Công ty hữu hạn cổ phần khoa học kỹ thuật Côn Lôn Vạn Vi (Kunlun) là 1 trong 10 công ty game lớn của Trung Quốc. Thành lập năm 2008, đến 2013, Kunlun bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động sang thị trường Việt Nam nhưng không phải thông qua con đường hợp pháp mà là kinh doanh doanh trái phép, trốn thuế, dưới cái tên Koramgame.
Thực chất đây chính là một công ty con của Kunlun tại Trung Quốc.
Thủ đoạn là mua game từ các công ty Trung Quốc, sau đó Việt hóa và đẩy game lên web rồi chạy markeing trên facebook hoặc Google. Với thủ đoạn này, Kunlun đã phát hành chui hàng loạt phần mềm game như Hiệp khách tam quốc, Tiếu ngạo tây du, Hoa sơn luận kiếm… Qua đó, Kunlun thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỉ đồng.
Sau hơn 1 năm hoạt động chui tại Việt Nam, đầu tháng 3/2014, đoàn liên ngành Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an) và Bộ Thông tin - Truyền thông đã vào cuộc truy quét các trò chơi trực tuyến chui này.
Đoàn liên ngành kiểm tra đã làm việc với Công ty CP Mạng xã hội di động Việt Nam (VinaMoney), để thanh tra việc chấp hành pháp luật trong cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến của công ty này.
Tổng Giám đốc VinaMoney Nguyễn Nam Tiến cho biết, VinaMoney đã ký thỏa thuận cung cấp game Tiếu ngạo tây du cho Koramgame từ ngày 13/3/2013. Phía Koramgame chịu trách nhiệm Việt hóa, vận hành game, marketing trên google, facebook và đã bàn giao cho VinaMoney 48 máy chủ tại Công ty VDC.
Còn VinaMoney chịu trách nhiệm marketing ở thị trường Việt Nam, chăm sóc khách hàng, ký kết hợp đồng server, chịu trách nhiệm thanh toán... Tỷ lệ ăn chia giữa 2 bên là 22-78, trong đó, phần lớn hơn thuộc về Koramgame.
Ông Nguyễn Nam Tiến cũng thừa nhận, có biết game Tiếu ngạo tây du chưa được cấp phép nhưng trong bối cảnh công ty đang thua lỗ nặng vì đầu tư làm game Việt nhưng thất bại, VinaMoney vẫn ký hợp đồng phát hành game cho Koramgame để có doanh thu phục vụ cho hoạt động của công ty.
Hoạt động chui đồng nghĩa với việc trốn thuế.
Bị phong tỏa hoạt động, niêm phong toàn bộ máy chủ, cắt IP… cuối tháng 3/2014, toàn bộ các cổng website game của Kunlun tại Việt nam đồng loạt đóng cửa. Cụ thể, người chơi không còn đăng nhập được vào trang chủ của các game này, cũng như tham gia chơi game.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, game của Trung Quốc phát hành không phép tại Việt Nam đã bị cơ quan chức năng xử lí một cách triệt để. Toàn bộ các game có máy chủ đặt trong nước có các dải IP liên quan đến các doanh nghiệp là FPT và VDC đã bị xử lí.
Thế nhưng, sau hơn 1 năm vắng bóng, cuối 2015, các trò chơi trực tuyến của Kunlun lại quay trở lại và tiếp tục kinh doanh chui với thủ đoạn mới. Lần này là phát hành trái phép game trên di động. Kunlun mua game từ công ty Bắc Kinh Thiên Mã Thời Không, sau đó đẩy game lên các ứng dụng Apple Store, Google play.
Các đối tượng đã thành lập một công ty trá hình ở Việt Nam (công ty game), đưa người của Kunlun nắm giữ vị trí chủ chốt trong Hội đồng quản trị công ty Việt nam để thuận tay hoạt động. Kunlun sử dụng Công ty game Việt Nam làm bình phong để phát hành game chui, tạo cảm giác như là một game được phát hành bởi một công ty trong nước. Nhưng thực chất, Kunlun không qua bất kỳ thủ tục nào theo quy định của pháp luật.
Toàn bộ việc phát hành, vận hành, marketing, thu tiền… đều do công ty của Trung quốc thực hiện, không qua bất kỳ sự kiểm soát nào của Việt Nam.
Với chiêu bài mới này, hàng loạt game mobile không giấy phép, không kiểm duyệt nội dung ngang nhiên tung hoành trên thị trường game Việt, thu lợi bất hợp pháp, trốn thuế hàng chục tỷ đồng như: OMG Tam quốc, Vô song thần tướng....
Đặc biệt, với 2 game doanh số khủng là: Tuyệt đại song kiêu : 30 tỷ/tháng, MU Origin: 60 tỷ/tháng có thể thấy số tiền Kunlun đã trốn thuế và thu lợi bất hợp pháp tại Việt Nam thời gian qua là rất lớn.
Liên quan đến hành động vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, một số chuyên gia game trong nước cho rằng, Kunlun phát hành game chui là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn, coi thường pháp luật, là nguy cơ với xã hội, doanh nghiệp…
Nhà nước không kiểm soát được nội dung, các đối tượng có thể lợi dụng để đưa các vấn đề nhạy cảm về chính trị hoặc truyền bá các nội dung phản động, đồi trụy, cài các phần mềm gián điệp. Mặt khác, khiến ngành thuế thất thu. Doanh nghiệp làm game chân chính trong nước ảnh hưởng, nguy cơ lũng đoạn thị trường game.
“Nếu cơ quan quản lý nhà nước không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, không chỉ dừng lại ở Kunlun,hàng loạt công ty của Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam” - chuyên gia game nhận định.
Theo Petrotimes