Không chỉ riêng
làng game, bình đẳng giới từ rất, rất lâu đã trở thành vấn đề được cả thế giới quan tâm. Sau cả trăm năm kể từ ngày 08/03/1857, ngày những nữ công nhân New York chính thức vùng lên chống lại những ông chủ vì điều kiện làm việc quá tồi tàn, cho đến nay phụ nữ không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới đã có được những thành quả vô cùng lớn lao trong việc giành được quyền bình đẳng so với nam giới.
Thế nhưng, những câu chuyện tưởng chừng khó tin trong thế kỷ XXI này về vấn đề nữ quyền lại vẫn cứ xảy ra. Nếu lấy ví dụ về tất cả các khía cạnh của cuộc sống, thì đây sẽ là một bài viết không có hồi kết. Hãy cùng nhìn qua những câu chuyện làng game, từ nhà ra phố, để thấy được những thiệt thòi của các chị em làm game trên thế giới, hay chí ít là hình ảnh người phụ nữ trong các tựa game.
Trả lương theo… giới tính
Cách đây vài năm, Konami, một trong những gã khổng lồ xứ mặt trời mọc đã bị chính nữ nhân viên của họ đâm đơn kiện. Yoko, nhân viên 36 tuổi, là cựu trưởng nhóm chịu trách nhiệm vấn đề cấp phép cho series Pro Evolution Soccer tại thị trường nước ngoài đã chính thức đưa đơn kiện Konami, cô cho rằng mình bị đối xử một cách bất công khi chỉ hưởng mức lương quá thấp so với các đồng nghiệp nam giới.
Yoko cho hay, với mức lương như vậy, việc chăm lo cho con cái cùng những chi phí sinh hoạt hằng ngày đã trở thành một gánh nặng với cô. Được biết mức lương của nữ nhân viên này là 200.000 yên/tháng (tương đương 36 triệu đồng).
Đó là chuyện quá khứ. Mới đây, một vụ lùm xùm cũng đã được báo giới nước ngoài, đặc biệt là những trang tin game đưa ra về một studio game bị các nhân viên cũng như cựu nhân viên gọi là “địa ngục”. Đó chính là Trendy Entertainment, nhà phát triển tựa game nổi tiếng Dungeon Defenders.
Dưới “triều đại” Jeremy Stieglitz, một giám đốc studio thuộc dạng độc tài, cuộc sống của nhân viên studio này không khác gì một địa ngục trần gian. Thế nhưng đó chỉ là phần nhỏ. Câu chuyện của chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề bình đẳng giới giữa những người làm game.
Chân dung Jeremy Stieglitz.
Cùng một vị trí, nhưng chắc chắn nhân viên nam dự tuyển sẽ có mức lương cao hơn hẳn so với những nhân sự nữ tại Trendy. Thậm chí phương châm tuyển người tại Trendy đã từng là: “Hãy thuê phụ nữ, và chúng ta có thể trả lương họ ít hơn”. Không ít người đã rời bỏ studio này rất nhanh sau khi nhìn ra không khí làm việc bao trùm lên họ cực kỳ nặng nề và khó chịu.
Thế nhưng câu chuyện dĩ nhiên chưa dừng ở đây.
“Cứ hở là hút gamer”
Là một game thủ, chắc hẳn bạn cũng đã từng được chiêm ngưỡng tạo hình những nhân vật nữ với những bộ trang phục “hở đến mức không còn gì”, và chỉ cần hở chút xíu nữa thôi là tựa game sẽ bị đánh giá từ 16+ lên 18+.
Và cũng không phải chỉ nhờ vào lối chơi mà những game online như Scarlet Blade, Tera hay Kabod Online lại thu hút được sự chú ý của cộng đồng gamer toàn thế giới. Những hình mẫu nhân vật nữ bốc lửa, đi kèm với đó là những bộ trang phục chỉ che đi những phần nhạy cảm thực chất mới là điểm thu hút bất kỳ nam game thủ nào, chẳng riêng gì tại Việt Nam.
Game online là vậy, game offline cũng chẳng hề kém cạnh, thậm chí còn hơn hẳn. Đã từng có không ít những scandal về những cảnh nóng trong những game bom tấn, như series God of War, cảnh nhà thổ trong Dishonored, hay trường đoạn bỏng mắt trong Far Cry 3…
Sẽ ra sao nếu như những game thủ nữ thưởng thức những trò chơi như thế này và tự hỏi rằng vì sao hình ảnh giới tính của họ luôn là công cụ để các nhà làm game, các nhà phát hành game thu hút được sự chú ý của những nam game thủ? Rốt cuộc thì đến bao giờ tình trạng bất bình đẳng giới trong ngành game, từ khâu hình ảnh đến cả nhân sự mới chấm dứt?
Câu trả lời, đáng buồn thay, là chẳng bao giờ. Chính vì nhu cầu của thị trường, mà từ trước tới nay, hay thậm chí là về sau, hình mẫu của những nhân vật nữ trong game sẽ vẫn cực kỳ gợi cảm và khó cưỡng lại đối với bất kỳ nam game thủ nào. Có lẽ vấn đề sẽ dành lại cho các nhà phát triển game, những người trực tiếp đánh giá xem, “như thế nào là đủ”.