Bộ mặt thật của game online Hàn và Trung Quốc (Phần 1)

Vĩnh Hậu  | 11/02/2011 0:00 AM

Hãy cùng lướt qua 2 cái nôi sản xuất game online lớn của Châu Á để nhìn thấy sự khác nhau giữa 2 quốc gia này.

Hàn Quốc, Trung Quốc, hai xứ sở game online gần gũi nhất với gamer Việt và cũng là những lò sản xuất game lớn của thế giới. Hai đất nước rất gần gũi, nhưng lại có sự cách biệt quá lớn với thị trường game nước nhà, và cũng rất khác biệt so với nhau. Sự khác biệt này thể hiện qua rất nhiều yếu tố. Đầu năm mới, hãy cùng mạn đàm về những cái nôi lớn của game online này, trước tiên là Hàn Quốc.
 
Hàn Quốc – Đế chế game online
 
Tôi còn nhớ đâu khoảng 10 năm trước, khi xem một bộ phim tâm lý xã hội của Hàn Quốc, nhìn thấy các nhân vật chính làm việc trong một xưởng sản xuất game, tôi chợt nghĩ: “Dân Hàn Quốc mà làm gì biết làm game? Đúng là phim ảnh!”. Trong tâm trí lúc đó, chỉ có nước Nhật là đế chế số một về game, còn tất cả nước khác chỉ là số không tròn trĩnh.
 
Thế nhưng sau này, khi đã hiểu biết hơn, tôi mới hiểu rằng, nên công nghiệp game của Hàn Quốc chẳng những có thể sánh ngang với Nhật Bản mà còn là một trong những nền công nghiệp game hàng đầu trên thế giới.
 

Hàn Quốc luôn là con rồng châu Á trong lĩnh vực game online.
 
Nếu như Nhật Bản nổi danh bởi các game offline giành cho console thì Hàn Quốc lại là thiên đường giành cho game online. Ngành dịch vụ này thực sự hái ra tiền với 70% dân số chơi game. Điều đó đã làm nên một thế giới riêng giành cho game mà không có sự kì thị hay cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội.
 
Nhận biết được sự lôi cuốn cực lớn của dòng game nhập vai trực tuyến, một thị trường béo bở, các doanh nghiệp sản xuất game xứ Hàn đã không ngần ngại đổ tiền vào từ rất sớm. Chính điều này khiến cho game online Hàn Quốc thường đi trước những nước khác nhiều năm. Họ sáng tạo ra những chuẩn mực mới, những tính năng mới qua mỗi game ra đời. Điều đó gầy dựng nên tiếng tăm cho họ, và cũng thu về cho họ bộn tiền.
 

G-Star là minh chứng cho sự lớn mạnh của ngành công nghiệp game xứ nhân sâm.
 
Hầu như các doanh nghiệp kinh doanh game đất Hàn thường là những nhà sản xuất kiêm phát hành game. Việc thâu tóm hẳn từ A đến Z giúp họ có thể quản lý game tốt hơn, nhận biết những ưu khuyết điểm ngay khi game vừa ra mắt để hoàn thiện game. Nếu như ở Việt Nam, khi phát hiện ra một lỗi nào đó trong kết cấu game, các NPH phải gửi báo cáo qua phía đơn vị sản xuất để nhờ sửa chữa thì với những doanh nghiệp game Hàn Quốc, việc đó lại dễ dàng trong tầm tay, có thể làm xong một sớm một chiều.
 
Cách mà xã hội Hàn Quốc đón nhận game online cũng hoàn toàn cởi mở. Họ hiểu rằng đó là những mối lợi cực lớn, giúp họ phát triển kinh tế xã hội, chính vì thế mà việc chơi game ở xứ kim chi không phải là chuyện gì quá bê tha, đáng lên án. Khởi đầu từ rất sớm, họ đã có những luật lệ để quản lý thị trường game, quản lý cộng đồng gamer.
 

Lineage, thương hiệu cho chất lượng game Hàn.
 
Không hề có sự lộn xộn mang tính tự phát, hay những bất cập trong khâu quản lý. Bởi nhìn game ở một cái nhìn toàn cảnh và trực diện, Hàn Quốc nắm vững những cái lợi và hại của game trực tuyến. Điều đó giúp họ làm được nhiều điều để chấn hưng thị trường, cũng như giữ vững vị thế dẫn đầu trong việc sản xuất và kinh doanh game.
 
Nếu như ở Việt Nam, bóng đá được quan tâm đầu tư như thế nào thì ở Hàn Quốc, game online có vị thế y như thế. Hàn Quốc có cả những kênh truyền hình giành riêng cho game, tường thuật trực tiếp những trận thi tài trên game một cách chuyên nghiệp. Có những đội tuyển game online và eSport được đầu tư chẳng khác gì một đội bóng đá để đem đi thi thố.


MU có thể coi như một "World of WarCraft của Châu Á".
 
Chính bởi sự đầu tư lớn và trọng điểm ngay từ đầu, nền công nghiệp game online của xứ kim chi luôn dẫn đầu thế giới. Họ có trong tay những game hàng đầu, được đánh giá rất cao trên toàn thế giới về đồ họa cũng như gameplay. Chẳng hạn như MU, một MMORPG ra đời cả thập kỉ rồi, nhưng sức nóng chưa bao giờ mất đi.
 
Tinh hoa được đầu tư kĩ lưỡng trong một game đã giúp cho MU luôn được biết đến như một trong những tượng đài game online của thế giới. Dẫu sau này World of Warcraft đã thế chỗ của MU để thống trị làng game, nhưng cái bóng của MU luôn còn đó, tồn tại trong cả những game online được sản xuất sau này.
 
Đứng ở vị thế của một ông trùm làng game, các studio game Hàn luôn cố gắng tập trung xây dựng nên những game thực sự hay, hấp dẫn và lôi cuốn. Họ áp dụng những công nghệ mới để làm nên bộ mặt bóng bẩy cho game, không quên đầu tư sáng tạo nên những chuẩn mực mới, đột phá hơn. Chính nhờ sự đầu tư nghiêm túc, Hàn Quốc đã tạo nên những Aion, Tera, Blade & Soul, Vindictus… đình đám hiện nay.
 

Blade & Soul, MMO mà ngay cả phương Tây cũng phải ngước nhìn Hàn Quốc.
 
Bằng một cái nhìn trực diện, sự đầu tư nghiêm túc cùng chính sách đúng đắn, nền công nghiệp game online của đất nước Hàn Quốc đã làm nên tên tuổi của chính mình. Họ đã làm game, đã kiếm lời vô số kể, nhưng cùng với đó là những đóng góp không hề nhỏ cho thị trường game online toàn thế giới. Nếu nói về những con boss trong làng game, Hàn Quốc thực sự là một con boss cực khủng, một con rồng Châu Á hùng mạnh mà sự thống trị dẫu cho liên tục bị đe dọa, vẫn luôn rất vững vàng.
 
(Còn nữa)