Báo Mỹ: vì sao Flappy Bird mới chỉ là khởi đầu của làn sóng startup tại Việt Nam?

Rogue Knight  - Theo Trí Thức Trẻ | 28/07/2015 12:33 PM

Trang Cnet mới đây vừa xuất bản một loạt bài bàn về hoạt động của các startup, cũng như những hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam cho startup.

Trước khi bắt đầu chuyến đi dài 19 tiếng tới Việt Nam, tôi ghé qua Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ. Tôi hình dung đó sẽ là một cách làm giảm căng thẳng nhiệm vụ của mình - uống ít đồ uống ngon, trò chuyện với một số người biết về đất nước mà tôi sắp ghé thăm.

Tuy nhiên, mọi chuyện diễn ra ngược lại. Tôi đến một nơi trông có vẻ giống một cuộc họp bàn kinh doanh "nghiêm túc" của khoảng hơn 20 quan chức chính phủ Việt Nam trong bộ đồ com-lê đen, đại diện các startup Việt, và các nhà đầu tư cá nhân (angel investor) từ Thung lũng Silicon. Đồ uống duy nhất chỉ là một chai nước nhỏ.

Ban đầu, tôi không rõ mình sẽ vào đây để làm gì, tuy nhiên, không lâu sau đó tôi nhận ra rằng nhiệm vụ của mình là quan sát một phiên thảo luận, mà ở đó, các quan chức Việt Nam sẽ tham vấn các nhà đầu tư tư nhân tại Mỹ về cách thức hoạt động của startup ở quốc gia này. Mục đích cuối cùng là để Việt Nam làm được giống với Thung lũng Silicon: Tạo ra được những Facebook hay Dropbox tiếp theo.

"Tôi muốn mang văn hóa từ Thung lũng Silicon vào Việt Nam. Chúng tôi muốn mang một văn hóa khác, mang tư tưởng suy nghĩ và ước mơ độc lập tới Việt Nam" - Thach Le Anh, nữ doanh nhân được đào tạo tại Mỹ và là Giám đốc của Vietnam Silicon Valley (viết tắt: VSV), cho biết. VSV là một nhóm được chính phủ bảo trợ có nhiệm vụ tài trợ và cố vấn cho các startup.

VSV chỉ là một phần trong nỗ lực của của Việt Nam để chuyển đổi mình thành một quốc gia đổi mới. Việt Nam hiện đã là điểm đến của một số công ty điện tử tiêu dùng lớn nhất trên thế giới. Các công ty này đã thành lập nhà máy, đầu tư rất nhiều nguồn lực tại đây. Thế nhưng, quốc gia Đông Nam Á này vẫn muốn nhiều hơn thế. Thay vì chỉ dừng lại ở việc sản xuất TV và smartphone, chính phủ và doanh nghiệp Việt tham vọng tạo ra được những startup tỷ đô có thể thay đổi được cả thế giới, từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc gia đi lên "Chúng tôi đang bắt đầu dự án để thu hút đầu tư vào các startup cũng như các dự án kinh doanh ở Việt Nam" - ông Tran Van Tung, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam, cho biết. "Chúng tôi muốn phát triển một hệ sinh thái mà ở đó các nhà đầu tư nhận thấy những lợi ích to lớn, từ đó họ sẽ bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam".

Việt Nam có thể thành công, nếu họ tìm được con đường đi của riêng mình. Các quy định chặt chẽ và dễ gây hiểu nhầm ở quốc gia này đã làm hạn chế công ty trong nước; trong khi nạn tham nhũng vẫn còn tồn tại. Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam là rất hiếm, bởi các nhà đầu tư Việt Nam thà ném tiền tiết kiệm của họ vào bất động sản chứ không quan tâm đến startup. Ở Việt Nam cũng không có một hệ sinh thái tốt nhằm khuyến khích góp vốn và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Chính vì điều này mà rất ít công ty Việt Nam vươn tầm ra khỏi Đông Nam Á để trở thành tên tuổi lớn.

Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là Việt Nam không nỗ lực vươn lên.

Trong cả thập kỷ qua, Việt Nam đã mở rộng phát triển kinh tế để không còn chỉ phụ thuộc vào ngành dệt may và kinh doanh cafe truyền thống. Quốc gia này đang trở thành một tên tuổi lớn trong chuỗi cung ứng sản xuất đồ điện tử . Rất nhiều nhà sản xuất smartphone đang chọn Việt Nam làm nơi đặt dây chuyền lắp ráp. Các hãng công nghệ khổng lồ như Samsung trong những năm qua đã mở rộng hoạt động của mình tại đây. Chính phủ Việt Nam cũng đang tìm các giải pháp để đưa đất nước phát triển.

VSV là sáng kiến được thành lập ra từ nỗ lực này. Tổ chức này được chính phủ Việt Nam "chống lưng" từ giữa 2013. VSV có nhiệm vụ tài trợ vốn cho các doanh nghiệp để họ biến ý tưởng thành hiện thực, giúp doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh, và kết nối startup với khách hàng lẫn nhà đầu tư tiềm năng. Tổ chức này điều hành một chương trình, khóa học tăng tốc hoạt động như một "vườn ươm" giúp đỡ startup. Hè năm ngoái, chương trình này đã thu hút 9 startup tham gia, và những khóa học tương tự sẽ được tổ chức trong năm nay. 

Để học hỏi từ người Mỹ, VSV đã gửi 12 đại biểu từ Việt Nam sang, bao gồm cả Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, tham gia một chuyến tham quan học hỏi trong một tuần tại Vùng vịnh San Francisco và New York. Đại biểu sẽ nói chuyện với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn, lẫn các startup để bàn cách làm như thế nào để thu hút đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam, và chính phủ nên giữ vai trò gì trong việc góp vốn, giúp đỡ họ. Chuyến tham quan này giống như một cuộc khảo sát nhằm phục vụ cho một chuyến đi khác, lớn hơn, của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Sau khi cuộc hội thảo kéo dài gần 2 giờ ở San Francisco kết thúc, tôi được gặp gỡ Pham Hong Quat, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ. Khi được hỏi "Vì sao chính phủ Việt Nam lại quyết định hỗ trợ các startup", ông phản ứng lại câu hỏi một cách nhanh chóng, có lẽ bởi ông đã được hỏi câu đó quá nhiều lần.

"Thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay có những ước mơ và tham vọng lớn để trở thành những doanh nhân thành đạt, cũng như để kiếm tiền từ công nghệ. Họ không còn chỉ ước mơ trở thành nhân viên làm việc cho các doanh nghiệp lớn như trước đây, bởi vậy, tôi muốn hỗ trợ họ". - Ông Quat cho biết.

Mỗi người đều là một doanh nhân

Cuối cùng tôi cũng đặt chân tới Việt Nam. "Mọi người ở Việt Nam đều là một doanh nhân" - nhiều người nói với tôi như vậy trong thời gian tôi ghé thăm quốc gia này. Ngay cả Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cũng nói về tinh thần doanh nhân của người Việt cũng như sự "năng động" của người dân nơi đây.

Thach Le Anh, giám đốc Vietnam Silicon Valley, tại lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco, đang nói về nỗ lực của nhóm này trong việc phát triển startup ở Việt Nam.

Thach Le Anh, giám đốc Vietnam Silicon Valley, tại lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco, đang nói về nỗ lực của nhóm này trong việc phát triển startup ở Việt Nam.

Trong một vài năm qua, một làn sóng startup và doanh nhân mới đã nổi lên tại Việt Nam. Làn sóng này được gọi với cái tên "hiệu ứng Flappy Bird", trong đó Flappy Bird là tên của tựa game di động rất nổi tiếng hồi năm ngoái trước khi bị tác giả của nó - lập trình viên Nguyen Ha Dong - gỡ bỏ khỏi App Store vì cho rằng "quá gây nghiện". Ở thời điểm đỉnh cao, Dong có thu nhập 50.000 USD/ngày từ quảng cáo trong game - khoản tiền mà một người lao động bình thường ở Việt Nam phải mất khoảng 30 năm mới kiếm được. "Trong lịch sử của startup 10 năm qua không có một startup nào thành công hoành tráng và kỳ diệu như vậy" - Minh Do, biên tập viên của blog công nghệ Tech In Asia, một site tin tức theo dõi các startup Việt Nam, cho biết.

Các doanh nhân tôi gặp ở Việt Nam, hoặc ngưỡng mộ thành công của Đông, hoặc chế giễu ứng dụng của anh vì cho rằng nó tầm thường và "bất cứ ai cũng có thể làm được". Tuy nhiên, dẫu chê bai nhưng lúc nào họ cũng phải dành thời gian để nói về nó. Flappy Bird là điển hình của một sản phẩm đến từ Việt Nam có thể vươn tầm thế giới, và nó làm được điều đó một cách cực kỳ nhanh chóng.

Tuy nhiên, thành công của Flappy Bird cũng được đánh giá chỉ là ngoại lệ. Ngay cả khi các công ty Việt Nam khác tìm đến Mỹ để học hỏi, thành công cũng sẽ không sớm đến với họ. "Muốn thành công ở Việt Nam phải cần thời gian" Pham Hop Pho, Phó Chủ tịch IDG Ventures Vietnam và cũng là hãng đầu tư mạo hiểm đầu tiên tại quốc gia này, nhận định.

Sự khác biệt về đầu tư

Thế giới startup ở Mỹ là một mạng lưới phức tạp các hãng đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân, góp vốn cộng đồng, và các doanh nhân hợp lực làm việc cùng nhau (hoặc đối địch nhau) nhằm thu hút các nguồn tài trợ. Đây là điều mà Việt Nam không thể sánh được.

Khi IDG Ventures Vietnam bỏ 100 triệu USD đầu tư hồi năm 2004, người Việt Nam hầu như không biết đến khái niệm quỹ đầu tư mạo hiểm. "Chúng tôi phải dịch từ 'đầu tư mạo hiểm' sang tiếng Việt, bởi từ này trước đó không tồn tại ở Việt Nam. Rất nhiều người nghĩ rằng chúng tôi đi bán bảo hiểm" - Pho cho biết.

Các hãng đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam hiện nay tập trung chủ yếu vào việc góp vốn cho các startup ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, điều đó đặt ra thách thức cho các công ty khi họ phát triển lên và cần thêm tiền. Họ không có nhiều lựa chọn như ở các quốc gia phát triển. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do các nhà đầu tư khó tìm thấy một "lối thoát" thành công cho khoản vốn họ bỏ ra. Cho tới khi các khái niệm "bán cổ phiếu ra công chúng", hay "bị thâu tóm" phổ biến ở Việt Nam, nhà đầu tư không biết khi nào, hay thậm chí là liệu họ có thể thu hồi vốn hay không.

"Khi nào chúng tôi thu hồi được vốn, đó là câu hỏi cần được làm rõ" - Pho cho biết.

Để có thể "chạm được" vào đồng tiền đầu tư của các nhà đầu tư Mỹ sẽ là việc không hề dễ dàng cho các công ty không có mối liên hệ nào tại đây. "Nếu đầu tư vào một công ty Việt Nam vào thời điểm này, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi đã từng qua Việt Nam, nhưng tôi không biết bất kỳ thứ gì về startup tại đây" - Etienne Deffarges, Chủ tịch Harvard Business School Alumni Angels Association (Tạm dịch: Hiệp hội bảo trợ cựu sinh viên trường kinh doanh Harvard), cho biết trong một sự kiện của VSV ở San Francisco.

Nâng cao hình ảnh Việt Nam

Giúp các nhà đầu tư ở Mỹ biết đến Việt Nam là một trong những lý do chính của cuộc viếng thăm Mỹ mà VSV tổ chức. VSV đóng vai trò như một "người đảm bảo" cho các startup tham gia chương trình đào tạo của họ; với hy vọng rằng nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn trong việc rót vốn cho startup thay vì luôn có tâm lý ngần ngại như trước đây.

"Rất khó để tìm kiếm một nhà đầu tư và thuyết phục họ tin vào tầm nhìn của chúng tôi, sau đó bỏ một số vốn đầu tư vào dự án của mình" - Sarrie Bui, 26 tuổi, người đứng đầu một startup sẽ tham gia vào chương trình đào tạo sắp tới của VSV, cho biết. Trước khi tham gia khóa học của VSV hồi đầu năm nay, tất cả những gì Sarrie Bui có là ý tưởng về một trang thương mại điện tử giống Etsy - sàn thương mại điện tử chuyên đồ thủ công. Trang web của Sarrie Bui cũng cho phép kết nối những người thợ, các nghệ sỹ ở Đông Nam Á với người mua hàng trên khắp thế giới. Đến với VSV, cô sẽ được giúp đỡ để ra mắt website của mình: TheHandmark.com.

"Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực được chính phủ Việt Nam quan tâm hiện nay. VSV sẽ giúp đỡ "về mặt kiến thức, cũng như cách làm thế nào để hiện thực hóa các ý tưởng" - Sarrie Bui cho biết.

Tuy nhiên, liệu các nhà đầu tư Mỹ cảm thấy yên tâm hay lo lắng với sự tham gia của chính phủ Việt Nam hay không lại là một câu hỏi khác. Chỉ biết rằng hầu hết các đầu tư nước ngoài vào startup Việt Nam hiện nay đến từ các quốc gia châu Á như Nhật Bản.

Khi nói về sự tham gia của chính phủ vào startup, hiện có hai mô hình đáng chú ý. Mô hình thứ nhất là tại Mỹ, nơi chính phủ hầu như không nhúng tay vào; và thứ hai là ở Trung Quốc, nơi chính phủ trực tiếp hỗ trợ startup. Hồi đầu năm nay, Trung Quốc bỏ ra 6,5 tỷ USD lập quỹ đầu tư mạo hiểm để "hỗ trợ các startup mới thành lập ở các ngành công nghiệp đang nổi". Các quốc gia khác có sự "nhúng tay" của chính phủ vào startup hiện nay gồm Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước đều hiện đang có nền công nghệ bùng nổ.

Việt Nam được cho cũng đang chuẩn bị một quỹ đầu tư mạo hiểm riêng vào cuối năm nay, và VSV sẽ dành ít nhất 10.000 USD đầu tư cho mỗi thành viên trong chương trình đào tạo của mình. Chính phủ cũng tài trợ cho các vườn ươm doanh nghiệp. Nhìn chung về tổng thể hiện nay, chính phủ Việt Nam đang đi theo một mô hình "lai" - không hoàn toàn hỗ trợ startup như Trung Quốc, nhưng cũng không hoàn toàn mặc kệ như ở Mỹ.

Sự trợ giúp của chính phủ cũng là điều gì đó mà các doanh nhân trong nước thấy cần thiết. Trước khi tham gia vào chương trình tăng tốc của VSV, Nguyen Ngoc Tuan đã cố gắng tìm kiếm các nhà đầu tư khác cho trang web về tuyển dụng của mình. Tuy nhiên, anh không thành công do nhà đầu tư yêu cầu anh phải trình "kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, định giá công ty". Điều đó là rất khó đối với công ty còn non trẻ của anh.

Sarrie Bui, chủ của trang web TheHandmark.com (trái), và Nguyen Ngoc Tuan, tác giả của trang web về tuyển dụng Jobwise.com, đang nói về những sự giúp đỡ của VSV với startup của mình. 

Sarrie Bui, chủ của trang web TheHandmark.com (trái), và Nguyen Ngoc Tuan, tác giả của trang web về tuyển dụng Jobwise.com, đang nói về những sự giúp đỡ của VSV với startup của mình.

Tuan cuối cùng quyết định tham gia vào khóa tăng tốc 4 tháng của VSV ở Hà Nội hồi mùa hè năm ngoái để học cách vạch kế hoạch kinh doanh và quảng bá sản phẩm của mình. Ban đầu, anh đặt tên cho sản phẩm là Astro Telligent, tuy nhiên, sau đó đã đổi tên thành Jobwise.com. Website này cũng vừa ra mắt trong tháng 7/2015.

VSV đầu tư 13.000 USD vào công ty của Tuan (tương đương 10% cổ phần), tuy nhiên, Tuan phải hoàn lại 3.000 USD cho nhóm này để trả học phí cho khóa đào tạo 4 tháng. VSV cũng giúp Tuan kết nối với khách hàng lớn đầu tiên: Ngân hàng Quốc tế Việt Nam. Nhóm này cũng giúp anh thu hút 80.000 USD đầu tư giúp nâng giá trị công ty lên 800.000 USD.

"Vietnam Silicon Valley là một sự hỗ trợ tốt cho các startup" - anh nói.

Việt Nam đặt mục tiêu có 5.000 công ty công nghệ hoạt động vào năm 2020, và đó là một nhiệm vụ khó khăn. Tech in Asia dự đoán hiện có khoảng từ 1.000 đến 2.000 startup ở nước này, tuy nhiên, con số chính xác thì rất khó đánh giá.

"Việt Nam phải bơm thêm nhiều triệu USD vào lĩnh vực này mới có khả năng đạt được mục tiêu đề ra, nếu không, con số 5.000 sẽ chỉ là giấc mơ" - Do, một biên tập viên của Tech In Asia, nhận định.

Thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm với sự đầu tư của chính phủ có thể sẽ là một cách giúp startup phát triển; và đảm bảo chính phủ Việt Nam sẽ dành hàng triệu USD cho startup là một phần trong mục đích chuyến đi tới Mỹ của VSV. Nhóm này hy vọng sẽ thu về thêm được 3 triệu USD cho các khóa học của mình trong 5 năm tới. VSV cũng có các động thái để thúc giục chính phủ hỗ trợ thêm các vườn ươm công nghệ khác cũng như hàng loạt startup tại Việt Nam.

TechElite, một startup 3 năm tuổi và có CEO tốt nghiệp từ đại học Stanford năm 2012, là một trong số hiếm các công ty Việt Nam nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư cá nhân ở Thung lũng Silicon. Đây là một công ty về lập kế hoạch, tổ chức, quảng bá và bán vé trực tuyến các sự kiện.

TechElite tìm đến VSV khi họ cần thêm tiền để phát triển ý tưởng mới của mình: WorkDone, một phần mềm giúp các công ty quản lý nhân viên. Các nhà sáng lập đã tham gia chương trình đào tạo của VSV năm ngoái và thu hút được 300.000 USD đầu tư, đưa giá trị công ty lên 1,8 triệu USD.

"Với VSV, chúng tôi không phải lo làm thế nào để gặp gỡ các nhà đầu tư. VSV có thể giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc gặp mặt các nhà đầu tư tiềm năng" - Pham Kim Hung, CEO và là người có 5 năm hoạt động ở Thung lũng Silicon trước khi quay về Việt Nam để đồng sáng lập TechElite, cho hay.

(Theo ICTNews)

5 bài học ngài Iwata Satoru dạy chúng ta về ngành game