Tính đến thời điểm bài viết được ra mắt các bạn độc giả, prize pool (tạm gọi là tổng giá trị giải thưởng) của giải đấu The International lần thứ 4 cho các team
DOTA 2 mạnh nhất thế giới đã chính thức vượt qua mốc 3,8 triệu USD, tương đương hơn 80 tỷ Đồng.
TI 2013
Tuy rằng thời gian đóng góp của cộng đồng game thủ vẫn còn tương đối dài, thế nhưng ở thời điểm này, TI4 đã chắc chắn là giải đấu thể thao điện tử với tổng giá trị giải thưởng dành cho các đội tham gia lớn nhất từ trước tới nay. Prize pool của TI4 năm nay đạt được mốc của TI3 chỉ sau chưa đầy 2 ngày thì "book" (sách - đi kèm là compendium tương tác) của giải đấu bắt đầu được bán ra. Điều này phần nào cho thấy sức hút quá lớn của giải đấu vô địch thế giới này.
Điều đáng nói ở đây là, prize pool gốc của mọi giải đấu The International đều chỉ được cố định ở mốc 1,6 triệu USD. Điều này có nghĩa là, chỉ trong vỏn vẹn vài ngày ngắn ngủi, cộng đồng hâm mộ DOTA 2 trên toàn thế giới đã kịp “góp gạo” vào giải thưởng danh giá này hơn 2,2 triệu USD. Nếu đem so sánh với 2,5 USD trích từ mỗi book bán ra được cộng vào prize pool, hẳn bạn cũng có thể tưởng tượng phần nào số lượng game thủ sở hữu compendium ở thời điểm này là quá lớn.
Thành công năm sau cao hơn năm trước (ít nhất là cho đến hiện tại) của giải đấu The International, giải đấu lớn nhất cho các game thủ DOTA 2 do chính nhà phát triển tựa game này, Valve, tổ chức đã quá rõ ràng. Tuy nhiên lý do khiến cho
game thủ tự nguyện đóng góp số tiền khổng lồ như vậy không chỉ đến từ sức hút của một tựa game như DOTA 2.
Bên cạnh chất lượng của một tựa game, thì một trong những điều quan trọng nhất khiến cho cộng đồng game thủ hâm mộ DOTA 2 trở nên cực kỳ đông đảo chính là khâu chăm sóc khách hàng của Valve. Cùng với đó là sự gắn kết của cộng đồng game thủ hâm mộ MOBA đình đám này.
Chính vì lẽ đó, ngay khi book đầu tiên được bán ra, không ai bảo ai, rất nhiều game thủ hâm mộ DOTA 2 cùng lúc ủng hộ cho sự kiện này. Điều này cũng cho thấy phần nào ý thức của cộng đồng game thủ nước ngoài, cũng như một phần cộng đồng game thủ Việt, những người hâm mộ DOTA 2. Họ vừa muốn ủng hộ, lại vừa muốn thỏa mãn cho niềm vui của chính bản thân mình, với tựa game họ yêu thích.
Trong khi đó, một phần lớn game thủ Việt khác lại cho thấy bộ mặt đáng buồn của làng game trong nước. Ngay cả khi CD key của tựa game bắn súng đầu tiên do người Việt phát triển là 7554 được phát miễn phí, vẫn chẳng thiếu game thủ lên tiếng: “Game này thì crack còn hơn”.
Rõ ràng, trong một cộng đồng game thủ chưa có đủ tính gắn kết như
làng game Việt, thì những hướng đi đúng đắn và đáng trân trọng, ví dụ như việc bán vé giải đấu DOTA 2 đầu tiên dành cho người Việt mang tên D2VCL, từ đó góp phần gia tăng giải thưởng, khích lệ, động viên các game thủ chuyên nghiệp sẽ còn mất một khoảng thời gian nữa để có thể tạo ra những bước thay đổi trong một cộng đồng có quá nhiều cá nhân “thích ăn sẵn” và ngại bỏ tiền.