Free to Play: Lựa chọn duy nhất cho làng game Việt?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 19/04/2013 12:20 AM

F2P rõ ràng là một mô hình "sống thọ" ở làng game Việt. Tuy nhiên đó không phải cách duy nhất để đi đến thành công.

Kể từ khi ra đời, mô hình kinh doanh game online theo kiểu free to play đã thay đổi bộ mặt của không chỉ làng game toàn cầu, mà còn cả ở làng game Việt Nam. Nói một cách tương đối, một tựa game miễn phí, số lượng người chơi đông đảo luôn hứa hẹn đem về nhiều tiền hơn cho nhà phát hành thông qua cash shop, hơn là một tựa game thu phí nhưng số lượng người chơi ‘lèo tèo’.

Thế nhưng, cũng có không ít gamer Việt tỏ thái độ không mấy thân thiện, thậm chí tỏ ra ghét thậm tệ những tựa game miễn phí, với lý do ‘cash shop hút máu’. Theo lập luận của những game thủ này, thà rằng game online thu phí hàng tháng, hoặc thu một khoản phí bản quyền ban đầu dạng “CD key” để có thể thưởng thức game một cách công bằng, còn hơn là chơi game nhưng luôn trong trạng thái “pay to win”, bỏ càng nhiều tiền thì nhân vật càng mạnh.

Free to Play: Lựa chọn duy nhất cho làng game Việt? 1

Tuy nhiên với những lợi thế quá rõ ràng, thì freemium (cụm từ mô tả game free to play nhưng thu tiền nhờ vào việc bán vật phẩm qua cash shop) đã từng được không ít những chuyên gia hay những lão làng trong ngành công nghiệp game đã quả quyết rằng F2P sẽ là mô hình của tương lai.
Kỳ thực, cho đến thời điểm này, có thể nhận định lại rằng, cả những game thủ có xu hướng anti những tựa game online miễn phí, cũng như những bậc lão làng kể trên đều không hoàn toàn đúng. Nói một cách khác, F2P vừa không phải một chiêu trò hút máu của các nhà phát hành, vừa không phải mô hình duy nhất đem đến thành công cho ngành công nghiệp game online nói chung, ít nhất là ở thời điểm này.

Free to Play không phải lúc nào cũng hút máu

Xin được nhắc lại, các nhà phát hành không bao giờ “lơ mơ” đến mức mua một tựa game với cái giá lên đến 10 chữ số tiền Việt chỉ để phát hành miễn phí đến công đồng game thủ. Nếu chuyện đó xảy ra thì các nhà phát hành có lẽ đã trở thành các… tổ chức từ thiện! Nguồn thu của mỗi tựa game miễn phí luôn ẩn hiện đâu đó trong cơ chế gameplay. Và phần lớn thời gian, nguồn thu chủ yếu của họ không đâu khác chính là cửa hàng vật phẩm ảo.

Free to Play: Lựa chọn duy nhất cho làng game Việt? 2

Chỉ cần bỏ một khoản tiền (trên lý thuyết là) có thể chấp nhận được, game thủ sẽ có thể sở hữu một hoạc một số món đồ giúp họ có được những lợi thế phần nào so với những người chơi thưởng thức game theo dạng miễn phí. Lợi thế này đôi khi là chỉ số sức mạnh của nhân vật, hoặc những món đồ tạm gọi là ‘xịn’, hay chỉ đơn giản là những bộ cánh đẹp mắt dành cho nhân vật ảo trong game. Đó là lý thuyết cơ bản dành cho hệ thống cash shop, rút gọn lại có thể coi như nhà phát hành và game thủ cùng có lợi.
Tuy nhiên không phải nhà phát hành game nào tại Việt Nam cũng phân biệt được rõ ràng ranh giới giữa “free to play” và “pay to win”. 

Vẫn còn vô số những game online nơi chỉ có những đại gia mới có thể bá đạo trong server, đầu tư càng khủng khiếp thì nhân vật sẽ càng trở nên mạnh mẽ. Vẫn có những event sặc mùi nạp thẻ, nơi những game thủ dám bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu chỉ để dấn thân vào canh bạc nơi họ có thể sở hữu món đồ họ mong ước.
Đó cũng chính là những mặt tối khiến cho mô hình free to play trong vài năm trở lại đây gặp phải khá nhiều tai tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Free to Play không phải con đường thành công duy nhất

F2P rõ ràng là một mô hình cực kỳ hứa hẹn. Nhiều khi chỉ cần 1 trong số 10 game thủ thưởng thức game chịu bỏ tiền đầu tư cho nhân vật trong game là nhà phát hành đã có thể thu lãi lớn. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công. Một số hình thức kinh doanh game khác đã và đang xuất hiện, và đều gặt hái được những thành công nhất định.

Free to Play: Lựa chọn duy nhất cho làng game Việt? 3

Đầu tiên dĩ nhiên vẫn phải kể đến phương án kinh doanh kiểu subscription (thu phí hàng tháng). Việc thu phí hàng tháng hiện vẫn gây nên tương đối nhiều tranh cãi về việc liệu game thủ Việt có chịu bỏ tiền ra hàng tháng để thưởng thức game hay không (dù sao căn bệnh chuộng đồ miễn phí của game thủ Việt ta vẫn tương đối nặng). Tuy nhiên đây có thể nói là một trong số những cách đơn giản nhất để tạo ra sự cân bằng trong game, khi mỗi game thủ đều bình đẳng, không có gamer miễn phí (hay bị ví von là chơi ‘chùa’), cũng không có những danh hiệu từ VIP 1, VIP 2 đến… VIP n.

Kế đến là những tựa game dạng mua đứt bản quyền. Người chơi chỉ cần bỏ ra một khoản tiền để mua key game (thông thường key game sẽ bó buộc với tài khoản game thủ tạo ra). Kể từ đó gamer sẽ có thể thoải mái thưởng thức game mà không phải lo về bất kỳ khoản phí nào. Cách này cũng phần nào giúp cho các nhà phát hành thu lại đồng vốn bỏ ra mà không cần “tận thu” theo kiểu hút máu game thủ như cash shop của một vài tựa game miễn phí hiện nay.

Free to Play: Lựa chọn duy nhất cho làng game Việt? 4

Một cách khác là tung ra những trò chơi miễn phí nhưng có quảng cáo đi kèm. Cách này đang gặt hái rất nhiều thành công cho thị trường game mobile. Tuy nhiên việc game thủ có chấp nhận việc đang cày một game online thì quảng cáo chạy ở góc màn hình hay không vẫn còn là một ẩn số.

Tạm kết

Nói một cách ngắn gọn, các nhà phát hành vẫn còn không ít hướng kinh doanh game online để không bị game thủ gán cho mác “hút máu”. Nói như vậy hoàn toàn không có ý phủ nhận những thành công mà mô hình game online miễn phí mang lại, tuy nhiên các nhà phát hành cũng cần hình ra sự cân bằng giữa những game thủ “chơi chùa” và những người nạp thẻ, chỉ với mục đích mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn cho cộng đồng gamer Việt. Free to Play, dù muốn hay không, sẽ vẫn sống thọ tại thị trường Việt Nam.