Một chủ đề bàn luận không có điểm dừng đối với bất kỳ game thủ Việt Nam nào, đặc biệt là những người chơi game online chính là những khác biệt giữa
làng game Việt, và toàn bộ những gì được chúng ta gọi là “thị trường game nước ngoài”: Bắc Mỹ, châu Âu, Thái Lan, hoặc được đề cập tới nhiều nhất chính là Hàn Quốc.
Không ít người cho rằng,
thị trường game Việt Nam đang còn quá đỗi lạc hậu, biết đến bao giờ mới “mở mày mở mặt” với sự hiện diện của những tựa game, chưa cần phải đạt tới ngưỡng bom tấn, mà phải có chất lượng và có chiều sâu. Quả thật những mong mỏi này của các game thủ tuy rằng khó có thể được đáp ứng trong ngày một ngày hai, nhưng âu cũng là suy nghĩ chung khi nhìn vào một làng game đầy rẫy những tựa game chất lượng thấp như Việt Nam hiện nay.
Nói như vậy hoàn toàn không phải đồng tình với những ý kiến cho rằng làng game Việt chẳng là gì so với thị trường nước ngoài. Như thế sẽ là hạ thấp vài triệu game thủ Việt Nam đang hàng ngày hàng giờ say mê với tựa game yêu thích. Chưa kể, thành tích của game thủ Việt trên nhiều mặt trận, nhiều tựa game không hề thua kém bất cứ game thủ nào trên thế giới. Rốt cục, việc so sánh game Việt Nam với làng game quốc tế lại trở thành vô ích vì một vài lý do dưới đây.
Game thủ Việt khác xa game thủ “Tây”
Kỳ thực là đề cập game thủ “Tây” cho ngắn gọn, chứ ngay cả những game thủ Hàn Quốc, quốc gia không xa chúng ta là mấy, nếu đem so sánh với cộng đồng gamer Việt cũng cho thấy những khác biệt một cách rõ rệt. Lấy ví dụ một MMORPG, khi gặp một quest khó hay phải tiêu tốn nhiều thời gian tìm đường, có đến 7 trong số 10 game thủ Việt chắc chắn sẽ chọn giải pháp đại trà nhất đang được các tựa game online trong nước hỗ trợ: Auto.
Game thủ Hàn thì sao? Không chỉ các game thủ, mà cả các NPH kỳ thực đều coi bot hoặc auto là những công cụ hack. Việc sử dụng auto sẽ khiến cho trải nghiệm của game bị bóp méo, từ đó dẫn tới cả sự không công bằng giữa những người chơi game với nhau, khi một người có thể rảnh tay nhìn nhân vật hoàn thành nhiệm vụ, trong khi người còn lại phải bỏ ra không ít thời gian để tự tay tiến hành nhiệm vụ được giao trong game.
Nếu các bạn theo dõi tin tức, thì gần đây nhất, ngót nghét cả trăm nghìn người chơi trong một game nhập vai Hàn đã bị khóa account vĩnh viễn chỉ vì dùng… auto. Nếu như tại Việt Nam, bị ban account này có thể lập tài khoản khác, chiến tiếp game thì ở Hàn không như vậy. Mỗi game đều được quản lý bằng chính số CMND, vì thế có thể khẳng định 100 nghìn người chơi này chắc chắn sẽ vĩnh biệt tựa game.
Đó mới chỉ là khía cạnh “thích ăn sẵn” của game thủ Việt Nam. Có lẽ còn vô vàn những khác biệt nữa đại loại như thích spam kênh chat, nói tục hay thậm chí là sử dụng hack, một điểm khiến không ít các NPH buộc phải chặn đứng IP đến từ Việt Nam, không cho chúng ta cơ hội thưởng thức nhiều game đỉnh.
Game hay về Việt Nam chưa chắc đã sống khỏe
Đó là bài học xương máu mà bất kỳ nhà phát hành nào ở Việt Nam cũng đã từng trải qua, hoặc đã nhìn vào tấm gương của những người đi trước mà đúc rút. Không phải thậm xưng, nhưng vấn đề thứ hai này hóa ra lại là hệ quả của chính sự khác biệt về cộng đồng game thủ.
Game hay về Việt Nam? Sở hữu gameplay độc, cuốn hút? Chưa chắc đã hợp với thị hiếu, khi thời gian chơi game không còn dư dả, cũng như tật “ăn sẵn” nương nhờ auto của một bộ phận game thủ. Vậy còn những game đồ họa đẹp, chi tiết, giống như thật?
Số lượng máy tính có thể kham nổi những tựa game như vậy tại nước ta sẽ không thể so được với tổng số lượng PC có thể chiến tốt những game online bậc trung hoặc những webgame. Các NPH cũng buộc phải tính toán kế hoạch sao cho lượng người chơi đông, chứ khó có thể phục vụ một bộ phận nhỏ game thủ với nhu cầu và điều kiện khác biệt.
Trước đây cũng vậy, Granado Espada, hay nhiều bom tấn khác cũng buộc phải ngậm ngùi nói lời chia tay làng game Việt vì những lý do kể trên.
Nhà phát hành ở đâu cũng như nhau
Không ít game thủ đã lên tiếng phê phán cách hoạt động của một số nhà phát hành game Việt Nam, với vô vàn những lý do: Nhà phát hành hút máu người chơi, GM không giúp đỡ game thủ, hay những thắc mắc ý kiến bị ngó lơ, không nhận được hồi đáp. Kỳ thực, Việt Nam không phải nơi duy nhất có những thực trạng như vậy.
Nếu nhìn vào A.V.A. hay Cửu Âm Chân Kinh phiên bản Bắc Mỹ, những event của những tựa game này đều… sặc mùi tiền. Nghĩa là, game thủ bỏ tiền để có được cơ hội sở hữu những món đồ ảo trong game, hoặc những món quà ngoài đời thực, được tặng thưởng gián tiếp qua công sức và tiền bạc họ bỏ ra cho mỗi event. Quả cầu may mắn của A.V.A. Global chẳng khác Quả cầu may mắn của Crossfire Việt Nam là bao nhiêu.
Rồi những thắc mắc, khiếu nại của người chơi không phải lúc nào cũng được giải quyết một cách hợp lý và nhanh chóng. Ngay cả game thủ nước ngoài đôi khi cũng phải đến mức phát cuồng vì chờ đợi các NPH giải quyết cho trường hợp của họ, chứ chẳng riêng gì Việt Nam.
Tạm kết
Có những khía cạnh của đời sống game chúng ta hoàn toàn có thể so sánh để tìm ra sự khác biệt, cũng như tìm thấy giải pháp hoặc cách khắc phục. Thế nhưng nếu đem so sánh toàn bộ làng game trong nước với những thị trường bên ngoài thì điều đó là bất hợp lý và khó có thể đem lại kết quả như mong muốn.