4 trào lưu game online phát triển thần kỳ tại Việt Nam

Nghi Lâm  | 18/05/2011 0:00 AM

Hầu hết chúng đều đứng trước bờ vực tuyệt chủng cách đây không lâu, thế nhưng lại vùng dậy vô cùng mạnh mẽ giai đoạn đầu năm 2011.

Sau gần 1 thập kỷ tồn tại, làng game Việt đã trải qua rất nhiều trào lưu như Kiếm hiệp - Tiên hiệp, 2D - 2.5D, đại sứ game, cosplay... Hầu hết chúng đều chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian trước khi bị lấn át bởi xu thế mới hoặc ít nhất cũng mất dần uy thế, đó âu cũng là quy luật bình thường của mỗi xã hội hiện đại.
 
Từ đầu năm 2011 đến nay đã gần nửa năm, tuy quãng thời gian này không phải là nhiều với độ tuổi của thị trường MMO nước nhà, thế nhưng nó vẫn ghi nhận một số trào lưu tiến triển nhanh đến bất ngờ, bất chấp việc cách đây không lâu chúng còn bị "coi rẻ" hoặc gặp vô số khó khăn.
 
Tam Quốc Chí
 
Cốt truyện Tam Quốc có lẽ là loại cốt truyện được sử dụng nhiều nhất trong các game online cập bến Việt Nam xưa nay. Có lẽ vì thế mà số lượng các sản phẩm thất bại khi lấy đề tài này cũng không hề ít ỏi, chẳng thế mà người ta từng cho rằng "lời nguyền Tam Quốc" đang hoành hành tại dải đất hình chữ S.
 

Hàng loạt MMO Tam Quốc từng cúi đầu thất bại tại Việt Nam.
 
Hàng loạt các tựa game liên quan đến đề tài "Lưu - Quan - Trương" bị đóng cửa tại Việt Nam như: Tam Quốc Diễn Nghĩa (VC Game), Đại Chiến Xích Bích (NCS Media), Xích Bích online (VTCz-one), Tung Hoành Thiên Hạ (VNG), Linh Thạch (VDC-Net2E), Danh Tướng (Netgame Asia) đã phần nào cho thấy "lời nguyền"trên không phải là không có căn cứ.
 
Thế nhưng ngay trong tháng 05 này đã có tới 3 MMO lấy bối cảnh Tam Quốc cập bến Việt Nam. Trong số đó Tam Quốc Truyền Kỳ giành được thành công chớp nhoáng, đồng thời 2 đối thủ của nó là Vương Triều Chiến Thiên Hạ cũng tràn đầy hy vọng hút khách. Rõ ràng các NPH Việt đang dần bớt sợ "lời nguyền" cũ.


Thế nhưng những sản phẩm mới tương tự vẫn ào ạt tấn công.
 
Nhưng điều này cũng không có gì khó hiểu, nhìn vào danh sách các MMO bị "lời nguyền" ám quẻ phải đóng cửa thì 99% đều có chất lượng đồ họa hoặc gameplay không phù hợp với thị hiếu gamer Việt (ví dụ như Linh Thạch quá xấu còn Xích Bích thì cách điều khiển khó khăn...). Nói cách khác, thị trường MMO nội địa đã rút ra nhiều kinh nghiệm để khơi dậy xu hướng Tam Quốc đầy mạnh mẽ.
 
"Đồ cổ"
 
Hai chữ "đồ cổ" ở đây ám chỉ những tựa game với lối chơi đơn giản, điển hình và làm gợi nhớ lại những dòng sản phẩm kinh điển trên hệ máy thời thế kỷ trước (như NES, SNES). Trước đây với sự thất bại của Ghost Online, Tỷ Phú Online, Maple Story... xu hướng màn hình ngang như "4 nút" rơi vào trạng thái ảm đạm suốt năm 2010.
 

Thể loại màn hình ngang tưởng từng tuyệt chủng đã được nối tiếp với Dragonica và Elsword.
 
Thế nhưng chỉ cần một mình Dragonica, thể loại side-scrolling đã vươn lên cực kỳ nhanh trong thời gian gần đây. Lượng người chơi đông đảo với CCU lên tới 10.000 và hứa hẹn sẽ còn tăng thêm nữa, đó là chưa kể Elsword - MMORPG kiểu "cổ" tương tự sắp chào đời.
 
Không dừng lại ở đó, mới đây với việc webgame Bắn Xe Tăng sắp được phát hành (thuộc hệ thống banbe.net) thì xu hướng đồ cổ lại càng rõ ràng hơn. Dĩ nhiên cho tới lúc này khó nói trước được gì, nhưng khi hy vọng vào các MMORPG 3D đỉnh cao gần như tắt ngấm thì chắc chắn gamer Việt sẽ đổ xô vào chúng.
 

Bắn Xe Tăng - MMO đại diện cho xu thế "đồ cổ" sắp chào đời ngày 20/05.
 
Mobile-MMO
 
Gần như không có bất kỳ hy vọng tồn tại ở Việt Nam cho tới tận năm 2010, thế nhưng đầu 2011 khi tựa game Minh Châu ra đời thì xu hướng game online cho mobile bắt đầu nhen nhóm. Mới đây, theo một số nguồn tin thì nhiều NPH (cả nhỏ lẻ lẫn lớn) đang chuẩn bị mở các dự án tương tự nhằm tận dụng nền tảng di động ngày càng mạnh mẽ.
 
Xu hướng MMO mobile một phần do giá smart-phone ngày càng "hạt dẻ", hệ điều hành android dễ phát triển không kém gì iOS và lượng di động mới tung ra hàng loạt với đủ mọi thể loại. Giới trẻ lúc này bắt đầu có điều kiện tiếp xúc với smart-phone cấu hình mạnh, hệ thống mạng 3G phủ rộng rãi càng khiến họ dễ "online".
 

Minh Châu - MMO đang mở màn cho trào lưu mới tại VN.
 
Dĩ nhiên các MMORPG phức tạp sẽ khó phát triển được trên mobile, nhưng nếu tận dụng webgame hoặc các flash game kiểu facebook (như Nông trại vui vẻ) thì cơ hội cho chúng cao hơn nhiều.
 
Fansite
 
Như đã phân tích trong một bài viết trước, hiện tại Mạng xã hội đang là công cụ cực kỳ hữu hiệu để các NPH tranh thủ quảng bá MMO của mình. Nói rộng như vậy nhưng thực tế hình thức được áp dụng nhiều nhất vẫn là "fansite FaceBook", khởi đầu từ Thần Long Huyết Kiếm rồi tới Loong, Dragonica...


Fansite trở thành phao cứu sinh của các dự án mới.
 
Nếu cách đây 1 năm gamer còn phải chen chúc trên diễn đàn hoặc các website để giành giật giftcode thì nay họ có thêm một địa chỉ tin cậy nữa là fansite. Công việc phát code cũng khá đơn giản vì chỉ cần thông qua nhắn tin riêng trên FB chứ không cần "lằng nhằng" qua email. Ngoài ra phía BQT cũng không phải lo lắng khi đăng tin "nóng" vì trên danh nghĩa, tuyên bố trên fansite không có giá trị chính thức.
 
Như vậy từ chỗ suýt tuyệt chủng tại Việt Nam (vì truy cập khó khăn), càng ngày xu hướng sử dụng MXH trong giai đoạn quảng bá game mới càng trở nên quan trọng. Âu đó cũng là điều tất yếu khi không còn cách nào khác khả dĩ hơn để thu hút tín đồ ảo nước nhà.
 
Hãy cùng chờ xem trong nửa còn lại của năm 2011, sẽ có những trào lưu mới nào cập bến dải đất hình chữ S.