Bên trong trại điều trị "nghiện game" của người Hàn Quốc

zhimzhim  - Theo Trí Thức Trẻ | 26/10/2015 05:35 PM

Hãy cùng chúng tôi thâm nhập phòng khám đặc biệt dành cho những người nghiện game ở Hàn Quốc

Thực trạng nhức nhối

"Hiện nay có một tỷ lệ không nhỏ các thanh thiếu niên bỏ học và ngày ngày có mặt tại các quán net hàng giờ liền vì nghiện game nhưng họ không nhận được bất kì sự quan tâm nào từ cộng đồng, điều này có thể trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng cho toàn xã hội trong tương lai", Jung-Hye Kwon - một Giáo sư tâm lý học tại Đại học Hàn Quốc cho hay.

Trên toàn cầu, nghiện internet hay các hình thức khác được gọi chung là sự ám ảnh kỹ thuật số đã và đang trở thành một mối quan tâm cấp bách. Theo một nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông ước tính có đến 6% dân số trên toàn thế giới nghiện web. Ở Hàn Quốc, hiện tượng học sinh sinh viên “mê game” là hiện tượng khá phổ biến. Bên trong vô số các phòng máy tính trên khắp cả nước, thanh niên Hàn Quốc đốt hàng giờ liền vào việc cày các game trực tuyến như World of Warcraft hay League of Legends. Nhưng trong số đấy, chỉ có một cơ số người may mắn được chọn vào các đội tuyển game thủ chuyên nghiệp và có khả năng kiếm được hàng triệu đô từ trò chơi trực tuyến.

Bước trên sân ga tàu điện ngầm ở Seoul, hiếm khi bạn bắt gặp ai đó ngước lên khỏi màn hình điện thoại, máy tính bảng của chính mình, 4 trên 5 thanh thiếu niên ở Hàn Quốc sở hữu smart phone - đây là một trong những nơi có tỷ lệ cao nhất thế giới. Và trong những người có smartphone, một con số không nhỏ đã trở thành tín đồ của game online. Theo Bộ Bình đẳng giới và gia đình: 14% thanh thiếu niên ở Nam Triều Tiên được cho là bị chứng nghiện internet hoặc điện thoại thông minh.

Liệu pháp Hora

Khi tiến sĩ Lee Tae Kyung bắt đầu phát triển chương trình mới điều trị cho những người lạm dụng công nghệ, ông muốn tìm một phương pháp tốt nhất cho những bệnh nhân của mình. Nếu những người nghiện rượu có quyển “The Big Book” để tự mình cai nghiện thì tại sao những người nghiện game hay điện thoại không có một hướng dẫn tương tự để tự mình cai nghiện?

Xuất phát từ ý tưởng này, trong một lần đến thư viện để tìm cảm hứng, ông đã tìm thấy “Momo” - một cuốn tiểu thuyết giả tưởng được viết vào những năm 1970 bởi tác giả người Đức Michael Ende. “Momo” mô tả một tương lai đen tối, trong đó các sinh vật huyền bí nham hiểm, được gọi là Người Xám, đã thuyết phục loài người từ bỏ giải trí và giao tiếp xã hội để tiết kiệm thời gian. Đối với một chuyên gia đã liên tục quan sát và theo dõi quá trình phát triển của hiện tượng nghiện internet trong nước, thì đây chính là phép ẩn dụ hoàn hảo cho dấu hiệu các phương tiện điện tử cướp mất phần lớn thời gian của con người.

"Khi chúng ta tham gia vào một trò chơi online, thời gian trong game là nhanh hơn so với thời gian thực. Game thủ không nhận thức được thời gian đang trôi qua trong thế giới thực. Do đó, lịch trình giấc ngủ của họ bị đảo lộn và thậm chí họ quên mình phải làm những gì vào ngày hôm sau” - Tiến sĩ Lee nói.

Ông đặt tên chương trình điều trị của mình theo tên một trong những nhân vật chính của cuốn sách ông đã đọc ở trường đại học, Master Hora - người quản trị thời gian đã giúp nhân vật chính Momo đánh bại Men in Grey (Người Xám).

Vấn đề gây tranh cãi

Lúc đó, xuất hiện một số câu hỏi về việc nghiện internet hoặc trò chơi máy tính có phải là một chứng nghiện hợp pháp không, cũng giống như với lạm dụng các chất gây nghiện hoặc cờ bạc. Nhưng các nhà nghiên cứu rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Mỹ, hay các nhà nghiên cứu ở các cơ sở khác đều không nghĩ rằng ý kiến này là đúng, họ không công nhận bất kỳ một rối loạn nào có triệu chứng như thế cả.

Tiến sĩ Lee trung lập giữa những tranh cãi, nhưng ông nhấn mạnh rằng nếu chúng ta tiếp tục coi vấn đề này là một vấn đề đạo đức đơn thuần thì sẽ không giải quyết triệt để được. "Chúng tôi nghĩ rằng bằng cách coi đây là một căn bệnh, chúng ta có thể tìm thấy một giải pháp cho điều này" ông nói.

Những áp dụng thực tế đầu tiên

Kim Sang-ho (24 tuổi) bị ám ảnh bởi những trò chơi trực tuyến trên máy tính, đặc biệt là StarcraftLeague of Legends. Việc nghiện game không chỉ khiến anh quên ăn, quên ngủ mà còn bắt đầu liên tiếp xung đột mâu thuẫn với chính gia đình. Ở trường đại học, kết quả học tập sụt giảm nhanh hết mức có thể, chỉ trong một học kỳ, anh ấy đã trượt tất cả các kỳ thi.

Kim tự nhận mình là một con nghiện. "Theo tôi biết về các triệu chứng cơ bản của chứng nghiện rượu thì có thể nói tôi là một trường hợp nghiện game”. Anh kể lại một buổi chơi game kéo dài đến 27 giờ của mình. "Tôi chỉ ngồi trong một phòng máy tính, chơi game và tôi chỉ đứng lên có hai lần để đi vệ sinh."

Tiếp tục câu chuyện của Kim, sau khi được bố mẹ thuyết phục, cuối cùng, anh đã đến phòng khám của tiến sĩ Lee để điều trị. Ở đó, anh đã trải qua các phương pháp điều trị mà tiến sĩ Lee đã đưa vào chương trình Hora, hay "Happy Off to Recovery Autonomy". Để trị tận gốc, Kim còn tham gia các nhóm tư vấn. Anh cũng phải giữ một lịch trình thường xuyên, như là thức dậy lúc 6:30 sáng và ngủ lúc10:30 mỗi ngày.

Trong một tháng, Kim bị bắt tránh xa tất cả các thiết bị điện tử. Vài tuần sau khi xuất viện, Kim vẫn chơi game nhưng bây giờ anh chỉ chơi không đến hai giờ một ngày. Anh đã thực sự thoát khỏi căn bệnh của chính mình. "Bây giờ, tôi có thể suy nghĩ rõ ràng. Tôi bắt đầu tập trung vào những thứ khác hơn. Và quan trọng nhất, tôi không còn cảm thấy thường xuyên mệt mỏi nữa."

Kim giải thích: "trước đây, chơi trò chơi máy tính bởi vì tôi không có động lực muốn đạt được những thứ khác". Nhưng giờ anh đã tìm thấy một mục tiêu cho chính cuộc sống của mình, một cái gì đó để làm ngoài việc dán mắt vào màn hình máy tính chinh phục các điểm số ảo. "Tôi muốn trở thành một bác sĩ”, Kim nói.

Niềm tin được khôi phục

Những người nghiện chơi game hầu hết là những người đàn ông trẻ tuổi, những thanh niên, họ cũng chính là một trong những mục tiêu chính trong chương trình của tiến sĩ Lee. Khi lóa mắt bởi những hình ảnh tuyệt đẹp trên màn hình, những người trẻ tuổi đang dần mất đi khả năng sáng tạo, hay cũng chính tương lai của họ.

"Chúng ta có thể nhận thấy những quyền lợi người nghiện game đã bị mất trong cuộc sống của mình. Họ vắng mặt ở trường, họ không có kế hoạch gì cho tương lai."

Và đây là lúc những quyển sách như Momo thực sự hữu ích, dưới hình thức trị liệu thông qua văn học. Lee phân công những bệnh nhân của mình đọc nhiều tiểu thuyết khác nhau, với hy vọng rằng việc đó sẽ truyền cảm hứng cho họ, để kích thích họ sử dụng trí tưởng tượng của mình.

"Bởi vì khi bạn đọc một cuốn sách, bạn xây dựng được những suy nghĩ riêng. Tôi muốn hiệu ứng đặc biệt này là cách điều trị cơ bản cho chương trình của mình”, tiến sĩ Lee chia sẻ.