“Xuất khẩu game” – một cụm từ vẫn còn khá xa lạ với các NPH nước nhà. Dù chúng ta có một VNG thành công rực rỡ với thể loại 2D Kiếm hiệp, VTC Game cùng tham vọng lớn tấn công thị trường quốc tế, có FPT Online, Asiasoft mạnh mẽ và đang đà tiến bước. Trong thời gian gần đây, đến lượt nhiều cái tên nhỏ hơn lên tiếng như SGTel, TamTay, Sgame..., game Việt cũng đã ra đời cùng nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, làm game để “xuất khẩu” lại là một câu chuyện khác.
Những triển vọng mới
Trong chặng đường phát triển lắm chông gai của mình, game Việt đã chứng kiến nhiều cuộc đổi thay to lớn. Đến giờ, người chơi có thể tự hào rằng ít ra chúng ta cũng không phải thua kém so với bạn bè quốc tế. Kể từ thời điểm game online chính thức du nhập, những cái đầu nhạy bén về lĩnh vực GO biết rằng đó là một tiềm năng vô hạn. Hàng loạt các cuộc đổ bộ mới, hàng loạt các dự án, những đổi thay góp phần tạo nên diện mạo đa dạng của làng game nước nhà.
Người Việt chơi game ngoại, rồi cũng chính thức được “sờ” vào một MMO đậm chất Việt – Thuận Thiên Kiếm như chính tiếng nói của VNG khi đi tiên phong cho xu hướng làm game. Đến lượt nhiều dự định đặt ra, đa phần rơi vào quên lãng. Trong khi đắm chìm nơi vô vàn sắc màu của game Hàn Quốc, Trung Quốc..., đôi lúc gamer ước gì được nhìn ngắm nhiều hơn một phong cách Việt Nam.
SQUAD lên tiếng! Đây đích thực là một khẩu thần công bắn lên tiếng pháo giòn giã thúc giục tham vọng và khơi dậy sự cạnh tranh giữa các NPH. Thời điểm cuối năm 2010 là khi cả “đại gia” và “tiểu gia” cho công bố những dự án game thuần Việt. Trước cơn bão game ngoại được dự đoán đổ bộ vào 2011 thì gamer cũng được dịp kháo nhau chắc năm nay sẽ được thưởng thức chút “hương vị quê nhà”.
Thời đại của game Việt đã đến? Đó là một quy luật tất yếu khi mà sự phát triển đồng nghĩa với đổi mới. Để tiếp tục giữ được vị thế của mình, NPH cần một điều gì khác hơn thay vì chỉ nhập về các sản phẩm đã được cộp mác của một NSX quốc tế. Rõ ràng là nếu như các sản phẩm thuần Việt thành công, việc “xuất khẩu game” sẽ trở thành bước tiến quan trọng đánh dấu rằng rốt cuộc thì ngành game Việt cũng đã có được một thế đứng vững vàng.
Nhưng còn lắm chông gai...
Nói thì nghe rất hay. Chúng ta giả sử rằng SQUAD của VTC trong thời gian tới tung ra “đè bẹp” CF. Sau đó, trên lĩnh vực MMOFPS có SQUAD chiếm lĩnh thị trường nước nhà. VTC chắc chắn sẽ mang “đứa con” này tiến công ra các nước bạn ở khu vực Đông Nam Á, rồi đến Châu Á. Sau VTC là VNG, Asiasoft, FPT,... tung ra hàng loạt con bài chiến lược giúp danh sách các game được “xuất ngoại” gia tăng. Ta tiếp tục tưởng tượng thời điểm mà game Việt Nam có thể sánh ngang Hàn Quốc, Trung Quốc! Quả là một viễn cảnh tươi sáng.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó còn cả một chặng đường dài "dằng dặc" phía trước đang đợi các NPH. Việc “xuất khẩu game” phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không chỉ làm ra được game, NSX còn cần tạo được game hay, điều hành tốt với sức sống lâu bền để thu hút game thủ.
Xét riêng đến Thuận Thiên Kiếm – MMO thuần Việt hoàn chỉnh duy nhất hiện nay. Xây dựng trên nền đồ họa 2D, có phong cảnh Việt và lối chơi khá phù hợp với game thủ, nhưng hiện tại, trò chơi vẫn đang khiêm nhường xếp sau nhiều cái tên cùng thể loại kiếm hiệp khác mà VNG sở hữu. Người ta thắc mắc tại sao?
Dù cho có là một công ty lớn, nhưng rõ ràng khi chưa có kinh nghiệm về làm game thì việc tạo ra một sản phẩm đầu tay thành công rực rỡ là quá sức tưởng tượng. VNG đi sau các NSX nước ngoài, học hỏi được nhiều từ họ. Nhưng xét cả về hoàn cảnh và lịch sử phát triển thì NPH này không thể có những kinh nghiệm quý giá thu được trong quá trình làm game. Chỉ một sự khác nhau về lối chơi, về xu hướng bị ảnh hưởng của game thủ, so sánh Thuận Thiên Kiếm và Kiếm Thế thực tình có chênh lệch khá xa.
Lại nói cả đến SQUAD. Lần đầu ra mắt, gamer sau khi trải nghiệp MMOFPS này nhận định rằng nó chỉ ở mức 5 về các phương diện. Đồ họa chưa đậm tính việt, lối chơi còn ăn theo CF,... VTC thành công với tựa game CF nhưng không phải họ cứ bê thành công đó vào để làm SQUAD là được. Cho đến giờ tựa game này vẫn chưa chính thức phát hành, nhưng khả năng nó ra đời và sau đó được “xuất ngoại” là cực kỳ cao.
Nói về chất lượng game, về kinh nghiệm, NPH Việt còn cần phải học hỏi nước bạn và cải thiện nhiều. Bên cạnh đó, những quy luật “ngược đời” ở thị trường GO nước ta cũng khó mà áp dụng được khi muốn dấn chân vào thị trường quốc tế. Nếu như tựa game 2D Kiếm hiệp ở Việt Nam rất được chuộng, nếu những game trọng nhẹ – nhàn – tiện lợi là lựa chọn của số đông gamer thì dễ chết yểu lúc bước ra khỏi lãnh thổ nước nhà. Tất nhiên, ngay gần chúng ta đã có một Trung Quốc quá giỏi về lĩnh vực này rồi.
“Xuất khẩu game”, NSX còn cần sẵn sàng cho nhiều áp lực hơn bởi việc điều hành và chịu trách nhiệm về tình hình game. Dù cho có là tự đứng ra phát hành hay bán lại game cho NPH khác thì NSX cũng rất cần đến kinh nghiệm và kĩ năng để đáp ứng được. Nói về khâu quản lí điều hành, các NPH nước ta còn cần cố gắng nhiều mới có thể giữ được sức sống lâu dài cho game.
Cải thiện tình hình cơ sở vật chất – kỹ thuật, làm game theo xu hướng phù hợp, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố văn hóa, chú trọng về tính chất của game... các thách thức này chẳng hề dễ vượt qua chút nào. Đặc biệt khi mà tình hình game online đang bị kiểm soát chặt chẽ.
Tiến bước trên “sườn dốc”
Nếu coi các NPH Việt như những nhà leo núi, thì họ đang trên một cuộc đua lên đến đỉnh cao. Và nếu gọi đỉnh cao đó là “tạo tiếng nói trên thị trường quốc tế” tất nhiên các nhà leo núi này còn cần phải trải qua một chặng đường gian nan nữa.
Thành công được tạo ra bằng những trải nghiệm. Xu hướng làm game ở nước ta hiện đang được đẩy lên mạnh mẽ. Không ai hơn các gamer mong chờ 6 game Việt đã sẵn sàng trên bệ phóng nhanh chóng ra mắt. Tiềm lực có, nhân tài có, vấn đề là phải lao vào cuộc chiến thì tất cả mới biết được khả năng của mình đến đâu.
“Xuất khẩu game” – tìm một thị trường mới để khai thác và chiếm lĩnh, trong khi thị trường nội địa đang bị luật “giới nghiêm”, các NPH bành trướng thế lực của mình cũng là góp phần tiếng nói thêm cho cả ngành GO nước nhà. Hàng loạt dự án vẫn đang được thực hiện, với hi vọng trong tương lai gần gamer Việt sẽ được trải nghiệm nhiều hơn nữa những GO “made in Viet Nam”.
Đây giống như một xu hướng thì còn khá xa vời, nhưng nếu nó được thực hiện bởi một số NPH lớn với sự đầu tư xứng đáng thì cũng không quá khó hiểu. Chẳng cần phải bước nhanh bước vội, từng bước tiến nhỏ một sẽ là tiền đề cho việc mang GO Việt đến với bạn bè quốc tế.