Đã là game thủ, ai cũng có lúc mất bình tĩnh, thiếu kiềm chế, hoặc không sáng suốt, phạm phải sai lầm. Mặc dù vậy, phần lớn thường cho rằng đây là điều không có gì phải nghĩ ngợi, bởi game chỉ để cho vui, giải trí, không nên quá đặt nặng vấn đề gì khi mắc phải sai lầm. Tuy nhiên, đôi khi, họ cũng rất tiếc nuối với những quyết định không sáng suốt của mình.
Sau đây là 4 sai lầm chết người không nên mắc phải của game thủ khi tham gia game online.
“Đập” đồ liên tục
Nâng cấp items (hay còn gọi dễ hiểu là “đập đồ”) là một chức năng mà game online nào cũng có. Bằng việc dùng nguyên liệu (thường là ngọc) “đập” vào items để nâng chúng lên từng cấp độ, game thủ có thể có những món đồ cực mạnh, thậm chí là độc nhất vô nhị của toàn server. Có thể gọi chức năng này là “át chủ bài” mà không game nào có thể bỏ qua. Bởi thế mà ngay cả Fifa Online 2 cũng có thể “đập” cầu thủ (và thất bại thì cầu thủ sẽ bị “xịt”, thậm chí là “cháy cầu thủ”).
Thường thì tất cả các game chức năng đập đồ đều đi từ dễ đến khó, đồ cấp thấp thì dễ thành công, cấp cao khó thành công, càng đập lên cao càng khó khăn hơn rất nhiều. Từ chức năng này, nhà sản xuất sẽ bán thêm ngọc trong cash shop và thậm chí cả những loại bùa tăng khả năng thành công.
Đập đồ thường dễ "ôm hận".
Dẫu là mỗi món đồ khi “đập” thường có xác suất thành công – thất bại rất rõ ràng, tuy nhiên kinh nghiệm rút ra luôn là khi “đập” đồ liên tục thì khả năng lớn là thất bại sẽ cao hơn thành công. Tuy nhiên, khá nhiều game thủ lại thường có thói quen là tích trữ thật nhiều ngọc, sau đó đem đồ ra “đập” một lần với ý nghĩ là chắc chắn sẽ lên.
Thế nhưng, càng đập càng “xịt”, càng “xịt” lại càng nóng máu, đập tiếp. Cứ thế, chẳng mấy chốc mà món đồ muốn đập sẽ “rớt” thê thảm xuống cấp thấp, hay thậm chí là “cháy” mất đồ. Khá nhiều game thủ khi bị xịt hay cháy 1 món thì càng cáu tiết, đem những món khác ra “đập”. Hậu quả là “tiền mất tật mang”.
Đập đồ thất bại. Chán nản. Nghỉ game. Đó là một vòng luân hồi rất dễ thấy.
Mua account ở ngoài tiệm internet
Đây là một trong những sai lầm “chết người” của game thủ. Việc mua bán, trao đổi nếu đem ra giao dịch bên ngoài tiệm internet khả năng bị mất account ngay khi vừa mua là khá cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng khôn ngoan ở những chuyện như thế này, nhất là những người quá thèm khát một account nào đó.
Khi mua một account, thường thì nếu như không phải quá quen thân, hoặc có ai đó đảm bảo, cả 2 bên phải gặp nhau để giao dịch. Một bên đưa tiền, một bên đưa thông tin tài khoản. Khi đã có thông tin tài khoản trong tay, người mua sẽ tiến hành đổi thông tin ngay, không thể để đến lúc về đến nhà mới đổi, vì khả năng lớn là người bán sẽ thay đổi trước để lấy lại acc.
Mua account ngoài tiệm internet là một sai lầm.
Nếu như 2 bên giao dịch tại một tiệm net (phần nhiều là thế,vì phần lớn game thủ chơi game tại các tiệm internet), người mua bắt buộc phải đổi thông tin ngay trên máy ở tiệm. Nếu người bán đã có ý đồ, chắc chắn anh ta sẽ cài keyloger vào máy ở tiệm để lưu lại các thay đổi của người mua.
Để tránh việc bị người bán chơi xỏ như thế, người mua nên đem theo laptop để đổi thông tin, hoặc không có laptop thì có thể gọi điện về cho bạn bè nhờ thay thông tin hộ, như thế sẽ an toàn hơn nhiều.
Giao password cho “GM”
Đây không biết là lần thứ mấy chúng ta nói lại vấn đề này. Việc tin tưởng vào GM – những người quản lý – trong game là chuyện thường thấy ở rất nhiều game thủ. Trên danh nghĩa của NPH, GM có thể yêu cầu game thủ bất cứ việc gì trong phạm vi game (trên tinh thần giúp đỡ người chơi), ngoại trừ việc đưa thông tin tài khoản.
GM "chính hiệu" sẽ không bao giờ phải hỏi thông tin tài khoản.
Lợi dụng uy tín của GM, rất nhiều kẻ gian đã dùng một mánh cũ rích, đó là tạo các nick game có tên “GM”, sau đó pm cho các “con mồi” để yêu cầu thông tin tài khoản. Đây là một mánh rất cũ, và khá thô thiển, nhưng vẫn có nhiều người chơi dính bẫy. Với lời đường mật là game thủ a, b, c…đã trúng một phần thưởng nào đó, cần vào acc để add phần thưởng, những “GM” trên nghiễm nhiên đăng nhập vào tài khoản của con mồi, và sau đó cuỗm toàn bộ tài sản.
Người chơi cần nhớ: đã là GM thì sẽ không bao giờ phải hỏi thông tin tài khoản người chơi, bởi đơn giản là những điều đó họ nắm hết trong tay. Nếu một ai đó tự xưng là GM và yêu cầu thông tin tài khoản, đích thị đó là kẻ gian.
Quá tin tưởng NPH
NPH dù thế nào đi nữa, cũng chỉ là một đơn vị kinh doanh. Cho dù họ nắm trong tay game online mà game thủ đang chơi, người chơi cũng không nên quá tin tưởng rằng họ sẽ “sống chết” vì nó, sẽ hết mình để phục vụ người chơi.
Khá nhiều trường hợp, NPH ra một loạt event đình đám mà phần thưởng là những món đồ cực khủng, và game thủ chỉ cần nạp thật nhiều thẻ để sở hữu những món đồ trên. Dĩ nhiên là rất nhiều người tranh nhau nạp, nhưng ngay sau đó, sẽ là thông báo đóng cửa game. Event trên đơn giản chỉ là một cú “vét nồi” của NPH để tận thu số tiền từ game thủ.
Đằng sau event đình đám là... đóng cửa.
NPH game có muốn phục vụ game thủ hết mình thế nào đi nữa, thì trước hết họ cũng phải kiếm được tiền. Họ mua game về đơn giản là để nó đẻ ra tiền, thế nên điều đó thường được họ đặt lên hàng đầu. Game thủ có thể la ó, chửi bới NPH, nhưng “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, hãy nên thận trọng, đừng đặt lòng tin quá nhiều vào NPH để rồi phải chửi bới như thế.