Nhiều người sẽ cảm thấy tự hào với cộng đồng game thủ Việt đông đảo với nhiều phong trào, tạo điều kiện để họ có thể đến gần với nhau hơn thay vì chỉ tương tác qua game, kênh chat và các công cụ xã hội hóa trên internet.
Thế nhưng, cũng chính cụm từ “game thủ Việt” trên đây mà nhiều người cảm thấy có phần xấu hổ. Vì sao? Đã không ít lần trên các kênh server game online nước ngoài, ban quản trị game đã buộc phải nói không với những người chơi đến từ Việt Nam (dĩ nhiên là cùng với game thủ một số quốc gia khác, mà đặc biệt hơn cả là Trung Quốc) vì nhiều lý do.
Vậy còn tại thị trường Việt Nam? Dĩ nhiên là các nhà phát hành game trong nước không có cái ‘gan’ để nói không với người chơi Việt, vì đó là thành phần chính mà dịch vụ của họ nhắm tới. Tuy nhiên không phải vì thế mà những góc tối của cộng đồng gamer Việt Nam không được phô bày. Trái lại, “ao nhà” mới chính là nơi những thói xấu của người chơi game online, những góc tối gây không ít khó chịu được phô bày một cách rõ ràng nhất.
Hãy bắt đầu bằng câu chuyện muôn thuở của làng game, vấn nạn hack. Chuyện người chơi sử dụng hack thì dĩ nhiên đâu cũng có, tuy nhiên có thể chắc chắn rằng không có xứ nào mà người chơi game online lại có tư tưởng tiếp tay cho hack như ở nước ta. Cộng đồng gamer trẻ tuổi, hầu hết chưa có suy nghĩ đủ chín chắn (thậm chí còn chưa đủ độ tuổi vào game) rất hay muốn tìm cách hack game, đơn giản chỉ để chứng tỏ bản thân và khoe khoang thành tích.
Lấy ví dụ một trận đấu, khi một game thủ phe bên kia sử dụng hack, cheat, đương nhiên những gamer ở đội còn lại sẽ phát điên vì sự không công bằng này, và tìm cách kick hacker kia ra. Vấn đề lại nảy sinh khi đội chơi có game thủ sử dụng hack, vì muốn có một trận thắng nhanh chóng, sẽ chẳng dại gì mà vote kick “con bò” đang cày giúp cả đội mình. Và từ đó, vấn đề thứ hai nảy sinh khi người chơi không giữ nổi bình tĩnh: Chửi bậy.
Việc văng tục, chửi bậy dường như đã trở thành một “nét văn hóa” không mấy đẹp đẽ trong cộng đồng game thủ. Nhiều người để thoải mái trong game đã không tiếc lời, sử dụng những từ ngữ nặng nề nhất để mạt sát đối thủ của mình với một phong cách rất… anh hùng bàn phím. Đó mới chỉ là một khía cạnh. Việc spam hoặc chat nhảm trên kênh chat thế giới cũng là một điều gây không ít game thủ khó chịu.
Thứ ba là tinh thần đồng đội trong game. Đặc biệt là ở những game có yếu tố PvP cao, không ít game thủ lại có tư tưởng thích solo để chứng tỏ bản thân. Hậu quả là không ít lần những người chơi này chính là nguyên nhân khiến cả đội chơi bị tụt hậu và bị đánh bại do không tuân thủ chiến thuật đã đề ra.
Cuối cùng là cái nhìn của một bộ phận game thủ Việt Nam về những tựa game online mới. Chưa cần tìm hiểu thông tin, họ có thể cất lời chê bai và quay lưng lại với tựa game mới được các nhà phát hành giới thiệu. Đáng buồn ở mỗi chỗ, việc chê bai này có tính phong trào và bầy đàn rất cao. Tính chất này của một số người chơi game online ở Việt Nam cũng được biểu hiện rất rõ rệt trong nhiều cuộc tranh cãi về game trên các diễn đàn hay trang tin. Nhiều người không có mấy liên quan, hoặc chưa rõ đầu cua tai nheo đã hoàn toàn có thể lên tiếng tham gia cuộc tranh cãi.
Tổng kết lại, đó là một vài trong số nhiều mặt tối của cộng đồng game online Việt Nam. Còn bạn? Bạn cảm thấy khó chịu nhất với người chơi game Việt Nam ở điểm nào? Hãy chia sẻ ý kiến cá nhân của bạn thông qua công cụ bình luận và bình chọn ở cuối bài viết.