Song song với sự phát triển của ngành GO Việt nhiều năm qua, vẫn còn tồn tại vấn đề nổi cộm là chất lượng phục vụ của các NPH. Đây cũng chính là cội nguồn của vô số những khúc mắc giữa doanh nghiệp và khách hàng, đa phần game thủ nội địa đều kết luận một điều rằng so với các thị trường game phát triển, tín đồ ảo Việt Nam bị đối xử hết sức thiếu trách nhiệm.
Kết luận ấy không phải không có căn cứ, với số lượng game nhập về ào ạt, thuộc đủ mọi thể loại để rồi hầu hết chúng đều rơi vào cảnh ảm đạm vì NPH thờ ơ (chủ yếu do doanh thu kém), uy tín của họ xuống rất thấp. Bài toán giải quyết vấn đề trên gần như không thể tìm ra lời giải, thế nhưng mọi chuyện đã bắt đầu sáng sủa hơn với cách thức "cạnh tranh" hoàn toàn mới.
Thị trường game Việt còn quá nhiều điều bất cập.
Thực trạng làng game Việt
Phải công nhân một điều rằng nhiều tựa game tại Việt Nam đã không còn chút sức sống nào (lượng người chơi ít, không có event, ban điều hành thờ ơ...), nhưng vẫn có rất nhiều fan hâm mộ phải chấp nhận sống chung với nó. Một phần vì MMO ấy rất nổi tiếng ở nước ngoài và có gameplay xuất sắc, một phần vì đã trót gắn bó nên không nỡ tách rời.
Nói cách khác, mặc dù game vẫn còn sức sống, còn cơ hội vực dậy nhưng do NPH tập trung vào các sản phẩm hút tiền hơn nên họ sẵn sàng bỏ mặc, game thủ kêu ca một thời gian rồi phải chấp nhận. Hoặc thậm chí có trường hợp tình trạng hack tràn lan, chất lượng phục vụ thấp nhưng vì không còn chỗ nào khác để chơi nên các tín đồ ảo vẫn phải cắn răng chấp nhận.
Độc quyền phát hành, NPH không phải lo chuyện cạnh tranh.
Xảy ra tình trạng trên âu cũng vì hai chữ "độc quyền". Nói một cách dễ hiểu thì khi đã mua một MMO về phát hành tại Việt Nam thì gần như NPH không còn phải lo đối thủ nội địa nào cạnh tranh, họ thỏa sức đối xử thiếu trách nhiệm với khách hàng bất chấp có bị phản đối hay la ó đến đâu. "Chê thì thôi đừng chơi", nhiều game thủ đã phải thốt lên câu nói hài hước như vậy để chỉ những tựa game ăn khách mà chất lượng phục vụ vô cùng non kém.
Ai cũng biết, yếu tố sống còn để một lĩnh vực có thể phát triển được là tính cạnh tranh cao, vì thế trong hoàn cảnh mà cung cách làm ăn của nhiều doanh nghiệp game chưa chuyên nghiệp, thiếu đi cạnh tranh đồng nghĩa với việc rất khó để họ tự cải thiện mình. Đồng thời chính bộ mặt chắp vá của toàn thị trường GO đã khiến ý thức gamer đi xuống theo, dù ít hay nhiều.
Khi tính "độc quyền" không còn
Như đã đề cập ở trên, lời giải cho bài toán sút kém chất lượng phục vụ khách hàng dường như không có lời giải, cho tới khi mới đây xuất hiện một xu hướng cạnh tranh hoàn toàn mới. Dĩ nhiên, trong tương lai hình thức này có tồn tại được hay không vẫn khó khẳng định ngay, nhưng ít nhất nó cũng mở ra nhiều điều thú vị.
Nếu chăm chỉ theo dõi tin tức, bạn sẽ biết chuyện mới đây webgame
Thần Mộ Ký có tới...
2 NPH cùng lúc tại Việt Nam, đồng thời 2 công ty này không hề có sự hợp tác chung nào. Trước đó, VTC nắm quyền duy nhất để phát hành webgame này, và mới đây tới lượt xGo - NPH mới toanh cũng tuyên bố họ sắp cho ra đời bản sao mang tên "
Cửu Đỉnh".
Website Cửu Đỉnh - "Thần Mộ Ký phiên bản 2" mới ra mắt hôm 19/04.
Thậm chí phía xGo còn khẳng định chất lượng phục vụ khách hàng cũng như vận hành Thần Mộ Ký hơn hẳn "đối thủ" (phiên bản mới hơn, nhiều tính năng hơn). Điều này mở ra khả năng lớn là các fan của trò chơi đang sống trong những tháng ngày thầm lặng sắp có thêm miền đất mới để lựa chọn.
Dù khó có thể biết được làm thế nào để xGo hợp thức hóa được Cửu Đỉnh, bất chấp bàn tay của ông lớn VTC Game, nhưng người được lợi trong chuyện này rõ ràng là game thủ. Và nếu như xGo thành công, các NPH khác cũng lần lượt thử nghiệm cách làm trên, rõ ràng thị trường GO Việt sẽ bước sang một trang mới: Không còn độc quyền, NPH nào kém sẽ bị gamer đào thải nhanh chóng.
Gamer sẽ thực sự là "thượng đế" khi được lựa chọn NPH tốt nhất.
Liệu có hiệu quả?
Rõ ràng với lập luận như trên, game thủ chính là người được lợi nhất, họ thoải mái lựa chọn NPH nào vận hành tựa game mình yêu thích tốt nhất. Cảnh sống trong "cam chịu" sẽ không còn, đồng thời cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trách nhiệm cao vươn lên. Thế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra.
Thứ nhất, chính là tính hợp pháp. Trước đây tại Việt Nam chưa hề có hình thức kinh doanh game kiểu "phiên bản Việt", vì thế không ai có thể chắc chắn 100% rằng cách làm này là an toàn và không có sơ hở nào. Nếu không cẩn thận, có thể hướng đi mới sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng và người chịu thiệt cuối cùng lại chính là... người chơi (vì không được đảm bảo về tài sản ảo).
Nhớ lại trường hợp của TLHK và Loong Online, thậm chí sau khi game ra đời đã lâu, rất nhiều gamer vẫn... không biết NPH là ai, họ chỉ bắt đầu lo lắng khi có vấn đề xảy ra với tài khoản của mình. Liệu đó có tiếp tục xảy ra với cách làm mới trên hay không?
Vẫn còn nhiều dấu hỏi cần được tương lai giải đáp.
Thứ hai, chất lượng đường truyền cũng là một vấn đề. Với webgame, mọi chuyện khá đơn giản vì dù server đặt tại nước ngoài thì độ trễ cũng không quá ảnh hưởng tới người chơi, thế nhưng với MMO cài đặt thông thường, đó sẽ là một thảm họa khó chấp nhận được. Hiện tại đến ngay cả các game phát hành tại Việt Nam còn "lag lên lag xuống" thì đủ biết ở nước ngoài sẽ thế nào.
Tựu chung lại, thị trường game Việt đang đứng trước một hướng đi đầy táo bạo, hãy cùng dõi theo trong thời gian tới để biết được tính hiệu quả cũng như mức độ dẻo dai của nó.