Trong lịch sử gần một thập kỷ phát triển, thị trường game online Việt Nam chịu ảnh hưởng quá lớn của các sản phẩm ngoại, trong đó Trung Quốc thâu tóm tới 80% đầu MMO, phần còn lại thuộc về... Hàn Quốc. Đây là điều vẫn làm buồn lòng các tín đồ ảo nước nhà, tuy nhiên dù sao thì ít ra các doanh nghiệp nội địa cũng không bị đối thủ tới từ bên ngoài biên giới cạnh tranh trực tiếp.
Quả vậy, suốt 8, 9 năm qua ngoài việc cạnh tranh lẫn nhau và phân ra thành nhóm tứ trụ (FPT, VTC, VNG, AS), các NPH Việt chưa phải đối mặt với doanh nghiệp lớn nào của nước ngoài. Trên lý thuyết thì Asiasoft vốn cũng là công ty ngoại, nhưng càng ngày tiềm năng của nó càng giảm xuống và gần như không còn xứng đáng với một vị trí trong nhóm top 4.
Thị trường game Việt là một "miếng mồi béo" mà nhiều thế lực muốn thâu tóm.
Mọi chuyện tưởng chừng sẽ thay đổi khi cách đây không lâu, một số cái tên bắt đầu lăm le tấn công thị trường game dải đất hình chữ S. Điển hình như việc công ty ChangYou (Trung Quốc) thành lập chi nhánh công ty cổ phần Tuyệt Phẩm tại TPHCM, hay River Walk Multimedia (Malaysia) dự định dùng "tay trong bán thẻ". Có điều bẵng đi cả nửa năm nay, mọi chuyện vẫn bặt vô âm tín.
Không dễ "xơi"
Có vẻ như một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các thế lực cạnh tranh tới từ ngoài nước im hơi lặng tiếng thời gian qua là vì họ quá tự tin, chưa lường trước được những khó khăn tại Việt Nam. Thí dụ như River Walk Multimedia định thuê 1 doanh nghiệp trong nước bán thẻ và phát hành webgame "MIU" (hay còn có tên khác Aurora Blade), rõ ràng mô hình này không thể vượt qua được "vòng gửi xe".
Chang You xắn tay áo xông vào làng game Việt rồi lặn không sủi tăm.
Còn như ChangYou, có lẽ hãng đã kỳ vọng nhiều vào chi nhánh mang tên "Tuyệt Phẩm" của mình (hồi cuối năm ngoái còn tiến hành tuyển hàng loạt nhân viên người Việt vào các vị trí như Giám đốc sản phẩm, chuyên viên web...). Thế nhưng việc chọn thời điểm đúng vào lúc thị trường MMO Việt đang khủng hoảng là điều không hợp lý.
Dễ thấy trong gần 1 năm qua, ngay cả các NPH nội địa cũng phải vật lộn trước khó khăn khi không thể phát hành game mới, không được truyền thông rộng rãi cho game cũ thì cơ hội cho thế lực ngoại còn nhỏ nhoi hơn nhiều. Tấm gương Asiasoft VN sa thải tới 50% nhân viên, thay máu toàn bộ công ty là minh chứng rõ ràng nhất.
Khó mà "xơi" được miếng mồi béo khi các NPH Việt chả dại mà làm "tay trong".
Phương án đặt server tại nước ngoài rồi dùng phiên bản Việt hóa để thu hút gamer là giải pháp duy nhất, thế nhưng bài toán thu lãi từ nạp thẻ thì hoàn toàn vô vọng. Thứ nhất, rõ ràng các NPH lớn trong nước như VTC, FPT, VNG chẳng dại gì cung ứng hệ thống giao dịch ảo của mình cho đối thủ đang lăm le ăn tươi nuốt sống mình, thứ hai, việc xin giấp phép để tự mở chi nhánh bán thẻ là điều không tưởng.
Thêm nữa, không hiểu rõ thị hiếu giới trẻ Việt mà dám nhảy ngay vào kinh doanh thì chẳng khác gì "tự sát". Dễ thấy với nền tảng đồ họa nghèo nàn của Aurora Blade, may mà River Walk kịp dừng lại trước khi chuốc lấy thất bại vì giai đoạn đầu năm 2011 hàng loạt webgame chất lượng khá cao được mang về nước.
Miu đã vội thu quân về nước khi không thể làm nên trò trống gì.
Với những khó khăn như trên, rõ ràng sự biến mất không dấu vết của ChangYou hay River Walk là điều hiển nhiên. Chỉ có điều chưa rõ họ có thực sự rút lui hay vẫn đang nằm im chờ thời mà thôi.
Còn Việt Nam thì sao?
Phía trên, ta đã nói tới xu hướng muốn trực tiếp "cấu xé" thị trường game Việt của một số NPH nước ngoài. Vậy ngược lại, các doanh nghiệp trong nước với kỳ vọng tấn công thị trường ngoại có gì sáng sủa hơn không? Câu trả lời có lẽ là không.
VTC từng rất quyết tâm "xuất ngoại".
Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, VTC Game giành quyền phát hành Audition tại Campuchia với phiên bản tiếng Khmer, sau đó lại mang Linh Vương sang Indo và Hoa Kỳ. Mới đây nhất, MMOFPS đầu tay của VTC Studio là SQUAD thậm chí còn mở cửa trang teaser tại Indonesia làm dấy lên nghi ngờ game sẽ phát hành tại nước ngoài trước.
Đây tuy chỉ là sự kiện kinh doanh bình thường nếu so sánh với ngành xuất khẩu hàng hóa đơn thuần nhưng lại là bước tiến lớn của nền công nghiệp game online Việt Nam. Nó làm dấy lên hy vọng thống trị thị trường ĐNÁ của doanh nghiệp Việt trong quãng thời gian ngắn rồi nhanh chóng rơi vào ảm đạm. Dĩ nhiên không thể nói rằng các đầu game trên đều thất bại, nhưng rõ ràng chúng chưa thể đạt tới cảnh giới "thành công".
Đem game xuất ngoại cũng là một bước tiến của ngành game online nước nhà.