Trong số những xu hướng mới nhất của
làng game Việt nửa đầu năm 2014, có thể kể tới hàng loạt những tựa
game online với đồ họa đẹp, đi kèm là gameplay có chất lượng đã và sẽ được ra mắt cộng đồng
game thủ Việt.
Bên cạnh đó, với việc dễ dàng tiếp cận với những game online mới, đình đám mới được mở cửa server trên thế giới, những game thủ Việt Nam hâm mộ MMO nhờ đó cũng có được cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của game online quốc tế, thay vì quẩn quanh với rất nhiều những webgame 2D thường được gán cho cụm từ “game rác”.
Chính vì lẽ đó, trong thời gian qua, không giống như năm 2013 cũng như quý đầu năm 2014, các hãng game Việt đã có sự chuyển dịch về mặt chiến lược. Thay vì tập trung đầu tư phát hành những webgame 2D nhàm chán, thì những webgame hay game client 3D cũng đã lần lượt cập bến làng game Việt.
Thị hiếu đã thay đổi
Kỳ thực, sau vài năm ròng rã chỉ có… ăn ngủ cùng webgame, liệu rằng sự thay đổi một cách đột ngột với những tựa game đỉnh, được công chúng hết lời tán thưởng liệu rằng có cùng lúc làm được hai nhiệm vụ hay không, chúng ta vẫn chưa thể có được câu trả lời chính xác.
Tuy nhiên có thể chắc chắn được một điều, như đã được mô tả trong nhiều bài viết trước đây của GameK, người chơi game online nước ta đã quan tâm hơn tới nhiều sản phẩm đang được phát hành tại nước ngoài nhưng nhận được đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.
Thậm chí với những game hay nhưng không có ngôn ngữ tiếng Anh như Blade & Soul phiên bản Trung Quốc chẳng hạn, game thủ vẫn cố gắng “vượt khó” để thưởng thức game đỉnh, dù rằng rào cản ngôn ngữ khiến quá trình thưởng thức game không được như mong muốn.
Tương tự như vậy, chính ví dụ nhãn tiền của
Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản mới ra mắt gần đây đã chứng minh một bộ mặt hoàn toàn khác của làng game Việt. Chính điều này đã đập tan mọi lập luận cho rằng “Game thủ Việt giờ đây chẳng thể nào sống thiếu auto”, hay “Làng game Việt giờ đây toàn rác”.
Kỳ thực, một khi đã có được một sản phẩm đủ “chất” và có cộng đồng đông vui, thì cho dù có khó khăn tới đâu, game thủ Việt vẫn sẽ tìm mọi cách để gắn bó và thưởng thức sản phẩm này, giống như những khi game thủ chúng ta tìm mọi cách fake IP để vào được một
game online nước ngoài vậy.
Điều này cho thấy, cái đam mê của game thủ là vô bờ bến. Chúng ta vẫn muốn thưởng thức những game online đích thực, thay vì những game rác vốn đã tràn ngập thị trường trong thời gian vừa qua. Từ đó, chính bản thân các
nhà phát hành game online Việt Nam cũng phải nhìn nhận lại định hướng đầu tư game online của mình.
NPH cũng quay lưng với game 2D
Một đặc điểm đáng buồn của các Webgame Việt khiến chúng thường được ví như một món "mỳ ăn liền" được các NPH tung ra để câu tiền của game thủ. Có thể, vào lúc đầu khi game mới phát hành, số lượng người chơi tham gia là rất đông nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, phần lớn người chơi đều nhảy sang các Webgame khác hay tạo lại nick ở các server mới mở thêm.
Trong khi đó ở làng game Việt hiện tại, số lượng những game thủ sống trong thế giới game theo kiểu “chấp nhận số phận” đã chẳng còn. Họ cần một thứ gì đó mới, xứng đáng bỏ thời gian và công sức để thưởng thức, thay vì những sản phẩm đã quá đỗi tầm thường.
Một phần lý do là, tính trung bình cứ 1 tháng lại có khoảng 4, 5 webgame mới mở cửa, trong số đó hầu hết có chất lượng sêm sêm nhau mà không có gì đột phá nên lại càng khiến người chơi thêm chán ngán. Chính vì vậy việc game thủ quay lưng với làng game trong nước không có gì là quá khó hiểu.
Chưa dừng lại ở đó, khi điều kiện máy móc cũng như đường truyền internet tại Việt Nam ngày càng có chất lượng cao lên, nhu cầu của những game thủ cũng thay đổi, vì chẳng ai muốn đầu tư một cỗ máy chơi game đắt tiền về chỉ để thưởng thức webgame cả.
Trong khi đó, việc thưởng thức game online nước ngoài lại có nhiều rào cản, từ đường truyền internet không ổn định cũng như rào cản ngôn ngữ đã khiến không ít game thủ Việt phải từ bỏ tựa game yêu thích.
Chính vì lý do đó, việc các NPH game trong nước buộc phải ngừng việc đầu tư mạnh cho những game online 2D theo kiểu chộp giật như trong quá khứ. Cách làm game online như thế này vừa không mang lại lợi ích lâu dài, lại vừa khiến cộng đồng game thủ quay lưng. Thay vào đó, những webgame 3D hay game client 3D đủ thể loại mới được các hãng game Việt mua bản quyền phát hành trong quý II cũng như nửa cuối năm 2014 như Đao Kiếm 2, War Thunder hay Quốc Chiến…
Rõ ràng, việc chuyển dịch từ những game rác sang những game online được cộng đồng quan tâm chú ý là một trong những tín hiệu đáng mừng của làng game Việt, thị trường đang có nhiều khởi sắc tính từ thời điểm đầu năm 2014 tới nay.