Trong một bài viết trước, chúng ta đã luận bàn về việc "Gamer Việt là khách hàng khó hiểu nhất thế giới". Để "chiều" được họ là điều không hề dễ dàng với bất kỳ NPH nào, thế nhưng trên thực tế, chính những người "cầm trịch" MMO nước nhà cũng đang gặp nhiều sai lầm (mà không phải họ không biết). Chính những sai lầm này khiến khoảng cách giữa "thượng đế" và "đầy tớ" ngày một xa dần, hãy cùng điểm lại chúng để có cái nhìn xác đáng hơn về thị trường game online nội địa.
Lợi nhuận là số 1?
Điều này không sai. Khi một NPH chịu bỏ một số tiền rất lớn để mua được bản quyền MMO về nước phục vụ game thủ là họ bắt đầu đầu tư để kinh doanh. Và bài học kinh doanh vỡ lòng ai không học cũng có thể nắm được là: "Lợi nhuận". Để có được lợi nhuận thì việc thương mại hóa (Pay to play – P2P) là điều tất yếu.
Nhưng xét cho cùng, việc P2P thế nào vừa tốt cho NPH, vừa có lợi cho game thủ mới là điều đáng bàn. Nó phải được thực hiện một đúng đắn, và tương xứng giữa khả năng kinh tế của game thủ với chất lượng phục vụ, quan trọng hơn là MMO đó có “chất” không?
Lợi nhuận - Thứ không thể bỏ qua, nhưng đừng thái quá.
Game thủ vốn là những người khó tính và rất “đanh đá” khi sẵn sàng dùng những từ như “hút máu người” dành tặng NPH khi cảm thấy túi tiền bị dùng sai mục đích cho một sản phẩm quá dở. MMO hay game nói chung đều là những tác phẩm mang tính nghệ thuật rất cao được làm ra để phục vụ nhu cầu con người. Do đó, nó không thể mang tính giải trí cao chỉ vì NPH mang nó đến tay người sử dụng với ước vọng duy nhất là "kiếm lời".
Việc quá coi trọng “MMO là con gà đẻ trứng vàng cho mình” là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc game thủ xa rời với các NPH, xa rời với MMO của họ… và rồi sẽ chẳng còn ai đoái hoài cho những sản phẩm sau này do họ mang đến nữa. Một sự đánh đổi quá đắt?
Hứa thật nhiều!
Khi một NPH tuyên bố mang game về nước, có 2 điều song hành khiến gamer quan tâm nhất là: Miễn phí hay không và game đó có gì mới so với các sản phẩm cùng loại? Thông thường, càng sát ngày phát hành, game thủ luôn hao hức, và càng háo hức hơn khi đọc những những bài giới thiệu hay tận mắt xem những đoạn video mà NPH cung cấp về game mới tới cộng đồng.
Nắm bắt được tâm lý hiếu kỳ đó, và cũng vì mục đích quảng cáo, NPH bắt đầu hứa hẹn, "hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều". Thật sự thì sao? Khi mà MMO vừa hết Close Beta, lại đến Open Beta, game thủ cảm thấy thế nào? MMO đó cứ lận đận, sống thầm lặng để rồi đợi đến “shutdown”.
Quảng cáo thái quá dễ đem lại hiệu ứng ngược.
Để sản phẩm của bạn đến được tay người tiêu dùng một cách rộng rãi thì bạn phải quảng cáo chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng. MMO cũng không nằm ngoài cách làm đó. Việc quảng cáo một cách quá đà sẽ như con dao hai lưỡi: một mặt khiến mọi người chú ý hơn về sản phẩm đó, mặt khác cũng khiến hình ảnh của game trở nên “loãng” dần trong cách nhìn nhận của game thủ.
Bên cạnh đó, việc NPH thường xuyên tuyên bố rất sốc về “con cưng” của mình như: “Game có hệ thống PvP đỉnh”, hoặc “game có nhiều tính năng độc đáo so với các sản phẩm cùng loại”… nhằm kích thích game thủ vốn đang “ngày chờ đêm mong” được thử trò chơi - là một cách quảng cáo không tồi . Và sự thật tốt dở thế nào chỉ có những người trong cuộc mới biết. Tóm lại, NPH cứ để game thủ tự tìm hiểu sản phẩm theo cách riêng của họ.
Event thiếu sáng tạo – Hack tràn lan
Ngoài những sự kiện có sẵn được đội ngũ phát triển game lập trình sẵn, phải nói các NPH trong nước hết sức nhanh nhạy trong việc tổ chức các event ngoài game. Những dịp kỉ niệm hay ngày lễ lớn đều là thời điểm mà các event do đội ngũ quản trị MMO tổ chức. Nói không quá ngoa, nếu bạn là một fan ruột của các game online, bạn có thể “bắt vị” các event đó một khi NPH tung game mới ra thị trường.
Lượng event đáng giá ngày càng ít ỏi, thay vào đó là sự cạn kiệt ý tưởng.
Ban đầu sẽ là các event tăng điểm kinh nghiệm, sau đó là một loạt các event dạng đua Top, sau đó có thể là các event tìm item hay tặng quà vào các dịp nghỉ lễ… Phải nói là các NPH đang có xu hướng khủng hoảng ý tưởng để làm cho game phong phú hơn.
Trong khi các NPH có vẻ đau đầu đi tìm bài toán cải thiện lượng người chơi, thì trái lại, người chơi lại tỏ ra rất thích thú với công việc tìm hack và dùng hack. Nếu có cuộc thi bình chọn, thiết nghĩ nên có giải thưởng “Game online bị hack nhiều nhất” để giúp NPH “nuôi dạy” tốt hơn “con cưng” của mình.
Không thể đổ lỗi toàn bộ cho các NPH về vấn đề này nhưng thiết nghĩ họ cũng nên xác định được tinh thần chống gian lận khi đưa game tới game thủ. Sẽ thật lãng phí công sức và tiền bạc khi mang về những bản update gameplay, trong khi hack vẫn tràn lan, tăng tiến hơn qua từng phiên bản. Gameplay nhưng game thủ không đón nhận, liệu MMO đó tồn tại được lâu?
Hack - Vấn đề mua thủa vẫn chưa thể khắc phục.
Hãy đặt lợi ích game thủ lên hàng đầu
Kinh doanh game online cũng giống như mọi lĩnh vực thương mại khác, khi mà ở đó “khách hàng là thượng đế”. Các NPH khi biết đặt lợi ích của người chơi lên hàng đầu là cách tốt nhất để họ gây dựng lên thương hiệu cho mình. Người chơi sẽ đánh giá chất lượng dịch vụ của NPH qua từng sản phẩm mà họ từng thử sức.
Điều này tỏ ra rất đúng đắn khi mà tại nước ta, nếu một sản phẩm bị game thủ tẩy chay, thì hàng loạt game tiếp theo của NPH đó cũng chịu cảnh tương tự. Không cần đó là những MMO bom tấn được mang về, chỉ cần những MMO hợp gu nhưng được đầu tư tốt bằng tâm huyết của hai phía (NPH và game thủ) thì sẽ thành công hơn nhiều.
Đặt khách hàng lên trên hết sẽ đem lại thành công!
Bạn đã từng dành thời gian đọc những bản cam kết sử dụng dịch vụ của NPH chưa? Tất cả đều rất mơ hồ và người chịu thiệt vẫn là game thủ. Chúng ta biết làm gì khi MMO “chết yểu” khi đã đầu tư một khoản không nhỏ vào đó? Hay NPH cấm người chơi dùng hack trong game của họ, thì tại sao họ lại không cam kết chống hack để người chơi có những trải nghiệm tốt nhất với trò chơi?
Tóm lại, game online luôn chứa đựng trong nó những rủi ro không báo trước, nhưng những may rủi đó một phần cũng do các NPH tự tạo ra cho chính mình.