Tuy nhiên bên cạnh những điều đã làm được, những tựa game tạo ra dư luận tích cực, một vài NPH Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần thay đổi trước thềm năm 2014 này.
Bỏ quảng bá game theo kiểu 18+
Có thể thấy là trong năm 2012 vừa qua, phong trào đại sứ đã quay trở lại
làng game Việt. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hầu như vai trò của các đại sứ này đều khá mờ nhạt khi gần như chỉ thực hiện một vài bộ cosplay "mát mắt", tạo ấn tượng ban đầu với người chơi rồi cũng... biến mất. Thậm chí, những bộ cosplay trang phục trong game còn bị
game thủ chê là quá màu mè, xấu và không đáng để xem.
Một điều đáng chú ý việc thực hiện quá nhiều bộ ảnh nóng cũng như những nhân vật đầy scandal để quảng bá cho game đã dần trở nên "bão hòa" khi đã có rất nhiều game online thực hiện điều này với mục đích PR, và game thủ cũng đã bắt đầu cảm thấy "nhạt" dần trước những bộ ảnh, bộ cosplay chẳng ăn nhập gì với game online nhưng cũng được đưa lên.
Có lẽ, thay vì tốn tiền để mời các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng hay thực hiện những bộ ảnh bikini nóng bỏng thì các NPH nên dùng khoản tiền đấy để chăm sóc cộng đồng, hay tập trung vào các nữ game thủ của chính MMO đó thì sẽ hay hơn nhiều.
Bên cạnh đó, hàng loạt những hình ảnh "nóng", có phần "đồi trụy" được đưa lên làm teaser quảng bá cho game nhan nhản trên các diễn đàn, Website phim online... cũng khiến cho bộ mặt của làng game Việt ngày càng xấu xí cũng như dễ khiến cho các cơ quan quản lý để mắt tới.
Bớt “dựa dẫm” bom tấn
Như đã nói ở trên, có lẽ vì quá tập trung vào việc thực hiện các bộ ảnh nóng để quảng bá cho game online mà các NPH đang dần lãng quên đi rằng một tựa game online muốn thành công thì ngoài PR, game online đó còn cần phải có "thực lực" với những điểm đặc sắc về gameplay lẫn đồ họa.
Một vấn đề khá rõ ràng là hiện nay, các game online mới phát hành đều chỉ giới thiệu một cách sơ qua về thể loại, gameplay hay tung ra những hình ảnh screenshot rồi đi vào hoạt động luôn. Trong khi đó, điều game thủ muốn biết và rất quan tâm rằng game online này đặc sắc, mới lạ so với các trò chơi khác ở điểm nào thì lại không được chú trọng hay đề cập tới.
Một khía cạnh khác cần đề cập tới là việc các NPH sử dụng những bom tấn để quảng bá cho tựa game không liên quan gì của họ. Những hoài nghi về “chiêu trò” của nhà phát hành còn khiến game thủ đưa đến kết luận, rằng nhái tên game nổi tiếng sẽ chỉ khiến cho game thủ quay lưng lại với tựa game một thời ăn khách. Đến khi đó, hiệu ứng gậy ông đập lưng ông sẽ hiện diện một cách vô cùng rõ ràng.
Tiến gần hơn đến với cộng đồng
Còn nhớ trong những năm trước, rất nhiều các hoạt động từ thiện được chính game thủ Việt cùng các NPH thực hiện. Hầu như nhiều NPH lớn đều tổ chức các hoạt động từ thiện có ý nghĩa thì sang đến năm vừa qua, hoạt động này có phần trầm lắng và không còn được quan tâm nhiều như trước.
Trên thực tế, việc các NPH tổ chức các hoạt động từ thiện sẽ giúp cho làng game Việt có được rất nhiều những cái nhìn thiện cảm, cũng như đánh giá ít khắt khe hơn từ phía xã hội, và rằng việc chơi game online không phải hình thức vô bổ như rất nhiều người lớn tuổi vẫn đang suy nghĩ như hiện nay.
Rõ ràng rằng các hoạt động từ thiện là một nét đẹp của làng game Việt, và có lẽ nó nên tiếp tục được duy trì và phát huy trong năm 2014 này.
Cạnh tranh lành mạnh hơn
Trong giai đoạn 2011-2012 vừa qua, khá nhiều NPH mới đã bắt đầu tiến đánh làng game Việt, và ngoài việc hàng loạt Webgame được đưa về nước thì một hệ quả dễ thấy nữa đó chính là việc các NPH Việt đang cạnh tranh nhau ngày một dữ dội hơn.
Điều này có thể thấy rằng ngoài việc có những luồng tư tưởng phản đối quá đáng, có phần quá khích với mục đích dìm hàng hay tự PR, ca ngợi một game online nào đó trên các diễn đàn hay trang tin game... thì thậm chí, nhiều NPH còn cạnh tranh lẫn nhau thông qua cả tên miền, hay đặc biệt là một số trường hợp game online bị đặt tên "trùng nhau" khi đưa về Việt Nam.
Không ít chiêu trò cạnh tranh giữa các NPH đã và đang khiến cho chính làng game Việt chịu hậu quả. Trong những bài viết trước đây mà GameK có đề cập, không ít những game online đang trên đường về với dải đất hình chữ S đã và đang được cùng lúc nhiều nhà phát hành đàm phán một cách độc lập với đơn vị sở hữu bản quyền phát hành tại nước sở tại.
Rõ ràng chiêu bài “dìm dập” đối thủ này của một số nhà phát hành game online Việt Nam lại dấy lên những lo ngại về những chiêu trò cạnh tranh mang tính lợi bất cập hại hiện nay.