Chưa lúc nào game thủ Việt dễ mất trắng như bây giờ

Nghi Lâm  | 28/09/2011 11:54 PM

Năm 2011 là năm mà quyền lợi của người chơi Việt Nam cực kỳ ít ỏi và dễ mất trắng.

Khởi đầu từ mục đích giải trí đơn thuần, game online lúc này thực sự đã trở thành món ăn tinh thần lẫn vật chất không thể thiếu đối với giới trẻ Việt Nam. Hầu hết những ai đang phiêu lưu trong thế giới ảo đều từng ít nhiều đầu tư cho nhân vật của mình, ít thì vài trăm nghìn, nhiều thì cả tỷ VNĐ, chính nguồn thu này mới giúp các doanh nghiệp sống sót.
 
Suốt một thập kỷ qua, tài sản ảo trong game online chưa từng được công nhận tại Việt Nam, điều này dẫn tới việc các khoản đầu tư của người chơi luôn ở vào hoàn cảnh nguy hiểm. Có điều đến năm 2011, khi thị trường MMO nội địa có nhiều thay đổi thì sự rủi ro mới lên đến "đỉnh cao", sự thật đau xót là với nhiều bằng chứng thực tế, các tín đồ ảo có thể mất trắng bất cứ lúc nào.
 
Nguy cơ mất trắng trong thị trường MMO nước nhà cao chưa từng thấy.
 
Game bị đóng cửa "bất đắc kỳ tử"
 
Cụm từ "chết bất đắc kỳ tử" thường chỉ cái chết không đúng quy luật, không theo như ý nguyện và luôn để lại những đau xót lớn. Game cũng vậy, trong khoảng 1 năm trở lại đây có không ít sản phẩm bị đóng cửa vô cùng đột ngột mà không cần tuân theo bất cứ quy luật nào. Thậm chí chuyện này đang dần trở nên quen thuộc với người chơi Việt.
 
Khởi đầu từ Tiểu Đột Kích hay Danh Tướng chưa kịp phát hành chính thức hoặc mới phát hành được vài tháng đã tuyên bố rút lui khỏi thị trường. Mặc dù chúng gây nên không ít tiếc nuối cho gamer nhưng dù sao cũng dễ chấp nhận vì giai đoạn khó khăn ập đến quá nhanh, NPH không biết trước và cũng chẳng kịp trở tay.
 

Chuyện hôm trước công bố, hôm sau đóng cửa không còn lạ với game Việt.
 
Thế nhưng mới đây, việc Thần bài & Cửu Đỉnh đóng cửa chóng vánh lại khó có thể thông cảm được. Theo quy luật thông thường thì một MMO phải có thông báo trước thời điểm ngừng vận hành khoảng 3 tháng, nhưng cả 2 trò chơi trên đều bị khai tử chỉ... 1 ngày sau, đi kèm với thông điệp đền bù cũng rất mờ mịt.
 
Trường hợp tương tự có vẻ cũng diễn ra với Audition English khi trò chơi này ra đi rất chóng vánh, trang chủ biến mất rồi âm thầm trở lại với thông báo đóng cửa (trong khi server game đã ngừng từ lâu). Trên diễn đàn GoOnline, khu vực box thảo luận dành cho AuE cũng ngay lập tức có thông báo thu hồi gấp gáp.
 

NPH sẵn sàng khai tử sản phẩm mà không cần tuân theo quy luật nào.
 
Đó là chưa kể tới Truyền Thuyết Rồng, tuyên bố đóng cửa hôm 25/05 nhưng tới 13/06 đã chính thức bị khai tử. Như vậy trong 8 cái tên xấu số năm nay thì đã có đến 4 ứng viên bị đóng cửa nhanh chóng hơn thường lệ, 2 trong số đó chết "bất đắc kỳ tử".
 
Người phải chịu thiệt trong trường hợp này không ai khác chính là game thủ, họ bỏ tiền đầu tư nhưng rồi mất trắng chỉ sau vài giờ mà không biết kêu ai. Đơn giản vì chính đơn vị phát hành cũng "lực bất tòng tâm", điều đáng trách là họ biết có nhiều rủi ro khi tung ra sản phẩm nhưng vẫn lờ đi như không.
 
"Xin lỗi, chúng tôi không phát hành!"
 
Nhìn tổng quan, năm 2011 có vẻ như là năm mà thị trường MMO Việt Nam dần sống lại sau giai đoạn khó khăn cùng cực, thế nhưng nếu xét kỹ càng thì sự phục hồi đấy lại đi kèm với hậu quả là game thủ có thể mất trắng bất cứ lúc nào. Đơn giản vì trong số hơn 20 MMO mới cập bến, phần lớn chúng đều tồn tại dưới dạng "game nước ngoài phiên bản Việt".
 

Bên dưới quảng cáo "Chơi ngay" đầy hấp dẫn, danh tính NPH thật lạ lẫm và mờ mịt.
 
Chính sự mập mờ trong danh tính của đơn vị phát hành khiến nhiều khi người chơi vào game, nạp tiền nhưng vẫn... không biết NPH là ai, trụ sở ở đâu, khi gặp sự cố thì gọi đến đâu... Chẳng thế mà có chuyện gọi điện đến tổng đài của BQT và nhận được câu trả lời: "Xin lỗi, chúng tôi không phát hành!".
 
Có thể lấy một ví dụ tương tự thế này, bạn mua một chiếc TV mất hàng chục triệu VNĐ nhưng không rõ chiếc TV đó của hãng nào, bảo hành ở đâu. Người tiêu dùng lúc này giống như những con thiêu thân, tặc lưỡi lao vào chốn nguy hiểm mà bản thân họ không hề biết rằng mình sắp rơi vào hoàn cảnh bi đát. Game thủ Việt lúc này đây cũng như thế.
 

Game thủ Việt đang vật lộn trong một mê cung không lối thoát.
 
Tài sản ảo đã không được công nhận, sản phẩm thì lúc nào cũng có thể bị đóng cửa kéo theo toàn bộ số tiền đầu tư biến mất trong chớp mắt. Quả thực sẽ chẳng ngoa khi kết luận rằng túi tiền của gamer nước nhà ngày càng mong manh. Chưa có năm nào mà quyền lợi của người chơi Việt Nam lại ít ỏi và dễ mất trắng như năm nay.
 
"Biết là nguy hiểm đấy nhưng bây giờ thị trường khan hiếm game mới thì cũng đành chơi chứ biết làm sao, dù gì thì cũng chỉ bỏ ra vài trăm nghìn thôi nên không đáng là bao", đó là tâm sự của không ít game thủ nội địa thời gian qua. Sự bất lực của họ là hoàn toàn có cơ sở.
 
Chúng ta dường như đang đi trong một mê cung không có lối thoát.