Chắc hẳn ở giờ phút này, rất nhiều những studio game từ lớn đến nhỏ tại nước ta đang “ủ mưu tính kế” nhằm tạo ra những tựa
game online hay game mobile thu hút
cộng đồng game thủ nước nhà.
Về phần cộng đồng, các
nhà phát triển hoàn toàn có thể yên tâm rằng
game thủ đã đang và vẫn luôn dõi theo từng thành tựu mà họ đạt được, bất chấp trong quá khứ, có không ít sản phẩm đã phải hứng chịu thất bại về mặt tài chính.
Đã có không ít những studio game của người Việt Nam đã đúc rút những bài học kinh nghiệm xương máu từ những thực tế họ phải trải qua, hoặc đã được chứng kiến từ những người đồng nghiệp khác. Tất cả sẽ hội tụ và trở thành những điều cần thay đổi cho bất kỳ nhà phát triển game nào nếu họ mong muốn sản phẩm của mình được chào đón nồng nhiệt và hoạt động ổn định.
Tiến công những thị trường mới
Như chúng ta đã biết, năm 2013 vừa qua là thời điểm bùng nổ của vô số game online trên nền tảng di động. Thị trường thiết bị di động Việt Nam là nơi hàng loạt những chiếc máy với cấu hình cũng như màn hình trải rộng từ phân khúc bình dân tới cao cấp. Chính vì vậy hàng loạt những game online dành cho các thiết bị di động, từ java đến smartphone chạy iOS và Android đã ra mắt và tạo được hiệu ứng tích cực tại làng game Việt Nam.
Tuy nhiên thực tế cần phải ghi nhận là trong số những gMO như vậy, số lượng những sản phẩm do người Việt phát triển chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn lại hầu hết đều là những game được nhập về từ các thị trường nước ngoài, những quốc gia có bề dày lịch sử phát triển game.
Bên cạnh đó, một mảng nữa mà các nhà phát triển game Việt Nam đang hướng tới chính là những game đa nền tảng. Ở thời điểm hiện tại, các studio game lớn cũng như indie tại nhiều thị trường trên thế giới cũng đang nhắm tới thị trường này.
Những game online đa nền có thể là những game nhập vai, game chiến thuật, game casual, game thẻ tướng, thậm chí có thể là cả game bắn súng… Tuyệt nhiên khó có thể đánh giá thấp khả năng của những chiếc máy tính bảng hay smartphone hiện nay khi bàn tới vấn đề chơi game.
Chỉ mới hôm qua thôi nVidia đã tung ra mẫu chip xử lý cho di động với sức mạnh hơn hẳn cả Xbox 360 lẫn PS3. Ví von một chút, việc chúng ta có Skyrim phiên bản di động có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Biết chiều chuộng người chơi
Một vấn đề tồn tại trong tâm lý làm game của không ít người, chẳng riêng gì tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới là mức độ “hardcore” cũng như tư duy làm game không phù hợp với thị hiếu thực tế của cộng đồng game thủ.
Ở nước ngoài, số lượng game thủ cổ điển, mong đợi những tựa game với độ khó cao, cách chơi có chiều sâu không hề thiếu, ngược lại, rất đông là khác. Phần lớn họ đều là những game thủ đứng tuổi, đã quen với những thay đổi của thị trường và hướng tới những giá trị của game mà họ cảm thấy phù hợp nhất.
Nhưng ở Việt Nam, một thị trường mà độ tuổi của game thủ thấp, hay giống cách nói của nhiều “anh hùng bàn phím” trong số chúng ta là “làng game nhiều trẻ trâu”, quá hardcore, gameplay quá phức tạp sẽ gây ra phản tác dụng, thay vì khiến game thủ thấm được những cố gắng mà người làm game đã bỏ ra cho đứa con tinh thần của họ.
Việc casual hóa những tựa game để phục vụ cộng đồng game thủ đông đảo với thói quen chơi game đã bị giản tiện hóa theo thời gian là hướng đi khó có thể tránh khỏi của các nhà phát triển game Việt Nam. Thay vì tạo ra một cơ chế gameplay phức tạp, ví như một game nhập vai với hệ thống đồ đạc, skill khủng, hay một game bắn súng yêu cầu kỹ năng cá nhân cực cao, những tựa game dễ chơi, nhưng đi kèm là đồ họa tân thời luôn đem lại thành công tại nước ta.
Không ngần ngại học hỏi
Năm vừa qua, nếu nhận xét thẳng thắn, quả thật là một năm trầm lắng đối với các nhà phát triển game Việt. Khi làng game Việt chúng ta chính thức có những chế tài cụ thể để quản lý thị trường game online, cũng là lúc không ít những studio game Việt buộc phải thừa nhận rằng họ đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Lý do khách quan từ sức hút của những game nước ngoài là một chuyện, bản thân các nhà phát triển cũng đang đứng trong hoàn cảnh thiệt thòi của những người làm game chưa dày dặn kinh nghiệm, đang cố gắng chứng tỏ bản thân mình thông qua những thành công tại thị trường trong nước.
Không thể đổ lỗi cho những người làm game, vì trong quá khứ, ngay cả bản thân ngành phát triển game Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng đã từng rơi vào tình trạng tương tự. Bước khởi đầu chập chững luôn là bước khó khăn nhất. Điều đáng bàn tới là chúng ta sẽ làm gì để trưởng thành hơn.
Dĩ nhiên là học hỏi, học hỏi không ngừng. Nhưng vấn đề nảy sinh khi cách học hỏi kinh nghiệm của một hay một số studio này lại bị một vài người làm game khác tỏ ý bất đồng, chỉ trích và coi đó là việc “copy game”. Hãy nhớ rằng trong quá khứ, “người hàng xóm phương bắc” của chúng ta đã trải qua một thời gian dài chỉ làm những phiên bản game cóp nhặt từ vô vàn ý tưởng của nhiều game online khác. Giờ đây họ trở thành một trong những thị trường phát triển game hàng đầu châu Á.
Bài học rút ra là gì? Học hỏi không phải là điều đáng bận tâm, vấn đề nằm ở chỗ sau khi có đủ kinh nghiệm, chúng ta liệu có thể thổi được bản sắc riêng vào những tựa game do chính bàn tay người Việt thực hiện hay không, hay mãi chỉ đi theo ý tưởng của những sản phẩm thành công trong quá khứ.