Cuộc chiến game thuần Việt, ai sẽ thắng?

Nghi Lâm  | 19/02/2011 0:00 AM

Cả hai ông lớn VNG và VTC đều đầu tư lớn cho các dự án "made in VN" của mình trong khi đó nhiều doanh nghiệp khác cũng không chịu tụt hậu, cuộc đua đang đến hồi gay cấn.

Song hành cùng chặng đường phát triển của game online tại Việt Nam luôn là cuộc chiến giữa các NPH. Từ chỗ chỉ vỏn vẹn vài ba doanh nghiệp kinh doanh mảng trò chơi trực tuyến, lúc này chúng ta đã có hàng chục cái tên khác nhau, chẳng trách sức nóng cạnh tranh ngày càng dữ dội hơn bao giờ hết.
 
Tuy nhiên, 6, 7 năm nay gamer nước nhà mới chỉ được chứng kiến những pha so tài, chiếm lĩnh thị trường của "hàng ngoại nhập", trong khi đó sản phẩm nội gần như không có tiếng nói gì. Rất may, năm nay mọi chuyện sẽ khác, nhất là khi các ông lớn đồng loạt xắn tay áo đánh vào mảng thị trường tiềm năng này.
 
VNG - VTC: Dẫn đầu cuộc đua
 
Là 2 NPH có tiềm lực nhất trong số "tứ trụ" tại dải đất hình chữ S, không có gì khó hiểu khi cả VNG và VTC đều khẳng định quyết tâm đầu tư cho khâu tự phát triển game. Nếu như VNG đi đầu với việc thành lập Game Studio South, thai nghén dự án T812 và sau này trở thành Thuận Thiên Kiếm - MMORPG đầu tiên "made in VN", thì ngay sau đó NPH miền Bắc cũng rót cả đống tiền cho VTC Studio và cho ra đời SQUAD.


Project S nổi lên thành thế lực lớn của game thuần Việt năm 2011.
 
Hiện tại Thuận Thiên Kiếm gần như khó có thể gây ấn tượng trở lại với giới trẻ, các dự án khác của họ đều chưa lộ mặt hoặc không đủ sự đồ sộ cần thiết, vì thế cuộc chiến "thuần Việt" giữa VNG và VTC trong năm 2011 có thể tóm gọn lại trong 2 cái tên: Project SSQUAD. Một bên là MMOFPS "nội địa" đầu tiên, một bên là MMORPG 3D "nội địa" đầu tiên, khỏi phải nói chúng có sức ảnh hưởng lớn đối với thị trường trong nước đến thế nào.
 
Đầu tiên phải kể tới quan điểm lựa chọn thể loại game, VTC Studio chọn phát triển một MMOFPS cũng dễ hiểu, nhất là khi Đột Kích tỏ rõ khả năng kiếm bộn tiền tại Việt Nam, trong khi đó VNG tung lực lượng hùng hậu của mình để thai nghén MMORPG - Thể loại đòi hỏi thời gian phát triển, tính cầu kỳ và vất vả hơn hẳn so với bắn súng.
 

SQUAD được lợi thế sản xuất không phức tạp như MMORPG.
 
Nghe qua, có vẻ như SQUAD giành lợi thế ở khả năng phát triển nhanh, ít tốn công sức hơn so với Project S, tuy nhiên nó chắc chắn sẽ vấp phải rào cản phát hành. Lựa chọn phát hành trước ở thị trường nước ngoài gần như là giải pháp không thể khác với VTC lúc này, trong khi đó Project S nếu được làm "cẩn thận", chuyện ra mắt gamer Việt là điều chẳng mấy khó khăn.
 
Trong khi đó, nếu xét về khía cạnh đồ họa thì dựa vào những tấm screenshot mới tiết lộ của Project S, có thể dễ thấy SQUAD đang dẫn điểm trước MMO "made in VN" của VNG. Chính tính phức tạp trong việc sản xuất một MMORPG (nhất là khâu ổn định server khi nhiều nhân vật xuất hiện cùng lúc trên map) đã khiến hình ảnh khó chau chuốt, bóng bẩy, nhất là với trình độ phát triển game nước nhà lúc này.
 

Với nền đồ họa như thế này, cơ hội để project S chiến thắng hàng ngoại là không cao.
 
Hiện tại mới chỉ có SQUAD thử nghiệm, còn Project S còn quá ít thông tin, vì thế khó nói được gì về sức hấp dẫn của 2 trò chơi với giới trẻ Việt Nam. Nhưng nhìn qua thì Project S sẽ phải cạnh tranh với hàng loạt MMORPG ngoại nhập trong thời gian tới (trong khi đó mảng thị trường FPS thì lại quá vắng lặng), vì thế canh bạc mà VNG sắp đánh không hề dễ có cửa thắng.
 
Nói đi nói lại, hai cái tên sẽ dẫn đầu phong trào game online thuần Việt năm 2011 này không gì khác ngoài 2 MMO bên trên. Chúng cho thấy dòng  sản phẩm nội địa bắt đầu phong phú hơn về thể loại, không còn dập khuôn trong ao tù 2D, 2.5D nữa, đó là bước nhảy vọt khá nhanh vì ngay cả Trung Quốc trước đây cũng phải mất vài năm chuyên làm game 2D mới có thể tiến lên 3D.
 

Tiến lên 3D từ sớm là bước nhảy rất tốt của game "thuần Việt".
 
Các doanh nghiệp khác không chịu thua
 
Trong số các doanh nghiệp cũng đang "âm thầm" phát triển game, có thể thấy rõ FPT Online là đối thủ trực tiếp nhất của cả VNG và VTC. Có điều cho tới lúc này vẫn còn rất ít thông tin về các dự án mà studio của hãng ấp ủ, hiện tại chỉ biết là con đường mà họ lựa chọn là thể loại casual, vì thế có thể coi đây là dấu hỏi lớn dễ gây nên bất ngờ năm 2011.
 
Bên cạnh đó, việc Asiasoft "úp mở" về một dự án thuần Việt của hãng cũng đáng để quan tâm, nhất là khi nó có thể được phát triển bởi một đội ngũ tu nghiệp nước ngoài, học thêm kiến thức từ chính công ty mẹ đang nắm thị phần lớn tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên mọi chuyện còn quá mập mờ và không ngoài khả năng hãng mới "có ý định" chứ chưa thực sự bắt tay vào làm.
 

Jay Online, một sản phẩm casual của FGame.
 
Thời gian qua, chúng ta đã biết tới các nhóm sản xuất game "tự túc" như công ty MusicKing (dự án game âm nhạc "project King") và FGame (một số dự án như Jay Online, Tank Online, Đồ Long...). Với tiềm lực có phần nhỏ bé hơn so với các ông lớn bên trên, rất khó để họ giành chiến thắng dễ dàng, tuy nhiên đây vẫn là dấu hiệu mừng với làng game nội địa.
 
Các sản phẩm trên không được xếp vào "chiếu trên" như SQUAD hoặc Project S vì thể loại casual thường ít thu được thành công lớn nếu so sánh với MMORPG và MMOFPS, chúng mang tính chất sản xuất nhanh, dễ kiểm soát mức độ ổn định và nhất là không tốn quá nhiều tiền đầu tư cho engine (thậm chí có công ty còn sử dụng engine mã nguồn mở có chỉnh sửa để tiết kiệm chi phí).
 

Những công ty "tự túc" như MusicKing, FGame sẽ còn tăng lên về số lượng.
 
Suy cho cùng, một số doanh nghiệp nhỏ làm ra game thì đối tượng mà họ "chào hàng" đầu tiên cũng chính là một trong các NPH lớn trong nước, đơn giản vì chưa thể đủ khả năng để vừa phát triển, vừa phát hành cùng lúc. Sẽ không khó hiểu nếu sau này chúng ta thấy một trong số những cái tên ấy nằm dưới trướng VNG, VTC hoặc FPT, Asiasoft...
 
Tín hiệu mừng chính là ở chỗ đó, các nhà phát triển game trong nước bắt đầu không cần phụ thuộc vào một công ty mẹ mà họ có thể tự đứng ra gây dựng sự nghiệp. Tin rằng rồi đây số lượng các studio tự túc sẽ còn nhiều hơn nữa và trở thành nguồn cung game chính cho các NPH, đồng thời là đích đến cho giới trẻ yêu công nghệ Việt Nam.