Nhìn lại những gì đã diễn ra, kể cả một số chuyên gia đầu ngành CNTT nước nhà cũng phải thừa nhận, chính thế giới giải trí trực tuyến đã tạo nên sự thay đổi kỳ diệu và to lớn đối với ngành công nghiệp nội dung số. Mà VNG (tiền thân là VinaGame) là đơn vị đã có công góp sức làm nên thay đổi ấy một cách rõ nét với tựa game
Võ Lâm Truyền Kỳ (
VLTK) .
Từ một cộng đồng chơi game
Giới công nghệ tất nhiên không thể quên 02 mốc biến chuyển quan trọng của Internet Việt: 1998, nối cổng ra thế giới; 2003, dịch vụ ADSL khai phá nền tảng băng thông rộng. Tuy nhiên, với giới game online, thì mốc sự kiện nối kết phát triển làng game Việt lại hoàn toàn nằm ở thời điểm khác. Đó là tận đầu mùa hè năm 2005, công ty VinaGame thành lập, với tựa game
VLTK phát hành, lập tức gây sóng gió thị trường giải trí trực tuyến.
Các chuyên gia đầu ngành đều nhìn nhận, con đường game online Việt đương nhiên đã khơi mở ngay khi tín hiệu Intetnet vào Việt Nam. Thời điểm đó, những trò chơi có nối mạng LAN đã lẳng lặng đi vào máy tính của nhiều công ty tin học, được cài đặt lén lút lẫn công khai ở nhiều máy tính công sở. Nhiều kỹ sư CNTT trẻ, lúc ấy có thể chỉ được công nhận là người sửa máy tính, cài phần mềm, đã phải chấp nhận trò “gian lận” đêm đêm mở máy chơi game không dám cho ai hay. Những say mê ấy, đã khởi đầu nên cả một đế chế MU hoành tráng, chấn động lòng người từ những ngày tháng đầu tiên ADSL ra mắt.
Sự phát triển làng game bắt đầu từ 2005
Tuy nhiên, giới hạn của những trò chơi trên máy tính thời kỳ đầu, chính là không có được một dịch vụ hoàn hảo, chăm sóc tốt nhu cầu nối kết online của những người chơi game. Cũng có một số đơn vị làm game khởi đầu đã tính đến các phương án đấu nối cộng đồng, tiêu biểu như Asiasoft, CyberWorld. Nhưng vào thời điểm hoạt động đó, số lượng người chơi hạn chế đã khiến các doanh nghiệp này không dễ tính đến sức mạnh offline ngoại tuyến và kêu gọi online trực tuyến. Một số dự thảo quản lý cũng đưa ra trong giai đoạn này, giới hạn sự hoạt động công khai của cộng đồng game.
Xét một cách công khai, thì nhu cầu online để nối kết công việc, giao tiếp lúc ấy, gần như dựa vào kênh Yahoo là chính. Thậm chí không ít người còn nhầm lẫn tai hại là Yahoo thuần tính chất giao tiếp, còn game online là dịch vụ xấu, tiêu cực vì chỉ có chơi game, và chơi game.
Tất cả những băn khoăn trì níu ấy, chỉ thực sự phá vỡ với sự ra mắt VLTK của VinaGame. Với một cốt truyện dính liền văn hóa kiếm hiệp, cộng với sự khéo léo của nhà phát hành trong thay đổi tựa game từ Kiếm Võng xa lạ sang một chủ đề ấn tượng với giới trẻ chơi game, VLTK lập tức tạo nên sức sống mãnh liệt cho cả một cộng đồng chung sở thích.
Nếu trước đó, chỉ có những nhóm bạn chơi với nhau trong tiệm Internet, hay một vài đường kết nối cộng đồng qua các game tiêu biểu như MU, Khan Online…, thì VLTK lại đủ sức xây dựng nên những Đại hội võ lâm, tiến đến những mô hình chính thức như Hội quán võ lâm, với nhiều giải đấu được duy trì cho đến nay như những huyền sử về tấm lòng game thủ.
Giải đấu Thiên Hạ Đệ Nhất Bang của VLTK
Ảnh hưởng từ VLTK đã lan tỏa nhanh trong cộng đồng game thủ những năm sau khá rõ nét. Những khái niệm họp offline, tổ chức bang hội… dần trở nên gần gũi với tất cả người chơi game. Với những dịch vụ trò chơi mang lại một cách sâu sắc, như hệ thống nạp thẻ vào trò chơi, các giải đấu cộng đồng, các hoạt động trách nhiệm xã hội, công tác chăm sóc khách hàng…, VLTK thực sự đã tạo ra một cộng đồng online từ Nam chí Bắc, làm nên nền tảng cho thế giới nội dung số trong làng game Việt hôm nay.
Đến cả thế giới nối kết
Xem lại cả chặng đường đã đi ấy, không ít nhân tố từng góp sức tạo nên giá trị công ty VNG hôm nay bày tỏ, nếu trước khi vào VNG họ chỉ biết đến một trò chơi mê thích, thuần chất “đại ca tiểu muội”, thì khi bước ra ngoài, họ ngỡ ngàng nhận ra rất nhiều điều mới mẻ mà môi trường game trực tuyến đã huấn luyện cho họ, và rất là dị biệt, mới lạ với chính các hoạt động CNTT lúc đó.
Tối thiểu, VNG cùng VLTK đã đặt nền móng cho 04 nội dung quan trọng của nền công nghiệp giải trí trực tuyến Việt Nam.
Thứ nhất, khái niệm chơi game phải đóng phí, mua game trả bản quyền được triển khai ở VLTK qua hình thức P2P (pay to play) giai đoạn đầu, đến nay vẫn hoàn toàn có giá trị. Từ những chiếc thẻ tính phí giờ game, người ta dần liên lạc đến những nhu cầu khác như thẻ thanh toán trực tuyến cash shop trong game, cách tính phí các dịch vụ gia tăng về nội dung số như nhạc số, truyện số, và hướng đến vị trí thương mại điện tử, mua bán hàng trực tuyến đến nay.
Từ VLTK, nhiều dịch vụ nội dung số ra mắt
Thứ hai, nguồn nhân lực cho giải trí trực tuyến phải có tầm nhìn chuyên nghiệp cao độ, phải được đào tạo bài bản, chung sức giữa các nhà trường và doanh nghiệp phát hành sản phẩm. Đội ngũ những con người sáng lập VNG đang là những hạt giống chủ lực cho nhiều hoạt động giải trí số hiện nay tại Việt Nam là minh chứng.
Thứ ba, cộng đồng online là một cộng đồng thật và có sức mạnh rất lớn. Điều này đã đi từ câu chuyện VLTK có bao nhiêu người say mê cho đến việc VNG hôm nay mở rộng thành công mạng xã hội Zing, sản phẩm Zalo, thực sự là một câu chuyện đầu tư thống nhất có phát triển rất duy vật biện chứng.
Thứ tư, nguồn thu trong đầu tư giải trí trực tuyến không hề đơn giản và lẻ tẻ. Sự nỗ lực đầu tư ấy đã chứng minh suốt lịch sử VNG và VLTK là sản phẩm minh chứng nghiêm túc nhất. Với những đồng vốn ban đầu từ tựa game, VNG hôm nay đã mở rộng ra rất nhiều mảng hoạt động khác, nhắm đến mục tiêu xây dựng một môi trường Internet lành mạnh và thay đổi cuộc sống người Việt Nam. Tất cả những gì doanh nghiệp này đã làm được là thành quả lao động miệt mài và sáng tạo không ngừng nghỉ, với tinh thần một thời “bang chiến kiên cường, mỗi người một chiến công”.
Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt
Bởi thế, có thể nói không chút đắn đo rằng, nhiệt huyết xây dựng nên một nền công nghiệp nội dung số, một môi trường giải trí trực tuyến hiện nay trong giới trẻ Việt, thật sự đã được khởi đầu từ một sản phẩm thuần giải trí: VLTK. Bài học thành công của VNG với sản phẩm này, cho đến nay vẫn còn đầy đủ giá trị với cả cộng đồng online Việt Nam, và tiếp tục sẽ là kinh nghiệm để thế giới giải trí trực tuyến Việt Nam sẻ chia mà tiến tới.