Ở phần trước, chúng ta đã có dịp lướt qua “thiên đường game online” Hàn Quốc. Phần tiếp theo này, hãy cùng nhìn vào thị trường lớn nhất thế giới – Trung Quốc với những cái được và chưa được, những biến chuyển lớn của một nền công nghiệp game phát triển cực nhanh nhưng cũng còn rất thiếu ổn định.
Trung Quốc – Gã khổng lồ “thiếu chất”
Nếu có dịp tổng hợp lại tất cả những game online đang có mặt tại thị trường Việt Nam thì những đại diện từ đất nước phương Bắc đông đúc nhất. Và nếu xem lại những game online nào đạt doanh thu nhiều nhất thì sản phẩm Trung Quốc cũng chiếm đa số. Điều đó cũng phần nào phản ánh đúng xu hướng phát triển của ngành công nghiệp game online Trung Quốc từ một thập kỉ nay: đánh vào thị hiếu của số đông và tầng lớp bình dân.
Nếu như game online của Hàn Quốc được xem như những món ăn hạng sang thì sản phẩm đến từ Trung Quốc lại được đánh giá là rẻ, hợp khẩu vị. Dĩ nhiên, với số lượng đầu game xuất xưởng mỗi năm lên đến hàng trăm, sự cạnh tranh cực lớn, giá cả giảm cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu, như lời MinhLH đã đánh giá: “Đồ Trung Quốc là đồ rẻ!”.
Nếu như người Hàn chăm chút mỗi game của họ như con cưng thì người Trung lại không hề như vậy. Họ sản xuất game đúng theo khuôn khổ: ra số lượng lớn, giá cả rẻ, tiêu thụ nhanh, dễ kiếm lời. Họ có những công cụ để làm game “cấp kỳ”, chỉ cần nửa năm là có thể cho ra một game. Họ không ngại vay mượn ý tưởng từ tất cả những game đỉnh cao khác, mà trong nhiều trường hợp, nói thẳng ra là làm nhái, là ăn cắp ý tưởng. Sau đó lại không ngại làm ra vô số scandal để tên tuổi game xuất hiện. Và như thế, Trung Quốc đã có một nền công nghiệp game “mắn đẻ” nhất thế giới.
Nếu như người Hàn làm game với bối cảnh giả tưởng, đậm chất tưởng tượng và thường mang màu sắc Tây Âu thì người Trung lại lấy chiều sâu văn hóa của chính nước mình ra làm bối cảnh. Chính điều này cũng khiến cho game Trung Quốc thường gần gũi, hợp khẩu vị của game thủ khu vực Đông Nam Á hơn. Tuy nhiên đây không phải là lý do chính khiến cho game Trung Quốc không mấy đắt khách ở phương Tây như game Hàn. Cái chính nằm ở vấn đề chất lượng.
Điều đáng lưu ý là chính sách bảo vệ hàng nội tối đa của những người quản lý Trung Quốc. Vô số sản phẩm ăn theo và thậm chí là nhái trắng trợn game của nước ngoài nhưng vẫn đường hoàng ra mắt nhờ sự cho phép của các cơ quan quản lý. Có thể nhìn thấy trường hợp điển hình như Cabal 2 hay Kiếm Tiên 2, dù là hàng nhái rất rõ ràng nhưng không vướng phải rắc rối kiện tụng nào dù cho các doanh nghiệp bị làm nhái vô cùng ấm ức.
Hàng nhái vẫn cứ sống trơ trơ.
Có thể nói, thị trường game online Trung Quốc là một thế giới riêng mà các doanh nghiệp nước ngoài dù rất thèm muốn nhưng mỗi lần xâm nhập đều chuốc lấy thất bại. Có thể thấy trường hợp của World of Warcraft là một ví dụ điển hình. Dù là game online số một thế giới nhưng bước vào thị trường một tỉ dân thì bị trù dập đến mức không ngóc đầu dậy nổi. Chính bởi sự “cưng chiều” quá mức của các cấp quản lý mà hàng nội đã có dịp “trăm hoa đua nở” một cách không kiểm soát.
Ra game siêu nhanh, điều đó cũng có nghĩa là chất lượng của chúng không thể cao bằng những game được đầu tư kĩ càng khác. Nói trắng ra, gamer chơi game của họ được gói gọn trong mấy chữ: cày, auto, nạp thẻ. Với đặc trưng đó, game Trung Quốc thường dễ chơi, dễ làm quen, nhưng lại thiếu hẳn chiều sâu. Chỉ trong vài tháng, thậm chí vài tuần, game thủ đã chinh phục được những mốc cao nhất của game, và ngay lập tức sinh tâm lý chán.
Nói như thế không có nghĩa là game của Trung Quốc không hay, không có sự sáng tạo. Có những game xuất xứ từ Trung Quốc có thể tồn tại rất lâu mà vẫn còn thu hút gamer. Võ Lâm Truyền Kỳ của VNG là một ví dụ. Được xây dựng từ thế giới võ hiệp Kim Dung hấp dẫn, game thu hút người chơi bởi chiều sâu từ hệ thống ngũ hành tương sinh tương khắc, những trận chiến Tống Kim hoành tráng. Nhưng những game như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó với chính công thức đã tạo ra sự hấp dẫn của những game trên, các doanh nghiệp Trung Quốc đã ngay lập tức thay vào một lớp vỏ khác để “đẻ” ra hàng loạt game tương tự.
Bởi thế mà ngành game Trung Quốc đã tạo ra một thị trường mà “game thì nhiều, nhưng chất chẳng bao nhiêu”. Nói thẳng ra, dù vị thế là một gã khổng lồ, nhưng nếu nói về chất lượng, sự sáng tạo, thị trường game Trung chỉ là một “tên tí nị” không hơn không kém.
Nhắc đến Chinajoy, người ta nhớ ngay đến mỹ nữ.
Dù cho thời gian gần đây, Trung Quốc đã xuất hiện ngày càng nhiều những tựa game hấp dẫn với đồ họa long lanh như Cửu Âm Chân Kinh, Tiếu Ngạo Giang Hồ…nhưng chừng đó là chưa thể đủ để làm nên tên tuổi của một trong những cái nôi làm game hàng đầu thế giới.
Bởi thế mà nhắc đến Tokyo Gameshow hay G-Star, người ta chờ đợi những tin tức game nóng hổi, nhưng còn với Chinajoy, người ta lại thường nhớ tới những scandal, tới sự đông đúc và sexy của đội ngũ chân dài nhiều hơn. Và mỗi khi có tin một game Trung nào đó sắp về nước, trên các diễn đàn lại xuất hiện ngay một lời phán rất gọn và đầy đủ ý nghĩa: “Hàng Khựa!”