Chẳng riêng gì
làng game Việt, từ trước tới nay bản quyền game là một vấn đề không mới nhưng cũng chẳng bao giờ cũ không chỉ với ngành game mà còn là cả ngành giải trí nói chung. Từ những bộ phim, những cuốn sách, những bản nhạc, đến cả những sản phẩm giải trí tương tác đã và đang được truyền tay nhau một cách miễn phí, gây thất thu cho các hãng sản xuất.
Hãy thử nhìn qua những số liệu khô khan mà GameK thu thập được. Trong hai cuộc điều tra vào năm 2007 và 2011, Việt Nam chúng ta có tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền lần lượt là 85% và 81%, với tổng giá trị nội dung số vi phạm bản quyền ước tính lên đến 395 triệu USD.
Điều này có nghĩa là, xét một cách lạc quan thì cứ mỗi năm, tỷ lệ sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền nói chung, cũng như game nói riêng lại giảm… 1%. Con số chậm mà chắc.
Đó là điều đáng mừng, thế nhưng với con số 81% trong năm 2011, chúng ta có thể tạm hiểu 4 trong số 5 người sử dụng nội dung số tại Việt Nam như phần mềm, phim ảnh, v.v… vẫn đang đi dùng đồ… ăn cắp (cách nói nặng nề nhưng không hề sai).
Tình trạng chung là vậy, thế còn
game thủ Việt? Với cộng đồng game online cực kỳ đông đảo và lớn mạnh như hiện nay, vô hình chung số lượng những
game thủ gắn bó với những game PC hay console trở thành thiểu số. Mặc dù vậy số lượng những gamer này vẫn không hề ít ỏi một chút nào.
Vậy họ thưởng thức game bằng cách nào? Thời tôi còn hàng ngày đạp xe tới trường đi học, tôi đã biết tới những tựa game, biết ngóng chờ hàng tháng trời để mua một cuốn tạp chí game rồi nghiền ngẫm xem những tựa game nào đang hot, và cuối cùng là ra những hàng đĩa chạy dọc con phố Lê Thanh Nghị để mua đĩa về cài game.
Mãi về sau này, tôi mới nhận ra, hóa ra khoản tiền bỏ ra mua game đơn giản chỉ để trả cho những tiệm đĩa, nơi download miễn phí game trên mạng và ghi ra đĩa cho những con “gà mờ” như chúng tôi vào thời điểm đó mua về. Lúc đó, ý thức về bản quyền game mới bắt đầu hình thành.
Mọi chuyện cũng không khác khi tôi sở hữu cỗ máy PlayStation 2 lần đầu tiên trong đời. Những chiếc đĩa “đúc” với những hình ảnh đẹp đẽ hóa ra cũng chẳng khác gì những đĩa game trắng tinh, chỉ ghi tên game trên mặt đĩa.
Nhưng rồi gần đây, game bản quyền đã và đang tạo ra một làn sóng mới trong cộng đồng
game thủ Việt. Trào lưu này, may mắn thay, lại nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người. Đầu tư thực sự có, hùa theo và… mặc kệ thị trường cũng có, thế nhưng dù ít hay nhiều, việc game thủ chịu bỏ tiền thưởng thức các sản phẩm có bản quyền như
Diablo 3,
Battlefield 3 hay gần đây nhất là
Counter Strike: Global Offensive đã cho thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sẵn sàng đầu tư nếu game có chất lượng.
Giờ đây, khi game “offline” đã và đang dần thoái trào, khi mục chơi mạng đã và đang dần trỗi dậy và dần trở thành mảng chính tạo nên thành công của mỗi tựa game, việc sở hữu bản quyền game sẽ khiến người chơi thưởng thức được toàn bộ những tinh hoa của sản phẩm. Cũng đã có không ít người hy vọng rằng game thủ Việt sẽ khác đi. Mừng thay, chúng ta đã và đang thay đổi, thế nhưng với một tốc độ khá chậm chạp.
Chúng ta đã chịu "bỏ tiền"
Thế nhưng, thói quen của người Việt Nam từ rất nhiều năm nay, kể từ khi internet trở thành một trong những thứ không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người chính là việc mặc định rằng “Nội dung số thì miễn phí”.
Từ sách, âm nhạc, thậm chí đến cả game cũng cần phải miễn phí. Câu chuyện bản quyền đã khiến không ít lần làng game Việt dậy sóng, điển hình là câu chuyện của tựa game bắn súng 7554 khi xưa chẳng hạn.
Console cũng không có nhiều khác biệt. Khi Xbox 360 đã có thể chơi được đĩa crack, game thủ chẳng ngần ngại gì đầu tư một cỗ máy với những đĩa game có giá vài chục nghìn Đồng. Thế nhưng họ lại e ngại trước một PlayStation 3 khó nhằn, với tình trạng “nuôi đĩa khó hơn nuôi máy” khi giá game luôn ở trên trời.
Giờ đây khi PlayStation 3 đã bị khuất phục, cũng là lúc những cái tên mới như Xbox One, PlayStation 4 hay PS Vita chuẩn bị lên ngôi, điệp khúc muôn thuở của game thủ Việt lại được cất lên: “Khi nào hack được máy chơi game crack thì mới mua, không thì cứ từ từ” (!?)
"Hack được đã rồi tính!"
Về phần
game online, câu chuyện thu phí đã tốn biết bao giấy mực của các trang tin về game tại Việt Nam, và hầu hết chúng ta thì vẫn mong mỏi những game online đình đám, bom tấn sẽ được phát hành một cách miễn phí. Để rồi, khi
game online Việt Nam miễn phí thực sự, những lời phàn nàn về game mất cân bằng vì cash shop cũng xuất hiện theo.
Quả thật, sau một thời gian dài chung sống với crack, cũng như hiệu ứng của những tựa game online miễn phí, tâm lý chung về vấn đề bản quyền của game thủ Việt chúng ta mặc dù đã có những thay đổi, nhưng là thay đổi với tốc độ rất, rất chậm. Con đường để phần nào giảm thiểu game vi phạm bản quyền (chứ đừng nói đến chuyện xóa sổ hoàn toàn) vẫn còn xa, rất xa.