"Hay hack", "spam nhảm", "xấu hổ", đó là những cụm từ vốn đã quen thuộc mỗi khi bàn về ý thức của một bộ phận không nhỏ game thủ game online tại Việt Nam. Điều đáng buồn là đối tượng đưa ra các nhận xét trên cũng lại chính là tín đồ thế giới ảo trong nước, đơn giản vì chính họ là những người phải hằng ngày sống với hack, cheat.
Chính gamer trong nước cũng thấy rõ sự tiêu cực trong ý thức.
Tuy nhiên, đã có ai đặt ra câu hỏi đơn giản rằng nếu được chăm sóc tốt về mặt tư tưởng, được hướng tới phong cách chơi lành mạnh thì game thủ Việt sẽ thế nào hay chưa? Liệu về bản chất chúng ta có thực sự thua kém các bạn bè khắp năm châu? Câu trả lời là không.
"Thả cỏ" quá lâu
8 năm sau khi game online gia nhập thị trường Việt Nam là chặng đường không quá dài, nhưng cũng chẳng ngắn ngủi gì. Chỉ với từng ấy thời gian, số lượng game thủ nước nhà đã tăng chóng mặt tới con số hàng triệu, góp phần đưa dải đất hình chữ S có mặt trong danh sách những quốc gia có nền công nghiệp MMO phát triển nhanh nhất thế giới.
Chỉ có bề ngoài phát triển, bên trong vẫn sơ khai.
Thế nhưng hai chữ "phát triển" ở đây dường như chỉ mang tính chất bề ngoài, tức là số lượng người chơi, số lượng NPH và doanh thu từ game, còn trên thực tế, ý thức của game thủ chẳng khác gì so với những năm 2004, 2005, nếu không muốn nói là còn thụt lùi đi. Tình trạng hack, bot, chửi tục diễn ra thường xuyên mà không thể ngăn chặn nổi.
Dĩ nhiên, không thể vơ đũa cả nắm rằng 10 người thì cả 10 đều phạm phải sai lầm như trên, nhưng với những vụ việc ban IP tại server nước ngoài (Cabal Elite, SA...), hay tình trạng hack vô tiền khoáng hậu trong Đột Kích và mới đây nhất là chuyện đi "xin" Trung Quốc crack 7554, chúng ta đã làm xấu đi hình ảnh mình quá nhiều.
Đứa con nào bị "thả cỏ" mà không dễ sa ngã?
Có thể dễ dàng bắt gặp các topic với nội dung lo lắng rằng GO trong nước bị ngừng trệ thì giới trẻ sẽ kéo sang MMO nước ngoài và gây nguy cơ không tốt cho cộng đồng Việt tại đây. Liệu có quốc gia nào trên thế giới xảy ra chuyện ngược đời, buồn cười mà cười không nổi như vậy hay chưa?Đó là trong game, còn bên ngoài xã hội, cộng đồng tín đồ ảo bị nhìn nhận không khác gì "con nghiện" cũng một phần do ý thức chơi game còn quá thấp.
Điều này cũng vì gamer Việt bị "thả cỏ" quá lâu, chính các NPH bất lực hoặc thờ ơ trước tình trạng hack, cheat nên hacker lộng hành. Các tổ chức nhằm chấn chỉnh ý thức người chơi chưa bao giờ được lập nên.
Nhưng nếu được chăm bón
Nhiều bất cập như vậy, nhưng đâu đó giữa làn sóng đen tối ấy vẫn lóe lên được những tia sáng và phần nào lấy lại "thể diện" cho người chơi nước nhà. Đó chính là kết quả từ các giải đấu quốc tế, hay những chương trình từ thiện đầy cao cả mà khó ai nghĩ được rằng chúng lại xuất phát từ game thủ.
Gặp vô vàn khó khăn, tuyển Tru Tiên VN vẫn giành ngôi Á Quân.
Đơn cử như năm 2010, tuyển Tru Tiên Việt Nam lần đầu tham gia giải đấu PK Quốc tế với 9 quốc gia (bao gồm cả các đất nước có nền GO tiên tiến như Nhật, Hàn, Mỹ...). Mặc dù tình trạng game trong nước trở nên ảm đạm và bị nhiều người coi như một MMORPG "chết" với gần 10 tháng không update, lượng người chơi giảm xuống thê thảm nhưng cộng đồng còn sót lại vẫn đầy tài năng và nhiệt huyết.
Gặp khó khăn ngay từ đầu khi không có điều kiện sang nước bạn thi đấu, đội hình tập hợp còn chắp vá và thời gian huấn luyện ngắn, đó là chưa kể tới sự đối xử có phần thiếu công bằng, tuyển Tru Tiên VN vẫn đánh bại được hàng loạt quốc gia để vào tới trận chung kết. Năm 2011, Tru Tiên Việt Nam tiếp tục giành hạng 3 bất chấp tình hình cộng đồng trong nước còn "rối như tơ vò".
Hành trang chỉ có lá cờ tổ quốc, tuyển SRVN vẫn khiến người nước ngoài phải khâm phục.
Lùi về quá khứ một chút, năm 2009, tuyển CĐTL Việt Nam gồm 2 thành viên còn chưa có bất cứ kinh nghiệm gì khi thi đấu quốc tế, bỡ ngỡ nơi đất khách quê người và gần như không có cổ động viên tại nước bạn. Hành trang chỉ có lá cờ đỏ sao vàng, thế nhưng họ vẫn giành giải nhì Silkroad Tournament thế giới. Lúc bấy giờ, cả BTC giải cũng phải bàng hoàng khi chúng ta hạ gục Ai Cập và Brazil, hai đội hạt giống, trước đó họ chỉ coi Việt Nam như "kẻ lót đường".
Đó là chưa kể tới một số giải thưởng lớn không kém nữa, đó là khi tuyển Q9 Gaming đoạt hạng nhì Sudden Attack tại IESF 2009, hay tuyển FFOL 2 lên ngôi vương Đông Nam Á tại One Asia Cup 2009... Không vang danh như trên, thế nhưng "thế lực" của các guild, clan Việt Nam tại các server nước ngoài cũng chẳng phải chịu nước lép chút nào.
Mới đây, những chiến thắng của tuyển AoE Việt trước Trung Quốc mà đặc biệt là thần đồng Chim Sẻ Đi Nắng cho thấy chúng ta đủ khả năng sản sinh ra nhiều tài năng mang tầm cỡ quốc tế.
G-Club đang làm nên những điều kỳ diệu mà hiếm ai ngờ được.
Năm 2010 khi thị trường cực kỳ khó khăn, CLB game thủ "tự túc" mang tên
G-Club lại khiến người chứng kiến cảm thấy ấm lòng khi họ tự góp tiền tổ chức các hoạt động từ thiện mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía doanh nghiệp lớn. Nghĩa cử ấy quá đẹp mà có nói ra, chắc nhiều cá nhân vẫn nghĩ rằng 'bịa đặt".
Kể lể ra những thành tích cũ không phải là để khoe khoang, mà là để thấy được rằng dù thị trường trong nước còn nhiều bất cập, môi trường game thủ còn vô vàn điều đáng bàn nhưng chúng ta vẫn giành giải cao và khiến nước bạn phải bất ngờ. Vậy nếu được chăm sóc một cách kỹ càng thì mọi chuyện sẽ còn tốt đến đâu?
Chúng ta không xấu!
Rõ ràng, bản chất của gamer Việt không xấu và cũng chẳng yếu kém đến mức để thế giới ảo chi phối cuộc sống thực, chúng ta có khả năng thực sự và khả năng ấy đã được chứng minh chứ chẳng phải nói suông. Chỉ có điều cốt cách ấy bị "bám bụi" quá nhiều mà thôi.