Kể từ khi thị trường trò chơi trực tuyến tại Việt Nam chính thức chào đời cho tới nay, có lẽ chủ đề "cày kéo hay chơi cho vui" luôn tạo thành làn sóng tranh luận dữ dội trong cộng đồng giới trẻ nước nhà. Đơn giản vì suy nghĩ của mỗi game thủ là khác nhau nên họ sẵn sàng xả thân vì quan điểm cá nhân, thậm chí nhiều khi còn... cãi cùn.
Game thủ yêu thích cày kéo thường bị hắt hủi hoặc phỉ báng.
Cho tới hiện tại, phần đông ý kiến đều phản đối chuyện "đua top" trong game online. Họ cho rằng chính xu thế cày kéo, cắm chuột đã làm "tha hóa" mặt bằng giới trẻ trong nước đến nỗi họ chẳng còn mặn mà với các sản phẩm hấp dẫn thực sự tại Tây Âu.
"Chơi game mà chỉ cho vui thì thà thuê phim hài về xem còn hơn", bình luận của một game thủ trên diễn đàn trong thời gian gần đây nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt theo dõi. Tất nhiên, anh chàng "lỡ miệng" này phải chịu hàng chục lời mắng nhiếc, khinh rẻ đến nỗi không dám quay trở lại topic cũ. Tuy vậy, theo quan điểm của nhiều người chơi khác, ý kiến trên chưa hẳn đã sai hoàn toàn.
Nếu không có "đua top", liệu game online có phát triển được như ngày nay?
"Sao mọi người luôn coi chuyện cày kéo đua top là biểu hiện của người ít học, thiếu hiểu biết? Thử hỏi có ai dám khẳng định rằng 100% game thủ tham gia vào thế giới ảo chỉ đề vui? Nếu thế thì thị trường game online sụp đổ lâu rồi", một game thủ tại Hà Nội bức xúc.
Theo anh và những ai cùng chí hướng với anh, thì điểm cốt yếu giúp giữ chân người chơi với bất kỳ sản phẩm trực tuyến nào chính là việc họ có được thi đua, cạnh tranh cùng bạn bè xung quanh hay không. Dĩ nhiên, tình bạn và các mối quan hệ trong thế giới ảo cũng góp phần không nhỏ, nhưng nếu chỉ có vậy thì thà tham gia các mạng xã hội như Facebook, Twitter... còn hơn.
Nếu chơi game online chỉ để kết bạn, thì dùng mạng xã hội sẽ tốt hơn nhiều.
Nhận xét trên phần nào đúng đắn, vì động lực giúp cuộc sống (dù thật hay ảo) trở nên tươi đẹp chính là sự cạnh tranh, chiến đấu với thử thách. Có thi đua hoặc khát vọng vươn lên vị trí dẫn đầu thì con người mới phát triển được nền văn minh như ngày nay.
Vậy thì ước mong xếp thứ hạng đầu trong bang hội hay server không thể bị coi là tư tưởng thấp hèn, trái lại nếu game thủ vẫn đảm bảo cân bằng cuộc sống thì họ có thể tự hào về thành tích của mình.
"Rõ ràng có đua top, có tranh đua để lên cấp cao thì người ta mới bỏ tiền vào trò chơi trực tuyến, và cũng qua đó giúp nuôi sống chính các NPH trong nước. Thử hỏi chỉ trông vào bộ phận 'chơi cho vui' thì sau mấy tháng game sẽ đóng cửa? Thế mà cứ ai thích cày kéo là lại bị xua đuổi, coi thường là sao?", một chủ Guild từng đổ nhiều tiền vào MMO phát biểu.
Nếu game thủ không chi tiền để chứng tỏ vị thế, thì các NPH sẽ sớm đóng cửa trò chơi.
Quan điểm trên tuy có thể bị coi là thực dụng, nhưng lại rất đúng đắn nếu xét trên phương diện kinh doanh thuần túy. Đơn giản vì hiện tại hầu hết game online tại Việt Nam đều miễn phí giờ chơi, nên nếu tất cả khách hàng đều chỉ mua đồ rẻ thì NPH chắc chắn chẳng thế hòa vốn chứ chưa nói tới có lãi.
Tóm lại, ý thích của mỗi người luôn "không ai giống ai", vì thế đừng nên vội vàng chụp mũ cho các game thủ muốn đua top nếu họ thực sự coi trọng thế giới ảo mà vẫn đảm bảo cuộc sống thực không bị xáo trộn. Do đó, phát biểu "Chơi game mà chỉ cho vui thì thà thuê phim hài về xem còn hơn" là sai, nhưng "Chơi game đua top không có tội" thì hoàn toàn đúng đắn, quan trọng là chúng ta cần kìm giữ không cho mặt trái của xu hướng này hoành hành mà thôi.