Câu chuyện dưới đây chắc hẳn sẽ khiến bạn phải phì cười vì sự kỳ quặc của nó, thế nhưng đây lại là một chuyện có thật xứng đáng làm mở đầu cho một bài viết với chủ đề đã được đem ra bàn luận không ít lần trước đây: Ý thức của
game thủ Việt.
Chẳng là vài ngày trước, một người bạn của tôi đăng tải lên
Facebook đoạn status mô tả cuộc đối thoại giữa cậu và người em cùng phòng, vốn cũng là một
game thủ. Khi thấy gamer này loay hoay cài chương trình gì đó lên máy tính, bạn tôi bèn hỏi:
“Em cài cái gì vậy?” “Em cài hack anh ạ” (!?)
“Chơi game mà hack thì còn chơi game làm gì?”
Đọc đến đây chắc chắn sẽ có không ít người nghĩ rằng “đúng là game thủ Việt ‘trẻ trâu’, hơi tí là hack”. Thế nhưng câu trả lời của gamer kia không chỉ khiến tôi, mà còn khiến nhiều game thủ khác phải suy ngẫm: “Không, em hack để vào được server nước ngoài anh ạ. Ở đó họ không phá game, với lại em cũng không đến nỗi mù tiếng Anh nên vẫn hiểu họ nói gì anh ạ.”
Rốt cuộc, trong khi những game thủ Việt đang đam mê những tựa
game online với server đặt ở nước ngoài phì cười vì gamer được đề cập ở trên lại coi việc làm giả IP hoặc thay đổi proxy là… hack, thì chúng ta lại một lần nữa buộc phải nhìn nhận lại những mảng tối của cộng đồng game thủ.
Nếu chàng game thủ ở phần đầu bài viết phải “hack” để được chơi game một cách thỏa mãn, tức là được hòa mình vào một cộng đồng game thủ sở hữu mặt bằng ý thức cao hơn so với nhiều gamer Việt hiện nay, thì một phần không nhỏ người chơi game tại nước ta đã và đang có những hành động tuy rằng có thể đem lại cảm giác sung sướng ban đầu, thế nhưng chúng lại góp phần giết chết chính cộng đồng và tựa game họ đang “tung hoành”.
Hack, lại nói chuyện hack
Không ít game đã phải ngậm ngùi rời bỏ thị trường game online nói chung và cộng đồng hâm mộ nói riêng vì ý thức trải nghiệm game của một bộ phận game thủ quá kém. Từ Ragnarok Online đến Cabal Online là những kinh nghiệm đau thương cho bất kỳ nhà phát hành cũng như game thủ Việt.
Rất nhiều game online đang được phát hành tại Việt Nam mà nhà phát hành tại nước ta hoàn toàn không được quyền nắm mã nguồn của game. Một vài trường hợp khác, đội ngũ test game của NPH không kiểm tra kỹ được độ bảo mật của game, dẫn tới việc khi người chơi tìm ra được lỗ hổng bảo mật của tựa game để tận dụng, thì cả nhà sản xuất lẫn nhà phát hành đều bất lực và chỉ có những hành động mang tính thủ tục, đó là khóa tài khoản những hacker bị game thủ khác báo cáo.
Chính vì thế trong nhiều trường hợp, tốc độ khóa tài khoản của nhà phát hành chỉ là trò cười nếu đem so sánh với những ức chế mà game thủ Việt Nam phải chịu đựng khi giáp mặt những “siêu anh hùng” trong game như vậy.
Không chỉ tung hoành chốn ao nhà, (một số) gamer Việt còn xuất khẩu cả thói quen xấu này ra nước ngoài. Đã có không ít lần, hành vi chơi game với “công cụ hỗ trợ” của game thủ Việt đã mang lại bao tai tiếng đối với cộng đồng gamer Việt ở các tựa game nước ngoài. Cá biệt, cũng đã có không ít tựa game đã chính thức nói không với người Việt Nam, đơn giản vì trước đó, “thành tích” hack, cheat của những người này đã lên tới cảnh giới khét tiếng.
Thích thể hiện
Hãy nhắc lại câu chuyện game thủ Việt bị một số gamer nước ngoài tại Age of Wushu phiên bản châu Âu lên tiếng tẩy chay và đòi ban IP. Lý do của họ là gì? “Họ luôn PK những game thủ yếu hơn, những người chưa biết chơi game sao cho đúng. Server USA của Cửu Âm Chân Kinh cũng bị hàng loạt những hiện tượng xấu từ những game thủ này.”
Ý kiến này nhận được nhiều phản hồi, cả đồng tình lẫn phản đối. Thế nhưng tình trạng này có thật, và chúng phần nào mô tả sự thích thể hiện của không ít game thủ game online Việt Nam. Những nhân vật level cao, những nhân vật mạnh, thay vì trợ giúp những game thủ mới, họ lại đi… PK những game thủ yếu hơn để “chứng tỏ sức mạnh bản thân”, khiến những newbie vừa khó chịu vừa không thể thưởng thức game.
Tính đồng đội của phần lớn chúng ta cũng được đặt dấu hỏi khá lớn. Đã có người mô tả sở thích solo của gamer Việt là “Chuyện thường ngày ở huyện”. Đó là lời nhận xét của một game thủ khi nhắc tới sở thích làm mọi việc một mình trong game của không ít người chơi game online Việt Nam. Mặc dù trong thời điểm hiện tại, phần lớn các game online đều đang đẩy mạnh tính cộng đồng với những hoạt động có thử thách rất cao.
Đây chỉ là một phần lý do nhưng nếu có một cái nhìn tổng quát, rất nhiều game thủ vẫn khá thụ động, ngại tiếp xúc, tham gia nhập cuộc cùng với những game thủ khác. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong những tựa game đòi hỏi sự hợp tác giữa những game thủ trong cùng một đội, như những MMORPS hay MOBA. Việc thích solo hay không chịu phối hợp với đồng đội sẽ dẫn đến những trận thua vô cùng đáng tiếc.
Tạm kết
Câu chuyện tưởng chừng như hài hước ở phần đầu bài viết lại là một câu chuyện cười ra nước mắt với toàn bộ cộng đồng game thủ Việt. Đến khi nào thì những gamer Việt Nam chân chính mới thoát khỏi cảnh phải “hack” như game thủ ở đầu bài viết để có được trải nghiệm game đúng nghĩa?