Lần lượt, đại diện các nhà phát hành game online đã có cơ hội nêu lên ý kiến của họ. Trong khi mỗi nhà phát hành chọn một hướng tiếp cận vấn đề, nhưng nhìn chung, nguyện vọng của các NPH game online Việt Nam đều mong muốn một nghị định mới ra đời giúp việc quản lý những game online tại Việt Nam được hiệu quả hơn, thay thế cho Thông tư liên tịch 60 đã được ban hành vào năm 2006. Thêm vào đó, đại diện các NPH cũng mong muốn việc cấp phép cho game online sẽ được xem xét tiếp tục trở lại.
VNG: Cái nhìn tổng quan của ngành game
Đây có thể coi là chủ đề then chốt trong bài phát biểu của nhà phát hành
VNG. Rõ ràng, với một thị trường với tổng doanh thu hàng năm ước tính lên tới 6.000 tỉ, với
“tổng số lượng người chơi game trên tất cả các phương tiện ở Việt Nam là 20 triệu người”, đi kèm với số lượng
“40 công ty phát hành game, và 20 công ty phát triển game”, đại diện VNG đánh giá
“thị trường game Việt Nam, cũng như khả năng sản xuất và phát triển game Việt Nam có thể đứng số 1 Đông Nam Á”.
Bên cạnh đó, VNG còn nhận định, bên cạnh con số 6.000 tỉ Đồng doanh thu trực tiếp của cả làng game Việt, thì ngành game Việt Nam còn đem lại “doanh thu gián tiếp cho các bên như máy tính, internet, điện thoại di động đến cả công ăn việc làm cho những người nằm trong chuỗi cung cấp giá trị cho ngành game.” Thậm chí phần doanh thu gián tiếp này, theo VNG, là khoảng “gấp ba đến bốn lần doanh thu trực tiếp”.
Tuy nhiên khó khăn của làng game Việt cũng được VNG trình bày, đó là thay vì nhìn vào nhu cầu cũng như sự phát triển vô cùng nhanh và nóng của game, giống như bất kỳ loại hình công nghệ nào tại Việt Nam hiện nay, game lại đang bị phần đông xã hội phê phán và đánh giá không mấy tích cực.
Cộng với đó, các nhà phát hành game online tại Việt Nam cũng đang phải chịu đựng sự tấn công từ các nhà phát hành nước ngoài: “Bất kỳ nhà phát hành game online nước ngoài nào cũng có thể bán thẻ tại Việt Nam, không phải chịu một giới hạn nào cả”. Đó cũng là một thực trạng các NPH game Việt đang phải đối mặt khi bắt đầu xuất hiện những thay đổi trong chuỗi giá trị, vốn nảy sinh từ sự phát triển nhanh chóng của internet và các thiết bị di động.
Soha Game: Làm game là một ngành liên quan tới sự sáng tạo
Nếu như những thông tin về tổng quan của ngành game online Việt Nam đã được đại diện VNG đưa ra phân tích, thì đại diện nhà phát hành
Soha Game lại tập trung phân tích tầm quan trọng của sự sáng tạo trong việc làm game tại nước ta quan trọng ra sao. Theo nhà phát hành này, để có thể tồn tại trong làng game, bất kỳ nhà phát hành cũng như nhà phát triển game nào cũng phải tập trung rất nhiều vào sự sáng tạo:
“Trong mỗi trò chơi, yếu tố văn hóa được xuất hiện rất nhiều. Ví dụ âm nhạc, hình ảnh, lịch sử đều là văn hóa. Một người làm ra một tựa game cực kỳ hấp dẫn phải là người cực kỳ sáng tạo. (…) Ở một số nước, những công ty kinh doanh game online được nước chủ quản coi là công ty công nghệ cao. Việc làm game cũng cần sử dụng hàng chục nghìn hệ thống máy chủ, cũng như phần mềm để phân tích, tính toán dữ liệu, sáng tạo những cái mới. Vì vậy làm game là một ngành đầy thách thức và sáng tạo.”
Cộng với đó, đại diện của Soha Game cũng bày tỏ nguyện vọng đưa lịch sử, văn hóa Việt Nam vào game như một công cụ tuyên truyền, giáo dục giới thanh thiếu niên hiện tại.
FPT Online: Giai đoạn khó khăn
Quả thật, giai đoạn hai năm rưỡi trở lại đây,
FPT Online “đã và đang rơi vào khủng hoảng, tăng trưởng âm liên tục.” Sở dĩ có thực trạng này là do tình trạng game lậu đã và đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Việt Nam, cũng như sức ép từ những nhà phát hành game online từ nước ngoài đang tấn công thị trường game Việt. Khi
“những chi phí vận hành tăng, chất xám bị chảy máu hoàn toàn”, FPT Online đã rơi vào tình trạng
“mất hoàn toàn đội ngũ cán bộ đã nuôi dưỡng thậm chí hàng chục năm nay.”
Quả thật, khó khăn của FPT Online không phải là khó khăn riêng của doanh nghiệp. Như đã được đại diện của VNG trình bày, sức ép cạnh tranh, cái nhìn thiếu tích cực từ cộng đồng, cũng như sự thiếu đoàn kết của cộng đồng nhà phát hành game Việt Nam, không ít những doanh nghiệp game online trong nước đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
VTC Game: Game là một khía cạnh xã hội
Cũng trong khuôn khổ cuộc hội thảo, đại diện nhà phát hành VTC Game đã có những chia sẻ về game online, coi game là một khía cạnh của xã hội, khi tâm lý, hành động của con người cũng được áp dụng vào game.
Các NPH Việt mong muốn điều gì?
Tổng kết lại, thông qua những chia sẻ, tâm sự của đại diện các nhà phát hành game online Việt Nam, những kiến nghị của các doanh nghiệp game Việt đã được trình bày. Trong đó, các NPH muốn biến game online trở thành một hoạt động lành mạnh, phát triển một cách bền vững để có thể đáp ứng nhu cầu giải trí của hơn 20 triệu người dân Việt Nam, và trong tương lai có thể còn nhiều hơn nữa.
Kế đến, thay vì quanh quẩn đi mua game, nhập khẩu game, các doanh nghiệp game Việt sẽ từ từ tiến tới việc tự sản xuất, thậm chí là đưa tựa game của họ vươn ra thế giới, cũng như. Đi kèm với đó, dĩ nhiên các nhà phát hành cũng muốn có những chế tài thích hợp để có thể hạn chế đến mức tối đa những hệ quả tiêu cực mà game có thể phát sinh, cũng như có những biện pháp bảo vệ thị trường nội địa trước sự tấn công của các doanh nghiệp nước ngoài.
Để làm được điều này, các đại gia làng game kiến nghị rằng các cơ quan chức năng nên xác định rõ hướng phát triển, cũng như khuyến khích phát triển để có thể định hướng cũng như kiểm soát được ngành game. Đi kèm với đó, trách nhiệm của mỗi nhà phát hành cũng vô cùng quan trọng khi phải có sự đoàn kết nhất định, cũng như giới hạn được những hành vi có thể gây tổn hại cho ngành game Việt Nam.