Thời gian luôn là thứ vô cùng khắc nghiệt. Đối với làng game Việt cũng vậy, năm 2013 của chúng ta đã trôi qua được gần một nửa. Trong những tháng đầu năm, chúng ta đã được chứng kiến một
làng game Việt có những thay đổi, cả theo nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.
Có lẽ câu chuyện làng game Việt được gì, mất gì trong nửa đầu năm 2013 này có lẽ sẽ được gác lại vào một ngày khác. Trong khi đó, hãy cùng chúng tôi điểm qua 5 trong số những việc các nhà phát hành game online trong nước cần làm trong giai đoạn nửa cuối năm nay:
Kiểm duyệt chặt chẽ nội dung game Trung Quốc
Một trong những thị trường game mà các nhà phát hành Việt Nam luôn có xu hướng tiếp cận để mua game về nước không đâu xa chính là thị trường láng giềng Trung Quốc. Với số lượng game mà các nhà phát triển Trung Quốc cho ra mắt hàng năm, có thể ví Trung Quốc như một “nhà máy chế biến” game online, với chất lượng từ thượng vàng đến hạ cám.
Tuy nhiên, nếu xét về một số vấn đề vẫn đang tồn tại và chưa có hướng giải quyết thấu đáo, thì việc mua game từ Trung Quốc cũng ẩn chứa không ít hiểm họa cho các nhà phát hành game Việt. Nếu không kiểm soát một cách chặt chẽ nội dung trong game của những MMO mua về, rất có thể nhà phát hành sẽ rơi vào tình trạng mà NPH tựa game
Chinh Đồ mới gặp phải cách đây không lâu.
Nếu điều này xảy ra, nó sẽ khiến cho thị trường game Việt Nam bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Thêm vào đó, niềm tin của game thủ đặt vào các nhà phát hành cũng dần dần đi xuống.
Đẩy mạnh việc tấn công thị trường game mobile
Nếu như game online trên PC đã và đang dần trở thành một miếng bánh có sự tham gia của nhiều nhà phát hành, thì thị phần
game online trên nền di động vẫn đang là một miền đất hứa bị không ít NPH bỏ ngỏ. Trong khi việc tìm kiếm lợi nhuận từ người chơi game online trên máy tính dang ngày một khó khăn, các nhà phát hành game Việt Nam cũng nên cân nhắc việc tìm hiểu và tấn công thị trường game online nền mobile.
Thứ nhất, mức giá vô cùng dễ chịu của các thiết bị di động đã khiến cho sự chuyển dịch từ dumb phone hay feature phone sang những thiết bị thông minh hơn trở nên vô cùng rõ ràng và dễ thấy. Tiếp theo đó là nền tảng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sử dụng smartphone hay tablet của người Việt đã và đang tăng dần về cả số lượng lẫn chất lượng.
Hai lý do trên đây khiến cho thị trường game mobile trở nên cực kỳ béo bở. Nói không ngoa, ở thời điểm hiện tại, NPH nào có động thái thâm nhập thị trường trước, bên đó chắc chắn sẽ có được thành công.
Tập trung mua những game tiềm năng đang phát triển
Không lâu trước đây, chúng tôi
đã đem tới cho các bạn độc giả bài viết về thực trạng
không ít nhà phát hành đã bị nẫng tay trên trong cuộc đua game online. Sau khi ký xong hợp đồng mua bán game với nhà phát triển, đang trong giai đoạn chuẩn bị phát hành thì một nhà phát hành tại Việt Nam đã giật mình nhận ra một đối thủ của họ đã kịp lấy được mã nguồn của chính tựa game đó về “xào nấu” lại và tung ra thị trường game.
Sự kiện hy hữu này lại càng dấy lên sự quan ngại của các NPH về việc những đơn vị kinh doanh game lậu (game private) hay đối thủ trên thị trường nẫng tay trên khi họ có được thông tin về tựa game NPH kia đang ngắm tới.
Một trong những giải pháp cho tình trạng này chính là việc các NPH tự mình sang các nhà phát triển nước ngoài, đánh giá khả năng thành công của chúng và mua bản quyền phát hành tại Việt Nam ngay từ khi game vẫn còn đang trong quá trình phát triển.
Từ bỏ cách quảng bá game theo kiểu 18+
Đây lại là vấn đề đã được chúng tôi đề cập trong một bài viết phản ánh. Kỳ thực càng ngày càng có nhiều NPH (chủ yếu là webgame) khai thác kiểu
quảng bá game đáng lên án như thế này. Nếu tình trạng này không suy giảm, các NPH vẫn cố gắng vin vào những hình ảnh mát mẻ để câu kéo người chơi, thì cả các nhà phát hành lẫn toàn bộ làng game Việt sẽ chịu ảnh hưởng.
Một mặt, chính những quảng cáo như thế này khiến người chơi mất đi lòng tin của mình vào game online, vào nhà phát hành. Họ nghĩ rằng một khi đã vào chơi game, lấy gì đảm bảo nhà phát hành và game master không “lừa” họ, giống như lúc họ bị ‘lừa’ vào game?
Mặt khác, cái hại rộng hơn, đó chính là cái nhìn của cộng đồng vào bộ mặt của game online Việt Nam. Chẳng lẽ những tựa game được đầu tư công phu, mua về với số tiền lên đến 10 con số mà lại phải sử dụng những chiêu trò như thế này để quảng bá? Chưa kể, cách làm như thế này của các nhà phát hành rất dễ khiến cho xã hội ngộ nhận về game online, khía cạnh vốn đã không có được sự quan tâm tích cực cần thiết.
Chủ động đẩy mạnh việc tự phát triển game
“Người Việt dùng hàng Việt”, câu nói đã quá nổi tiếng và quá quen thuộc đối với bất kỳ người Việt Nam nào. Bản thân game thủ Việt nào khi nói đến một tựa game made in Vietnam chắc chắn cũng sẽ cảm thấy tự hào xen lẫn hy vọng. Chơi game Việt là điều ai cũng muốn, thế nhưng nếu chất lượng game Việt Nam tự sản xuất quá thấp, e rằng niềm tin của game thủ cũng theo đó mà suy giảm.
Từ đó, các nhà phát hành cũng nên đẩy mạnh việc tự phát triển những tựa game online cho người Việt, thay vì lấy mã nguồn và thực hiện khâu Việt hóa như một tựa game tự xưng “thuần Việt” mới ra mắt gần đây. Việc tự phát triển game sẽ cần thời gian và công sức, điều này là chắc chắn. Nhưng nếu không ai làm, thì thứ nhất, mãi mãi chúng ta sẽ chỉ có thể chơi game nhập.
Thứ hai, nếu không dám dấn thân, thì chẳng biết tới bao giờ mảng phát triển game Việt mới bắt kịp được bước tiến của những nước láng giềng, chứ đừng nói đến những thị trường lớn như Bắc Mỹ hay Hàn Quốc.