Tom Clancy’s Ghost Recon Online, cái tên đã trở nên quá nổi tiếng trong làng MMO thế giới, không chỉ vì tên tuổi của dòng game Ghost Recon nói riêng cũng như những tựa game được “đóng mác” nhà văn Tom Clancy nói chung, mà còn vì mức độ “cao su” của tựa game trực tuyến này.
Nếu những gì GameK nhớ là chuẩn xác, thì Ubisoft đã bắt đầu chiến dịch quảng bá Ghost Recon Online (GRO) từ đầu năm 2012, với việc cho phép các game thủ đăng ký để tham gia giai đoạn test Closed Beta, được quảng cáo là sẽ diễn ra vào khoảng tháng 3/2012. Thế nhưng từ lúc đó cho tới nay, tất cả những gì mà các gamer PC có được là những đoạn clip quảng cáo, và… ngồi mỏi mòn chờ đến lượt mình được chính thức chạm tay vào tựa game mơ ước.
Vì thế, có lẽ sẽ không ngoa khi nói rằng khi Ubisoft thông báo chính thức về việc người chơi có thể tải về bản cài đặt của trò chơi về và chuẩn bị cho giai đoạn Closed Beta, rất nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm, thậm chí có khi là vui mừng khôn xiết. Không bỏ qua cơ hội này, GameK cũng đã có những trải nghiệm riêng trong quá trình test GRO gửi đến độc giả.
Cài đặt
Với nền tảng đồ họa được nhà sản xuất khoe khoang trong những tấm hình screenshot cũng như clip gameplay, nhiều người lo ngại rằng game sẽ khá nặng (cả về dung lượng lẫn cấu hình yêu cầu). Tuy nhiên những nhận định này đã sớm biến mất sau khi bản cài đặt của trò chơi được tải về.
Giống như khá nhiều tựa game online khác, GRO được quản lý theo phần mềm launcher riêng, với chức năng tải game cũng như tự động cập nhật. Và đây là dung lượng của toàn bộ bản beta: 2 gigabytes, một con số khá ổn cho một tựa game online. Quá trình cài đặt cũng diễn ra khá nhanh chóng. Không chần chừ lâu, GameK quyết định thử nghiệm gameplay của tựa game “ngay cho nóng”.
Giao diện chính của game khá thân thiện:
Lựa chọn nhân vật
Game bắt bạn phải search phòng,
chứ chưa có cơ chế gia nhập vào danh sách phòng chơi như nhiều game khác.
Hệ thống challenge được cập nhật liên tục
Kho đồ
“Choáng ngợp” vì tính chiến thuật
Những người chưa bao giờ tiếp xúc với dòng game chắc chắn sẽ cảm thấy “ngợp” trước tính chiến thuật quá cao của tựa game. Recoil súng cao, phải nói là rất cao mới đúng, cũng như damage cũng không phải là ít, vì vậy sẽ không có chỗ cho những pha rambo “clear team” hay những người muốn thể hiện, vì chỉ cần vài phát đạn, bạn sẽ có thể “lên bảng” mà vẫn chưa biết lý do.
Quay trở lại phần chiến thuật. Không giống như những tựa game MMO shooter khác như Arctic Combat hay A.V.A, Ghost Recon Online có hệ thống nhân vật được chia tách một cách rạch ròi, đến mức người ta có thể liên tưởng tới những tựa game MMORPG vì khả năng mỗi class có thể làm được. Ba lớp nhân vật trong game gồm có Assault, những người lính theo đúng nghĩa đen với khả năng tấn công cực kỳ hiệu quả.
Tiếp đến là Recon, những bóng ma trên chiến trường với khả năng tàng hình cũng như làm lộ vị trí của đối thủ. Cuối cùng là Specialist, người hỗ trợ đắc lực cho mỗi người lính với khả năng cung cấp đạn, tăng damage vũ khí cũng như làm “tắt ngấm” mọi thiết bị hỗ trợ của quân địch. Sự phân hóa của 3 class nhân vật còn được thể hiện ở vũ khí mỗi nhân vật được mang theo.
Scope không hề ổn định như nhiều MMO khác.
Đọc tới đây, chắc hẳn độc giả sẽ cảm thấy lo lắng vì nhỡ đâu game bắt chúng ta “dính chặt” với một lớp nhân vật cố định cho mỗi tài khoản game. Đừng lo, vì Ubisoft đã cực kỳ tâm lý khi cho phép người chơi chuyển đổi linh hoạt giữa 3 lớp nhân vật trong GRO. Chưa dừng lại ở đó, mỗi nhân vật đều có hệ thống xp riêng, bạn chơi càng lâu, thì lớp nhân vật này càng “hổ báo” với những món đồ chơi đem lại lợi thế không nhỏ trên chiến trường.
Gameplay lôi cuốn
Như đã nói ở trên, bạn sẽ không thể “run n’ gun” hay có những pha xử lý cá nhân một cách “bá đạo” trong Ghost Recon Online. Vì thế quan sát là một điểm mấu chốt đem lại thành công cho mỗi game thủ tham gia tựa game bắn súng góc nhìn người thứ 3 này. Bản đồ trong game được tái hiện theo phong cách 3D với chiều sâu, giúp bạn tìm ra những vị trí ẩn nấp cho bạn cũng như đồng đội.
Ping 1 vạch!
Nếu như nút spacebar ở nhiều tựa game MMO shooter chỉ được gán cho động tác nhảy đơn thuần, thì ở GRO, đây hóa ra lại là một trong những chức năng được sử dụng nhiều nhất: Tìm chỗ nấp. Trong cover, bạn sẽ có thể làm đủ mọi trò: Nhoài người ra ngắm bắn, sử dụng những thiết bị hỗ trợ như EMP, tàng hình hoặc chuyển chế độ UAV nhằm định hướng đối thủ, giúp ích rất nhiều cho đồng đội. GameK có thể cam đoan rằng, bạn sẽ “lên bảng” chỉ sau vài giây đứng “hớ hênh”, vì thế việc di chuyển hợp lý, chăm tìm chỗ nấp cũng như không ngại làm camper sẽ là những điểm mấu chốt quyết định điểm số bạn có sau mỗi lượt game.
Không nấp là "feed mạng".
Mỗi lớp nhân vật lại có những “skill” được unlock thông qua việc lên cấp khác nhau. Ví du như Assault, lên level 2 là bạn sẽ sở hữu 2 item: tấm lá chắn kèm theo khả năng tăng tốc, rất hợp lý cho những màn conquest giằng co đến mức nghẹt thở, và thiết bị bắn tia nhiệt, giúp hạ gục dần những kẻ ngoan cố nấp sau cover quá lâu.
Tính chiến thuật của game đạt tới mức tối đa, khi những xa thủ bắn tỉa ở một góc nào đó của bản đồ kích hoạt hệ thống UAV. Có thể nói, đây là khả năng wallhack theo đúng nghĩa đen khi mọi người chơi của đội đối phương có mặt trên bản đồ sẽ lộ diện và được đánh dấu đỏ, ngay cả khi họ đang nấp kỹ đằng sau cover. Tuy nhiên để game cân bằng, thì ngoài thiết bị của class Assault vừa được đề cập ở trên, thì không một loại vũ khí nào trong game có khả năng bắn xuyên tường.
Tấn công từ cover luôn đạt hiệu quả cao.
Nếu bạn cảm thấy việc bị lộ vị trí là khó chịu, hãy nhờ tới một thành viên Specialist trong đội. Với EMP, anh có thể làm cho mọi thiết bị điện tử mà đối phương đang sử dụng phải “im thin thít”, từ đó lấy lại tính cân bằng vốn có của gameplay.
Một điều nữa nhắn gửi tới các sniper, đó là để tăng độ chân thực, hơi thở của người lính recon ảnh hưởng rất lớn tới độ mất ổn định của ống ngắm. Bạn sẽ phải mất một lúc để ống ngắm trở lại vị trí ổn định, từ đó có được những phát súng chính xác. Thêm vào đó, lời khuyên được đưa ra đó là hãy ngắm bắn trong tư thế nằm sấp, đó là lúc “scope sway” có độ lớn thấp nhất.
Hệ thống vũ khí
Vì là một tựa game MMO, nên tính đa dạng được đề cao hơn bao giờ hết. Bạn có thể tìm cho mình món vũ khí phù hợp với túi tiền (dĩ nhiên là trong game) cũng như thói quen sử dụng, vì mỗi khẩu súng sẽ có khả năng cũng như cách bắn khác nhau (chủ yếu là do recoil thuộc dạng cao của GRO). Ở phiên bản beta, số lượng vũ khí đã khá đồ sộ với những cái tên mới có mặt trong thời gian gần đây như AK12, M27, ACR, hay JNG 90 cũng như Sentinel SR-1.
"Toàn hàng khủng"
Ở bản beta, súng khá rẻ.
Giống như nhiều tựa game bắn súng MMO xuất hiện trước đây, GRO cũng cho phép người chơi thay đổi một vài thông số vũ khí thông qua việc nâng cấp phụ tùng hay thay đổi loại đạn nhằm giúp súng hoạt động chính xác và thân thiện hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng thử qua A.V.A., thì việc nâng cấp súng ống trong GRO cũng là con dao hai lưỡi: Nếu nâng cấp một cách tùy tiện, đôi khi món vũ khí bạn đem ra chiến trường sẽ trở thành vô dụng.
Đôi điều đáng tiếc
Thật tiếc khi một số vấn đề (cả khách quan lẫn chủ quan) đã tạo ra một vài điểm trừ nho nhỏ trong quá trình người thử nghiệm test game. Đầu tiên là vấn đề độ trễ của game. Như đã giới thiệu trước đây, giai đoạn closed beta sẽ chỉ diễn ra tại server đặt ở 2 khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, vì đã “phát cuồng” sau khoảng thời gian chờ đợi quá lâu, nên GameK vẫn quyết định “ngoan cố” cài game. Hậu quả thu được, đó là ping của mỗi trận đấu luôn rơi vào khoảng 300 đến 400ms, khá khó chấp nhận cho một tựa game cần nhiều thao tác nhanh và phức tạp như bắn súng.
HUD đầy đủ thông tin nhưng vẫn rất thoáng mắt.
Vấn đề nảy sinh thứ 2 đó là Ghost Recon Online vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, vì thế trong mục option vẫn chưa có tùy chọn tắt chế độ tăng tốc chuột, gây khó chịu cho các sniper và cả những game thủ sử dụng tốc độ chuột cao. Giải pháp mà GameK buộc phải thực hiện là đưa tốc độ chuột về mức thấp để dễ dàng xoay trở trong những tình huống mà game đưa ra.
Tạm kết
Sau 2 ngày “chìm đắm” trong thế giới Ghost Recon Online, người viết hoàn toàn có thể tự tin đưa đến nhận định, GRO hoàn toàn có khả năng trở thành MMO Shooter của năm, bên cạnh những cái tên ra mắt trong năm nay như Arctic Combat hay Shadow Company. Một điều nữa, hy vọng khi game ra mắt, cụm server châu Á cũng sẽ có mặt để chiều lòng những game thủ xứ Viễn Đông muốn tận tay cảm nhận gameplay thuộc vào hàng “lạ” trong số những tựa game online có mặt trên thị trường ở thời điểm hiện nay.