Có lẽ, đã đến lúc chúng ta bàn đến hồi kết của DotA 1 khi các đàn em ngày càng mạnh mẽ, vượt trội và tràn về Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, sự đi xuống về số lượng người chơi của DotA chưa hẳn đã đảm bảo cho sự thành công của các tựa game cùng thể loại vẫn được gọi chung với cái tên MOBA (Multiplayer Online Battle Arena) trong thời gian tới. Vẫn còn nhiều rào cản đối với sự thành công của thể loại này.
Sức mạnh NPH
Một game online muốn thành công, thực lực và khả năng của NPH đóng một vai trò hết sức quan trọng. Một game dù có hay đến đâu, hấp dẫn đến đâu nhưng công tác phát hành không tốt, không hợp lòng game thủ... thì game cũng sẽ chết yểu.
Rất ít NPH tại VN có kinh nghiệm vận hành MMO kiểu DotA.
Hiện nay trên thị trường Việt Nam chỉ có Garena "máu me" với thể loại game này, cũng dễ hiểu khi hãng sở hữu mạng lưới phân phối, cộng đồng và kinh nghiệm có được trong thời gian vận hành giải pháp mạng Lan dành cho DotA tại Việt Nam. Thế nhưng hầu hết các NPH còn lại chưa tự tin hoặc đủ kinh nghiệm như vậy.
Điều này một phần cũng là do họ đã quá quen với các MMO nhập vai với lối chơi truyền thống, rập khuôn công thức "cứ kiếm hiệp là thành công", nên nếu nhảy qua thể loại mới sẽ rất dễ thất bại. Thậm chí ngay cả Garena tại thời điểm này đang đi đúng hướng nhưng chúng ta không thể hoàn toàn yên tâm mọi việc sẽ ổn định trong suốt quá trình phát hành.
Quy luật vòng đời và sự thay đổi xu thế
Mỗi thể loại game chỉ có "thời" của mình và quy luật tất yếu, đi qua đỉnh cao sẽ bắt đầu đi xuống. Thường thì chu kỳ một loại game nổi lên là khoảng 4 năm. Bản chất của MOBA là lối chơi và cốt truyện tương đối giống nhau. Vì vậy nếu không có sự đột phá rất khó để thuyết phục game thủ bỏ tiền cho các sản phẩm về sau.
Thế giới game đang thay đổi với sự dịch chuyển từ các game client sang webgame và xu hướng mobile hóa đang ngày càng rõ ràng. Ngoài ra, sự đóng băng và việc các game nhập vai đang chuẩn bị quay lại cũng sẽ gây khó khăn cho nhiều thể loại khác, trong đó có MOBA.
Cộng đồng gắn bó với MOBA vẫn còn chưa nhiều như MMO nhập vai thông thường.
Các game MOBA tính đến thời điểm này mang nhiều đặc điểm "cũ": dung lượng bộ cài lớn, thời gian làm quen lâu... nhiều khả năng sẽ khiến chúng gặp khó khăn khi cạnh tranh trong một thị trường khá đặc biệt như Việt Nam.
Sự trở lại của các MMORPG cũng sẽ là một rào cản khá lớn. Sau một thời gian dài không có một MMORPG nào, cộng đồng này đang rơi vào tình trạng "khát" hơn bao giờ hết. Phải biết rằng đây là một cộng đồng rất lớn và giao thoa rất nhiều với cộng đồng MOBA, nếu MMORPG trở lại, đó sẽ là một đối thủ đáng gờm.
Phương án thu phí
Mua bán vật phẩm phải giữ được cân bằng.
Sự thành công của một game chắc chắn còn nằm ở khía cạnh tài chính. Một sự thật là MOBA rất khó để xác định một hình thức thu phí hiệu quả. Thu phí trong MOBA vừa phải đảm bảo tính cân bằng (không được ảnh hưởng đến sức mạng nhân vật) vừa phải đảm bảo mức thu cho NPH. Phương án thường được các MOBA (như DotA 2 chẳng hạn) sử dụng là bán vật phẩm trang trí kèm trong game. Tính hiệu quả của phương án này ở Việt Nam còn là dấu hỏi lớn.
Cuối cùng vẫn là game thủ
Dù nguy hiểm nhưng tất cả những yếu tố trên đều có thể vượt qua được, chỉ có bản chất ý thức gamer mới là yếu tố khiến các NPH bó tay và rất khó để giải quyết nhất là khi còn cho đăng ký tài khoản thoải mái như thế này.
Ý thức game thủ non kém rất dễ giết chết những tựa game sâu sắc.
Đặc điểm của các MOBA là sự tương tác và ảnh hưởng qua lại giữa các người chơi trong cùng một game rất lớn. Trong game, chỉ cần 1 hoặc 2 nhân vật chơi tệ hoặc phá game, lập tức tất cả bị ảnh hưởng rất xấu. Đối với game MOBA, chất lượng của tương tác giữa các người chơi chiếm hơn 1 nửa sự thành công của game.
Ai cũng biết những vấn nạn về văn hóa chơi game đang làm thị trường game Việt tồi tệ hơn bao giờ hết. Nhớ ngày còn chơi DotA 1, cho dù đã đánh ở room level cao nhưng 10 trận may ra có 1 trận không có quitter hoặc feeder. Rồi các vấn nạn khác như chửi bậy chẳng hạn, sẽ khiến MOBA ở Việt Nam không dễ thành công.