậu bé bối rối đến mức nào khi những đứa trẻ khác đang nô đùa vui vẻ, trong khi con mình lại chỉ muốn... chơi Candy Crush.

Game ảo đang lấn lướt game thực 3

Đến khi tôi hỏi, mọi chuyện mới vỡ ra được phần nào. Kể từ khi cậu bé bắt đầu tập ăn bột, bố mẹ cũng như người giúp việc luôn phải nhờ vào "đấng toàn năng" trong nhà, không gì khác hơn chính là chiếc máy tính bảng iPad để cu cậu có thể ngồi ngoan đến hết bữa ăn. Trong lúc bố mẹ và người giúp việc đang bận rộn với những công việc khác, như làm việc, nấu ăn hay giặt giũ quần áo, cậu bé lại cắm đầu vào những tựa game đầy màu sắc trên những thiết bị di động.

Một lần nữa, câu chuyện về những ông bố bà mẹ, và cách dạy con bằng... iPad lại được đem ra để bàn luận. Thật không may, cũng trong sự kiện nho nhỏ kể trên, một vài tiếng xì xào đánh giá về cách chiều con của người bạn tôi từ không ít đồng nghiệp lại lọt được vào tai của tôi: "Cho nó ngồi chơi cho lắm vào, giờ muốn nó hòa đồng cũng chẳng được"...

Game ảo đang lấn lướt game thực 4

Ác khẩu như vậy nhưng cũng có phần đúng. Những vụ việc ông bố, bà mẹ phải nhờ tới bác sỹ tâm lý để giúp đỡ những đứa con nghiện game di động của mình, tới mức có những biểu hiện tự kỷ ám thị giờ đây chẳng còn là điều quá xa lạ, nhất là khi việc sở hữu một chiếc iPhone hay máy tính bảng là điều quá dễ dàng.

Nói như vậy, hoàn toàn tôi không có ý muốn "cấm tiệt" việc cho trẻ con sử dụng những thiết bị công nghệ từ khi còn nhỏ, vì với tốc độ phát triển như hiện nay, chẳng sớm thì muộn, những đứa trẻ của chúng ta cũng sẽ chập chững bước vào cuộc dạo chơi công nghệ, y hệt như những gì người lớn đang làm hiện nay.

Game ảo đang lấn lướt game thực 5

Vấn đề nằm ở chỗ, nếu những ông bố, bà mẹ không quá tin tưởng những chiếc iPad như một công cụ vạn năng, giúp con cái của họ không quấy khóc và không quậy phá, thì ắt hẳn những câu chuyện dở khóc dở cười như phần đầu bài viết trên đây chắc chắn sẽ không có cơ hội xảy ra. Rốt cuộc, chẳng bao giờ có chuyện làm dụng quá mức một thứ mà nó đem lại kết quả tích cực cho con người.