Ngay từ cuối năm 2013, bắt kịp tốc độ phát triển của cả những game mobile lẫn chất lượng thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, rất nhiều người đã cho rằng năm 2014 này sẽ là thời điểm những tựa game online nền tảng di động như trên smartphone, máy tính bảng hay thậm chí là cả những game đa nền thực sự thăng hoa và giúp các nhà phát hành gặt hái được nhiều thành công.
Thế nhưng không như tính đến thời điểm đầu quý II vừa qua, nghĩa là năm 2014 của chúng ta đã trôi qua được 1/3 quãng đường, thị trường game mobile vẫn chưa có bất kỳ một cú hích thực sự, xứng đáng được coi là một bước nhảy vọt của gMO so với năm 2013.
Tình trạng kể trên diễn ra trong suốt nửa đầu năm 2014 này. Điều này khiến cho một số người cũng có những hoài nghi, rằng năm 2014 sẽ khó có thể là thời điểm mà game mobile thăng hoa tại thị trường game nước ta.
Xu hướng đã thay đổi
Hãy cùng nhìn lại quá khứ một chút.
Vào khoảng cuối năm 2013, nhiều chuyên gia trong ngành game đã đưa ra dự đoán, với sức mạnh phần cứng ngày một tăng của các thiết bị di động, những tựa game mobile sẽ càng được “chắp cánh” để đem lại cho người chơi trải nghiệm hoàn hảo giữa ba yếu tố: Tính tiện dụng, chất lượng đồ họa 3D ấn tượng và cuối cùng là gameplay có chiều sâu.
Thế nhưng xu hướng của người chơi game mobile nửa đầu năm 2014 lại trái ngược hoàn toàn. Càng ngày người dùng càng muốn về với các game mobile với nền đồ họa đơn giản nhưng lối chơi phải thực sự cuốn hút, bắt người chơi phải có cả tư duy lẫn sự khéo léo.
Đó cũng chính là bàn đạp tạo điều kiện cho một bộ phận người làm game Việt Nam trong thời gian qua gặt hái được không ít thành công. Khởi đầu là cú hit Flappy Bird, tựa game mobile dạng arcade do Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên trẻ tuổi tại Hà Nội viết nên. Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, Flappy Bird đã trở thành một cái tên xuất hiện trên mọi trang tin về công nghệ nói riêng cũng như cả những trang báo chính thống vì sức hút mà tựa game này tạo ra.
Chính vì thành công vô cùng bất ngờ của Flappy Bird, không ít các cá nhân cũng như studio làm game mobile cũng có được liều thuốc khích lệ về mặt tinh thần, giúp họ tạo ra không ít tựa game mobile đáng chú ý trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cộng đồng game thủ Việt đã để mắt nhiều hơn tới những bom tấn trên mobile. Sở dĩ có thực tế này là do trào lưu game mobile "chết não" với lối chơi chỉ phù hợp giết thời gian đã không còn chiếm được vị trí độc tôn tại làng game Việt.
Thêm vào đó, hàng loạt những nhà phát hành game online Việt Nam cũng đã thực sự có cái nhìn nghiêm túc vào thị trường gMO nước nhà.
Cuộc chiến sắp thực sự bắt đầu
Có thể thấy trong cả năm 2013 và nửa đầu 2014, cái tên đang được nói đến nhiều nhất trong lĩnh vực mobila game nước nhà là Soha Game. Mặc dù không phải là một NPH lâu năm, nhưng với lượng đầu game lớn và nển tảng hỗ trợ tốt thì Soha Game nói không ngoa đang là đầu tàu trên thị trường trò chơi di động Việt Nam. Thành công của một loạt sản phẩm như iGà, Tình Kiếm, Beat 3D, Đại Minh Chủ... là bằng chứng xác đáng nhất cho kết luận trên.
Sự trỗi dậy của Soha Game đã khiến nhiều doanh nghiệp đối thủ phải có cái nhìn khác về mảnh đất game mobile, thậm chí một số chuyên gia còn đặt dấu hỏi "các NPH lớn phải chăng đang tụt lại trong cuộc chiến di động?". Và câu trả lời sẽ được sáng tỏ trong thời gian tới.
Thực vậy, như GameK đã đưa tin, vào khoảng cuối quý 2, đầu quý 3 năm nay, cả hai cái tên đình đám trong số các NPH Việt Nam là VNG lẫn Garena đã cùng nhảy vào cuộc chiến game mobile. Hãy cùng nhìn qua tổng quan sức mạnh của hai cái tên này trước cuộc chiến:
Hiện tại, VNG đang nắm trong tay hàng chục đầu game mobile khác nhau, tự phát triển có, nhập khẩu cũng có và đang sẵn sàng được nhà phát hành lớn này tung ra. Cần nhớ rằng, bản thân VNG cũng đang nắm trong tay Zalo, một ứng dụng OTT được khá nhiều người sử dụng smartphone tại Việt Nam sử dụng.
Gần đây nhất, Rocket Dog đã chính thức được VNG đưa lên Zalo, cho phép người sử dụng OTT này chơi game thông qua ứng dụng kể trên. Điều này cho thấy thời điểm mà ông lớn của làng game Việt chính thức đánh chiếm thị phần game mobile đang đến rất gần.
Bản thân VNG trong thời gian qua cũng đã tuyển hoặc mời những nhân sự đã có kinh nghiệm với mảng game mobile để khởi động dự án Zalo Game.
Trong khi đó, "ở bên kia chiến tuyến", sau thành công của Liên Minh Huyền Thoại cũng như FIFA Online 3, nhà phát hành Garena cũng bắt đầu phát hành những game mobile đầu tiên tại thị trường Việt Nam, với mục tiêu chủ yếu là cộng đồng người sử dụng Beetalk, một OTT khác cũng đang có mặt tại thị trường Việt Nam hiện tại.
Nếu như tại Việt Nam, nhiều người cho rằng Garena chưa có kinh nghiệm phát hành game mobile tại nước ta, thì ở thị trường nước ngoài, mà cụ thể là Trung Quốc, NPH này đang nắm trong tay một số cái tên thu hút sự chú ý, trong đó phải kể tới Hero DotA, tựa game thẻ tướng mà GameK đã có dịp giới thiệu tới các bạn độc giả.
Dĩ nhiên, VNG và Garena là 2 đơn vị có nhiều kinh nghiệm làm game, nhưng đó là nền tảng PC, còn khi vươn xa tới mobile thì rõ ràng họ lại đang là người đi sau. Và những đơn vị đã dạn dày kinh nghiệm như Soha Game, MCCorp, MeCorp... chắc chắn sẽ không để yên để đối thủ của mình xâm lấn thị phần.
Nên nhớ, để có được vị thế dẫn đầu như hiện tại thì Soha Game đã có hơn 2 năm kinh nghiệm làm game mobile/ Lượng đầu game của họ cũng cực kỳ phong phú và trải dài khắp các thể loại, tạo nên tập khách hàng vững chắc và không dễ gì để mất. MCCorp hay MeCorp cũng vậy.
Tạm kết
Tóm lại, việc hai ông lớn của ngành game Việt Nam cùng nhảy vào thị trường game mobile chắc chắn sẽ khiến cho thị trường này trở nên khốc liệt hơn rất nhiều. Bản thân những đơn vị thời gian qua đã có chỗ đứng vững chắc trong thị trường này như Soha Game, MeCorp, MC Corp hay VTC Mobile chắc chắn không thể làm ngơ để những cái tên khác lấy đi thị phần của mình.
Tất cả đều đã và đang chuẩn bị cho cuộc chiến lớn trong thời gian tới, với những đầu game có chất lượng đang được sẵn sàng bùng nổ.
>> Game mobile Việt Nam 2014: Bom tấn hay bom xịt?