Căn bệnh bất lực của ngành game nội địa

Nghi Lâm  | 05/11/2011 0:00 AM

Mặc dù còn chưa hết năm, nhưng chúng ta đã có thể liệt kê ra được một số điểm yếu mà làng MMO Việt Nam chắc chắn không thể khắc phục được trước 2012.

Bất kỳ lĩnh vực nào cũng có bất cập riêng, game cũng vậy. Đặc biệt hơn nữa là làng game Việt Nam trước nay trong mắt game thủ vẫn tràn ngập những điểm yếu cố hữu mà dù nhắm mắt, bịt tai họ còn kể ra được. Niềm mong mỏi nhỏ nhoi của họ rằng một ngày nào đó thị trường trở nên sáng sủa hơn vẫn còn rất xa vời.
 
Chẳng thế mà dù hơn 1 tháng nữa năm 2011 mới chính thức trôi qua, nhưng chúng ta đã có thể liệt kê ra được một số bất cập mà làng MMO Việt Nam chắc chắn không thể khắc phục được trước 2012. Chúng đại diện cho căn bệnh "bất lực" của ngành game nội địa nhiều năm gần đây.
 
Bất lực khi đưa 3D vượt lên trước 2D
 
Đây là vấn đề đã được đưa ra bàn tán, thảo luận đến hàng vài năm nay nhưng vẫn chẳng đi đến kết quả nào. Nhiều người chơi dù rất chán ghét những thể loại MMO 2D, 2.5D tới từ Trung Quốc nhưng họ buộc phải chấp nhận chúng, cơ may đã đến khi năm 2010 ghi nhận một loạt game 2D, 2.5D đóng cửa, thế nhưng mọi chuyện không hề tươi sáng hơn chút nào trong năm 2011.
 

Thay vì game 3D, thị trường MMO nội bị thống trị bởi... webgame.
 
Cụ thể, suốt 3 quý đầu năm thị trường nội địa tràn ngập... webgame, thể loại mà khó ai có thể tưởng tượng được lại làm chủ cả ngành MMO với tuổi đời 10 năm. Dĩ nhiên, vẫn có một số MMO 3D hiếm hoi ra đời nhưng đều bị lu mờ vì phải vận hành dưới dạng server ngoại (webgame cũng thế nhưng do đặc trưng nhẹ nhàng của nó nên độ lag, dis không cao).
 
Nói cách khác, năm 2011 đã thất bại hoàn toàn trong việc triệt tiêu những thể loại game xưa cũ để đưa game thủ Việt đến với loạt sản phẩm cao cấp hơn. Bệnh "bất lực" này có khi còn kéo dài đến cả năm 2012 không biết chừng.
 
Bất lực khi cải thiện cái nhìn của xã hội
 
Năm 2010 đã bị phủ một bóng đen khi tất cả đều nhìn nhận game online như "bạch phiến số", dư luận lên đến đỉnh điểm giai đoạn cuối năm và dần dịu đi khi bước sang đầu năm 2011. Điều này cộng với việc nhiều MMO ra mắt trở lại tạo nên cảm giác an toàn phần nào cho gamer.
 

Game thủ vẫn bị nhìn dưới hình dạng "con nghiện".
 
Nhưng trên thực tế, những con mắt nhìn vào làng game nội địa vẫn còn quá lạnh lùng, thậm chí những thứ như bài bạc, cá độ cũng bị quy vào... game để nhấn mạnh thêm tính tiêu cực của loại hình giải trí này. Có thể thấy vẻ bề ngoài thì thị trường game đã hoạt động lại bình thường, nhưng bên trong còn quá nhiều sơ hở và khó khăn cũng vì không cải thiện được cái nhìn của xã hội.
 
Từ nay đến hết năm là quãng thời gian quá ít ỏi để có thể can thiệp vào nỗ lực ấy, chúng ta chỉ có thể kỳ vọng vào năm 2012 mà thôi.
 
Bất lực với ý tưởng Câu lạc bộ game thủ
 
Cuối năm ngoái, có tin tức đồn đại rằng một số NPH bắt đầu phối hợp với nhau để thành lập một CLB game thủ thực thụ với chức năng định hướng cho cộng đồng, đồng thời đứng ra bảo hộ cho người chơi. Vẫn biết chuyện này khó thành sự thật nhưng vẫn tạo nên hy vọng mong manh.
 

Ngay cả CLB game thủ "tự túc" cũng không tồn tại lâu chứ chưa nói tới CLB bài bản.
 
Và hy vọng ấy vẫn tiếp tục tắt ngấm trong cả năm 2011, thậm chí còn không ai buồn nhắc đến ý tưởng CLB gamer vì những điều kiện tiền đề như ai tổ chức, vốn ở đâu còn chưa rõ ràng. Cứ thế, ý thức dân cày nội địa rớt xuống mức báo động, bị gamer nước ngoài kỳ thị tẩy chay không thương tiếc, quyền lợi của họ cũng chẳng có ai bảo hộ.
 
Không lẽ ý tưởng trên chỉ là một giấc mơ đẹp?
 
Bất lực khi loại bỏ cách phục vụ yếu kém của NPH
 
Hiếm có năm nào mà làng game Việt lại phải đối mặt với những dịch vụ hậu đãi cho khách hàng kém cỏi như năm 2011 này. Cách kinh doanh theo kiểu "game ngoại phiên bản Việt" khiến danh tính NPH của một số tựa game không biết là ai, họ cũng trắng trợn phẩy tay khi gamer yêu cầu hỗ trợ.
 

Vẫn còn những vụ việc bất cập diễn ra hàng ngày.
 
Có thể đơn cử như việc Thần Bài Cửu Đỉnh bất ngờ đóng cửa mà không đếm xỉa gì tới gamer, hay mới đây Thiên Hạ khai tử 3 server cũ với lý do rất không chuyên nghiệp là... chi phí vận hành quá cao, bất chấp họ vừa mới kêu gọi người chơi cũ trở lại nạp thẻ nhận quà.
 
Công cuộc chống hack cũng thất bại thảm hại khi những MMO mới như Tank Ranger bị hack lên hack xuống, còn "ổ hacker" Đột Kích thì khỏi phải nói thêm nhiều. Với chừng đó chuyện chưa làm được, còn từ nào để diễn tả nỗi bất lực của ngành game nội?
 
Bất lực khi nâng cao trách nhiệm đại sứ
 
Đại sứ game từ lâu vẫn là vị trí mà game thủ Việt không coi ra gì, đơn giản vì hầu hết trong số họ chẳng có bất kỳ đóng góp nào cho cộng đồng ngoại trừ... chụp ảnh, sau đó lặn mất tăm. Năm 2011 tiếp tục ghi nhận chiêu bài lựa chọn đại sứ "hot" để quảng bá MMO, và tất nhiên họ vẫn "vô tích sự" như cũ.
 

Đại sứ game trong năm 2011 không làm được gì ngoài những bộ ảnh thế này.
 
Ví dụ như trường hợp của Địa Vương khi NPH rêu rao Phi Thanh Vân là đại diện, thế nhưng ngoài vài bộ ảnh với mục đích chủ yếu là gây sốc ra thì còn không rõ người mẫu này có biết trò chơi mình đại diện là trò gì hay không. Hoặc như NPH Ngạo Kiếm cho hay họ đang liên hệ với diễn viên Kiều Trinh để làm đại diện hình ảnh, nhưng ngoài thông tin đó và bộ ảnh cosplay nóng ra thì... chẳng có gì thêm.
 
Bất lực trong việc thổi gió cho game thuần Việt
 
Năm 2011 cũng là năm mà số lượng game thuần Việt ra mắt nhiều nhất, trải dài từ những cái tên bài bản như SQUAD, Jay Online, TheKing cho tới một số dự án không chuyên như Nuôi thú ảo... Thế nhưng chúng vẫn còn thiếu thứ gì đó thực sự quan trọng để nổi bật lên trước các sản phẩm ngoại nhập.
 

SQUAD, một trong những dự án thuần Việt tốn kém nhất vẫn còn rất mịt mù tương lai.
 
Cho đến lúc này, ngoài dự án 7554 của Emobi Games ra thì ngay cả SQUAD là MMO ngốn tiền tấn của VTC Studio vẫn chưa đâu vào đâu (đồ họa tốt nhưng gameplay còn nhiều thiếu sót, dự kiến ra mắt tháng 10 mà chưa thấy đâu). Còn các dự án thuần Việt hạng 2 thì khả năng hút khách chắc chắn còn ít hơn nữa.
 
Từ nay đến cuối năm, có lẽ sẽ chẳng có cơn địa chấn nào lớn dành cho làng game "made in VN", vì thế ngay từ lúc này chúng ta nên hướng mắt nhìn về năm 2012 thì hơn.