Cùng nhìn về tương lai của thể thao điện tử tại Việt Nam

PV  | 06/07/2012 06:07 PM

Trái ngược với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới, nền Esports Việt Nam đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, Esports của Việt Nam vẫn giữ trong mình tiềm năng mạnh mẽ và chờ đợi tỏa sáng trở lại trong một ngày không xa.

Thể thao điện tử (Esports) đã có lịch sử phát triển lâu dài ở Việt Nam với nhiều cộng đồng lớn mạnh như DotA, Đế Chế, Starcraft, FIFA… Tuy nhiên, sự nổi lên của các game online những năm gần đây đã khiến thể thao điện tử dần biến mất trên các phương tiện truyền thông. Trái ngược với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới, nền Esports Việt Nam đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, Esports của Việt Nam vẫn giữ trong mình tiềm năng mạnh mẽ và chờ đợi tỏa sáng trở lại trong một ngày không xa.
 
Esports đang bị game online đè bẹp ở Việt Nam?
 
Theo những lập luận gần đây của một bộ phận người hâm mộ, Esports đang dần mất đi sức hút vốn có của mình cũng như kém hấp dẫn hơn game online đang được phát hành. Chủ đề này đã gây ra tương đối nhiều tranh luận với hai luồng ý kiến trái ngược. Về phía những người đồng tình với quan điểm trên, Esports tại Việt Nam chỉ còn là kí ức về trang tin esport.vn, về các kì World Cyber Games hoành tráng… Đối với họ, Esports là những trò chơi vượt quá trình độ của đa số game thủ Việt Nam, và sự thu hẹp của cộng đồng Esports sẽ đặt dấu chấm hết cho thể loại game này.
 
 
Không thể phủ nhận, Esports là những trò chơi tương đối khó làm quen, tính cạnh tranh cao, yêu cầu những phẩm chất cần rèn luyện như: chịu áp lực tốt, chăm chỉ, sáng tạo, tính đồng đội… Trong sự phát triển như vũ bão của xã hội, ai ai cũng phải “sống nhanh, sống gấp”, thời gian dành cho game không nhiều thì những game thể thao điện tử càng khó phát triển. Sẽ ít người dành nhiều tiếng một ngày để tập luyện những kĩ năng của mình, mà thay vào đó là giải trí với những game online vừa dễ chơi vừa lôi cuốn.
 
 
Yếu tố quan trọng giúp game online chiếm thế thượng phong so với Esports ở Việt Nam là sự bảo trợ từ các nhà phát hành. Khác với Esports, các game online được nhà phát hành quảng bá rầm rộ với nhiều chiến dịch truyền thông hấp dẫn. Điều đó đã góp phần giúp game online nở rộ ở Việt Nam, nhưng chỉ dựa vào đó để đặt dấu chấm hết cho Esports là quá phiến diện.
 
Sự phát triển của Esports Việt Nam trong những năm qua
 
Cộng đồng thể thao điện tử ở Việt Nam luôn được đánh giá cao nhờ tình đoàn kết cũng như trình độ chơi game cao. Trong số đó, tiêu biểu là cộng đồng DotA với số lượng lên đến cả triệu game thủ. Ở mọi diễn đàn, những chủ đề về DotA vẫn luốn được cộng đồng đón nhận và ủng hộ, trong khi bản thân DotA ngày nay đã không còn được phát triển liên tục bởi Icefrog. Một ví dụ khác có thể kể đến là Đế Chế. Ra đời từ năm 1997, cộng đồng Đế Chế đã có lịch sử phát triển hơn 15 năm với nhiều thế hệ game thủ. Trong khi hàng trăm game đã biến mất cùng cộng đồng của nó, Đế Chế vẫn đứng vững với lượng người hâm mộ trung thành đáng kinh ngạc.
 
 
Dù không được quảng bá rầm rộ như các game online, Esports ở Việt Nam vẫn giữ được người chơi nhờ những yếu tố riêng của mình. Đó là những pha xử lí xuất thần của những game thủ giỏi, những chiến thuật đáng sợ của các đội Esports mạnh, những giải đấu với mức độ cạnh tranh khủng khiếp giữa các clan game lớn… Với Esports, mọi ranh giới giữa những người chơi đều bị xóa nhòa, ở đó, tất cả cùng tôn vinh vẻ đẹp của những game thủ có kĩ thuật, chiến thuật tuyệt vời. Đó là những điều đã mang lại sự hấp dẫn cho thể thao điện tử, khiến lĩnh vực này vẫn sở hữu số lượng người hâm mộ cực lớn ở Việt Nam và không dễ bị dập tắt như nhiều người vẫn nghĩ.
 
Bàn về tương lai của Esports tại Việt Nam
 
Ở những quốc gia có nền Esports phát triển trên thế giới, truyền thông của lĩnh vực này được đầu tư rất mạnh. Tất cả các game đều có hệ thống stream (truyền hình trực tiếp online) hiện đại với những chức năng hỗ trợ thi đấu đỉnh cao. Hàng ngày, các đội game Esports chuyên nghiệp hoặc các game thủ có thể tự stream cá nhân cho hàng ngàn người xem cùng lúc. Các trò chơi như League of Legends, Heroes of Newerth, Starcraft II, Counter Strike,… luôn được nhà phát hành của chúng quảng bá trên mọi kênh truyền thông từ website, truyền hình, diễn đàn cho đến các sự kiện offline hấp dẫn.
 
 
Nhờ sức mạnh của truyền thông, người dân ở các quốc gia có nền eSports phát triển đã thấy được những điều tốt đẹp mà thể thao điện tử mang lại. Đi cùng cái nhìn đầy thiện cảm của xã hội, nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư và những phương thức kinh doanh hợp lí từ các nhà phát hành đã biến eSports trở thành một phần không thể thiếu của các quốc gia phát triển.
 
Trong khi đó, các game Esports của Việt Nam mới manh nha hình thức truyền hình trực tiếp trong một, hai năm trở lại đây. Tiên phong cho lĩnh vực truyền hình trực tiếp thi đấu này có thể kể tới Garena với kênh Video riêng của mình, VTC với kênh truyền hình Esport, GameTV với việc truyền hình Đế Chế… Tuy nhiên, những game như Đế Chế hay DotA ra mắt đã khá lâu, vì thế hệ thống chống hack/cheat, hệ thống xem thi đấu trực tiếp (orbserver) không hoàn thiện, dẫn tới những khó khăn cho cả khán giả lẫn người làm stream.
 
 
Tuy nhiên, tình hình chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể với những game Esports thế hệ mới được đưa về Việt Nam. Nhà phát hành VTC đã chứng minh được mình có thể làm eSports rất tốt khi thành công với hai tựa game CrossFire và FIFA Online 2. Trong thời gian gần đây, đáng chú ý còn có Liên Minh Huyền Thoại do Garena phát hành.
 
Với Liên Minh Huyền Thoại, nhà phát triển đã đưa vào game chế độ hỗ trợ theo dõi trận đấu chuyên nghiệp cùng khả năng truyền hình trực tiếp dễ dàng để mọi người có thể theo dõi những trận tranh tài đỉnh cao. Hệ thống giải đấu Garena Premier League và đội Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp Saigon Jokers do Garena thành lập cũng là những điểm sáng mới thu hút sự chú ý của các nhà tài trợ.
 
 
Dù chưa chính thức được phát hành, Liên Minh Huyền Thoại đã sở hữu một lượng người hâm mộ tương đối đáng kể. Đây là một điểm khác biệt giữa game online và Esports. Trong khi cộng đồng game online rất dễ “có mới nới cũ”, thì cộng đồng Esports cực kì trung thành với những trò chơi mà mình yêu mến. Nếu biết tận dụng điều này, những nhà phát hành có thể đưa Esports trở lại với đỉnh cao tại Việt Nam.
 
Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng có một điều không thể phủ nhận: Esports đã và đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của nền game mỗi quốc gia. Có thể khẳng định, Esports sẽ có tương lai tươi sáng ở Việt Nam, nhưng nó sẽ cần sự nỗ lực từ phía nhà phát hành và sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính những người yêu thể thao điện tử.