Đã có thể sống bằng "làm game" tại Việt Nam?

Nghi Lâm  | 21/05/2011 0:00 AM

Đó là vấn đề đang được khá nhiều bạn trẻ trong nước thắc mắc khi càng ngày thị trường MMO thuần Việt càng phổ biến rộng rãi hơn.

"Phát triển game" - Cụm từ cách đây vài năm còn tương đối xa lạ với phần đông xã hội Việt Nam nhưng nay bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Điều này một phần do thị trường trò chơi trực tuyến trở nên rộng rãi, không còn là thứ xa lạ với người dân nội địa, hơn nữa số lượng các dự án "made in VN" ra đời hàng loạt trong 1, 2 năm trở lại đây cũng góp phần vào quá trình phổ cập ngành nghề mới.
 
Tuy nhiên trong mắt đại bộ phận giới trẻ thì sống bằng nghề "gamedev" (game development) vẫn còn quá khó khăn. Phong trào nghiệp dư cũng vì thế mà giảm xuống trầm trọng, đơn cử như cách đây không lâu một bạn trẻ từng viết trên blog tiêu đề "Cay đắng phận lập trình game Việt" để diễn tả sự bế tắc của mình.
 

Các thành viên trong ngành gamedev tụ hội tại hội nghị quảng bá Unity Engine hồi tháng 03.
 
Vậy sự thật của vấn đề "Đã có thể sống bằng làm game tại Việt Nam?" là như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu một số khía cạnh thực tế để đi tới kết luận khách quan.
 
Cơ hội
 
Đối với bất kỳ ngành nghề nào, "cơ hội" luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Yếu tố này bao gồm cơ hội có việc làm, cơ hội thăng tiến, cơ hội phát triển kỹ năng bản thân... hay nói một cách chung nhất là khả năng vươn lên của người lao động. Ở nước ngoài, nhất là các quốc gia phát triển thì phát triển game được xếp vào hàng ngũ những công việc "cao giá", được trọng vọng không ít.
 
Còn tại Việt Nam, đúng là cách đây chừng 3, 4 năm gần như không có đầu ra nào cho sinh viên đam mê nghề làm game. Các studio lúc đó còn mò mẫm dò đường với một vài lão thành là chính, hiếm có doanh nghiệp lớn nào chịu đầu tư mạo hiểm mà chỉ dừng lại ở mức tìm hiểu dần dần.
 

Quang cảnh tại Emobi Games - Studio phát triển 7554.
Hiện tại, mọi chuyện đã tiến triển hơn nhiều với chừng không dưới 6, 7 studio (đầu tư bài bản nhất có thể kể đến Emobi Games, VTC Studio, FPT Studio, GSS). Dĩ nhiên với các studio tự túc về mặt vốn liếng thì khó hoàng tráng ngay được, nhưng họ vẫn góp phần khiến cơ hội "có việc làm" của fan gamedev tăng lên.
 
Tìm hiểu thực tế tại một số studio, giai đoạn tuyển nhân viên diễn ra tương đối rộng rãi, tức là không quá quan trọng vấn đề bằng cấp mà là niềm đam mê tới đâu và khả năng tiềm ẩn ra sao. Họ cũng không đòi hỏi ứng viên phải biết nhiều mặt như lập trình, đồ họa, thiết kế mà chỉ cần tốt thực sự một khía cạnh duy nhất.
 

Điều quan trọng nhất là đam mê.
 
"Nhiều bạn tưởng rằng phải biết nhiều thứ mới có thể làm game, thế nhưng thực tế chúng tôi chú trọng 'chất' hơn 'lượng', chỉ cần giỏi 1 mặt thực sự là có cơ hội thử việc ngay", đại diện một hãng game tại VN tâm sự.
 
Còn về cơ hội thăng tiến, khó có thể nói là ngành gamedev dồi dào hơn các nghề khác, thế nhưng môi trường làm việc trẻ trung, năng động cùng với thị trường phát triển với tốc độ mạnh mẽ như lúc này thì chắc chắn không thể ít cơ hội vươn lên được. Lúc này thị trường game đang đình trệ, nhưng chẳng ai dám nói rằng nó không trỗi dậy trong thời gian tới.
 
Lương
 
Nói đến việc làm mà "bỏ quên" chuyện lương thì quả là thiếu sót khó chấp nhận được. Hơn nữa xu hướng của giới trẻ Việt ngày nay là luôn muốn biết số tiền hàng tháng mình được lĩnh là bao nhiêu hơn là tìm hiểu kỹ càng bản chất công việc. Rất may, ngành gamedev trong nước không hề đãi ngộ nghèo nàn chút nào.
 

Mức lương và môi trường làm việc rất tốt (ảnh chụp trụ sở VTC Studio).
 
Tham khảo tại một số studio, đơn cử như VTC Studio chẳng hạn, lương của một nhân viên chính thức dao động từ 7 ~ 9 triệu VNĐ. Nếu là coder, khoản tiền này có thể cao hơn từ 1~3 triệu, đó là chưa kể tới vị trí senior hay leader. Dĩ nhiên khoản lương này chưa thể so sánh được với một số ngành nghề "hái ra tiền" như ngân hàng, tài chính nhưng chắc chắn không thể gọi là ít ỏi so với mặt bằng Việt Nam.
 
Đối với các studio trong Nam, vì tính chất xã hội nên mặt bằng lương có thể còn cao hơn (trung bình ~ 10 triệu VNĐ). Vị trí designer được trả công khá nhất và cũng tuyển chọn khắt khe nhất vì đây là "bộ não" của cả dự án, coder và artist có thể thấp hơn tùy năng lực.
 

Nhiều người cho rằng lựa chọn làm game tuy mạo hiểm nhưng rất hài lòng.
 
"Mình đã chọn ngành này và bây giờ cảm thấy lựa chọn ấy là hoàn toàn đúng đắn, ban đầu cũng thấy hơi phiêu lưu nhưng sau khi vào làm việc, gặp gỡ nhiều anh em cùng đam mê nên quyết theo tới cùng", một artist game tại Hà Nội tâm sự.
 
Thực chất, chuyện đãi ngộ khá tốt như trên là điều không quá lạ lùng, nhất là khi mỗi studio đều dành ra khoản tiền hàng trăm nghìn cho tới hàng triệu USD cho một dự án. Ngay như Emobi Games đã dành ra tới 20.000 USD chỉ cho hệ thống motion-capture trong dự án 7554 chẳng hạn.
 
Tương lai
 
Với xu thế hội nhập ngày nay, phát triển game chắc chắn rồi sẽ là ngành nghề được xã hội coi trọng. Vừa qua đã bắt đầu có những hứa hẹn về chính sách đãi ngộ giống như ngành phần mềm nhiều năm qua (như giảm thuế chẳng hạn), vấn đề còn đọng lại chỉ là liệu đầu ra cho các sản phẩm thuần Việt có quá thắt nút hay không mà thôi.
 

Một tương lai tươi sáng đang chờ đợi.
 
Hy vọng với sự ra mắt tương đối thành công của SQUAD, G3, Jay Online hay cuối năm nay là dự án 7554, số lượng các bạn trẻ tìm tới nghề devgame sẽ nhiều hơn, tạo nguồn lực dồi dào cho thị trường, quá đó dần xây dựng một "đế chế" Việt Nam như Trung Quốc từng làm được trước hai đại gia Hàn, Nhật.
Xem thêm:

game online