DOTA 2 về Việt Nam – Được nhiều hơn mất

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 04/06/2014 12:32 AM

Xét cho cùng, việc DOTA 2 có server cũng như phiên bản Việt đem lại nhiều thuận lợi hơn là bất cập.

Không cần phải bàn cãi nhiều, ờ thời điểm hiện tại, cộng đồng game thủ Việt nói chung cũng như những người hâm mộ DOTA 2 tại Việt Nam nói riêng đang vô cùng quan tâm tới việc tựa game MOBA này có thể sẽ được phát hành tại nước ta.

DOTA 2 về Việt Nam – Được nhiều hơn mất 1

Dĩ nhiên, bên cạnh những bình luận cho rằng DOTA 2 về Việt Nam là điều đáng mừng, thì vẫn còn không ít game thủ nghĩ rằng, DOTA 2 có phiên bản Việt sẽ khiến mọi thứ bị xáo trộn, đặc biệt là sau vài năm đã quen với phiên bản quốc tế thông qua Steam.

Tuy nhiên, xét cho cùng, việc DOTA 2 có server cũng như phiên bản Việt hóa ra lại là điều đem lại rất nhiều thuận lợi cho cộng đồng game thủ Việt nói chung cũng như những fan cuồng nói riêng.

Dễ làm quen với game hơn

Một số người cho rằng, phiên bản Việt hóa của DOTA 2 ra mắt sẽ khiến “trẻ trâu” tham gia game vô tội vạ, khiến những trận đấu vốn cần tính đồng đội rất cao như DOTA trở thành “bãi chiến trường” nơi mỗi người đánh một kiểu và không ai chịu ai.

DOTA 2 về Việt Nam – Được nhiều hơn mất 2

Vấn đề được đặt ra là, bất kỳ ai, kể cả các gosu cũng từng có cho mình một thời kỳ “làm gà” trước khi tích lũy cho mình đủ kinh nghiệm trận mạc cũng như kỹ năng cá nhân. Ấy vậy mà không ít game thủ tự cho mình sở hữu kỹ năng cao lại không muốn những chàng lính mới làm quen với game. Điều này khiến cho cộng đồng từng nghĩ fan DOTA 2 là những người thủ cựu.

Kỳ thực, khi những cái tên như “Trượng xanh” hay “Giày máu” khi ra mắt sẽ khiến một vài game thủ cảm thấy tức cười vì họ đã quen với những cái tên bằng tiếng Anh, tuy nhiên vui một chút, đến Black King Bar chúng ta còn quen gọi với cái tên “Mặt nạ trẻ trâu” một cách tếu táo, thì những game thủ mới sẽ làm quen được với game dễ dàng hơn rất nhiều so với phiên bản tiếng Anh.

DOTA 2 về Việt Nam – Được nhiều hơn mất 3

Chưa kể, nếu không thích giao diện tiếng Việt, thì thông qua Steam, chúng ta vẫn chọn được ngôn ngữ mình ưa thích, kể cả… tiếng Nga!

Các giải đấu có điều kiện phát triển mạnh

Tuy rằng đã phát triển ở Việt Nam từ rất lâu, thế nhưng DOTA 2 Việt mãi đến cuối năm ngoái mới có được cho riêng mình một giải đấu chính thức, được Valve công nhận bằng cách cho bán vé trên cửa hàng ảo của tựa game.

DOTA 2 về Việt Nam – Được nhiều hơn mất 4

Nếu có được một NPH đứng ra quản lý DOTA 2 tại Việt Nam, thì những giải đấu cũng như cộng đồng caster chuyên nghiệp tại nước nhà cũng sẽ có cơ hội nhiều hơn. Những caster chuyên nghiệp tuy sẽ khó có thể làm việc tự do như trước, nhưng tiến trình chuyên nghiệp hóa sẽ diễn ra trơn tru hơn, tránh được những bất đồng khi các team caster tự do nảy sinh mâu thuẫn.

Bằng chứng rõ ràng nhất là giải đấu DOTA 2 quy tụ nhiều cái tên đình đám trong khu vực Đông Nam Á cũng chính do VTC Games tổ chức.

Chắc chắn không có hack

Một vấn đề nhiều game thủ Việt lo ngại khi DOTA 2 về Việt Nam chính là vấn đề hack cheat.

Cần nhắc lại một điều, cho dù có nhà phát hành chính thức tại thị trường Trung Quốc hay Hàn Quốc, nhưng DOTA 2 tại các quốc gia này vẫn cần phải chạy thông qua Steam, nền tảng vốn nổi tiếng với hệ thống VAC, hệ thống chống hack với phương châm “khóa nhầm còn hơn bỏ sót”.

DOTA 2 về Việt Nam – Được nhiều hơn mất 5

Chính vì vậy, có thể chắc chắn một điều rằng, DOTA 2 server Việt Nam nếu có xuất hiện cũng vẫn sẽ phải thông qua nền tảng Steam, vì thế mối lo ngại hack game gần như sẽ chẳng bao giờ xuất hiện.

Thanh toán đồ ảo dễ dàng

Không ít game thủ Việt thưởng thức DOTA 2 hiện tại đang phải “bấu víu” vào những dịch vụ bán đồ ảo của DOTA 2 bằng tiền Việt, có nghĩa là những trader sẽ mua đồ bằng thẻ quốc tế, sau đó bán lại cho game thủ với một mức giá nhất định.

Nếu VTC Games thành công trong thương vụ lớn này, một điểm lợi thế nữa chính là việc game thủ nước nhà, những fan cuồng DOTA 2 sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc thanh toán mua vật phẩm ảo trong game.