Hack/cheat trong game online đang và sẽ tiếp tục là trở ngại cho sự phát triển của bất kỳ tự game online nào. Thế nhưng, vì những nguyên nhân về mặt công nghệ, các biện pháp phòng ngừa hack/cheat của hầu hết trò chơi hiện có trên thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Nhiều tựa game sở hữu lượng người chơi lớn như Đột kích, Audition, Boom online, MU online,... đều phải đau đầu vì tình trạng hack/cheat dù đã “gồng mình” cập nhật bản vá lỗi liên tục.
Trên thực tế, có nhiều biện pháp phòng chống hack/cheat đạt hiệu quả nhất định như xử lý tất cả dữ liệu trên máy chủ, sử dụng chương trình chống hack/cheat tại client (như Game Guard), mã hóa client... Tuy nhiên, những biện pháp này đa phần đều liên quan đến cấu trúc trò chơi và khó thực hiện được nếu thiết kế ban đầu của game không đáp ứng, hoặc có thể bị vượt qua nếu gặp game thủ có kinh nghiệm.
Đó là chưa kể, những giải pháp này có thể sẽ làm tăng chi phí vận hành sản phẩm của nhà phát hành. Trong khi đó, có một giải pháp đơn giản và hiệu quả nhưng lại rất ít được áp dụng tại Việt Nam, đó là yêu cầu người chơi trả phí để kích hoạt tài khoản hoặc trả phí thời gian chơi.
Tại sao lại yêu cầu người chơi trả phí?
Trả phí chắc chắn không phải là lựa chọn yêu thích của đại đa số người chơi, trong đó có game thủ Việt Nam. Thực tế là số lượng game miễn phí trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đều đang chiếm tỉ trọng lớn hơn hẳn so với những sản phẩm thu phí. Thế nhưng, chính bởi tài khoản được tạo dễ dàng, miễn phí nên người chơi cũng không hề ngại ngần nếu sử dụng hack/cheat.
Đặc biệt, với các game casual mang tính giải trí nhanh gọn không yêu cầu cày cuốc như Đột kích, Audition, Avatar star... hiện tượng người chơi tạo tài khoản mới để… hack/cheat giải trí là chuyện “thường ngày ở huyện”. Nhà phát hành khóa tài khoản? Chẳng mấy hữu dụng khi tạo tài khoản mới chỉ trong vài thao tác.
Trong khi đó, nếu phải trả phí để kích hoạt tài khoản hoặc trả phí thời gian chơi, game thủ sẽ ít nhiều “chùn tay” khi muốn hack/cheat. Tài khoản bị khóa đồng nghĩa với việc mất luôn số tiền đã “đầu tư”. Tạo tài khoản mới để hack/cheat? Bỏ tiền ra để kích hoạt và sẵn sàng chấp nhận bị… mất trắng nếu nhà phát hành phát hiện.
Rõ ràng, việc áp dụng chính sách trả phí cho tài khoản có thể giúp Nhà phát hành dễ dàng hơn trong kiểm soát hack/cheat. Thế nhưng, thực tế là số lượng game thu phí ngày càng ít, trong khi nạn hack/cheat vẫn tiếp tục hoành hành, còn nhà phát hành liên tục bị chê trách vì… bất lực.
Thu phí: nói dễ, làm khó
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định miễn phí của nhà phát hành khi ra mắt game tại Việt Nam nhưng lý do lớn nhất, chủ yếu nhất vẫn là… tâm lý thích hàng “chùa” của game thủ. Một trò chơi miễn phí có thể tiêu tốn bình quân 400.000 đồng/ tháng để “bằng chị bằng em” vẫn thu hút hơn tựa game thu phí chỉ yêu cầu 120.000 đồng/ tháng.
Đứng về khía cạnh doanh thu, các nhà phát hành sẽ ưu tiên hơn cho hình thức miễn phí chơi game. Chính tâm lý thích hàng miễn phí này của phần đông game thủ đã ảnh hưởng đến cả những người chơi sẵn sàng trả phí. Cách đây gần 10 năm, Gunbound đã từng thử áp dụng việc khống chế hack/cheat qua thu phí tài khoản bằng cách mở thêm cụm máy chủ “chỉ dành riêng cho các tài khoản trả phí”.
Thế nhưng, kế hoạch này nhanh chóng phá sản vì cụm máy chủ này… không đủ người chơi, bất chấp các máy chủ miễn phí còn lại vẫn đang bị nạn hack/cheat hoành hành. Thực tế cho thấy, dù hiệu quả của thu phí trong việc phòng chống hack/cheat có hiệu quả nhất định, song rào cản… tiền, dù lớn hay nhỏ đều đem lại những khó khăn cực lớn cho nhà phát hành khi muốn áp dụng biện pháp này.
Lời kết
Đương nhiên phòng chống hack/cheat không thể chỉ là trách nhiệm của người chơi. Vì vậy, game thủ hoàn toàn có quyền từ chối nếu nhà phát hành yêu cầu thu phí chỉ để… phòng chống hack/cheat. Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh trả phí để được chơi trong một môi trường trong sạch, lành mạnh hơn, được thoát khỏi những thành phần “bất hảo” khi chơi game thì thiết nghĩ, bỏ thêm một số tiền không lớn cũng là một giải pháp hoàn toàn chấp nhận được.
>> Tại sao game thủ Việt Nam vô cùng thích hack?