Nhắc đến thị trường game Trung Quốc, có lẽ ngay cả các cường quốc phương Tây lúc này cũng không thể xem thường. Từ chỗ bị game Hàn và Nhật xâm chiếm, xứ sở Gấu trúc đã có những bước tiến thần kỳ trong thời gian ngắn, tự làm chủ thị trường nội địa và bắt đầu xâm lấn nhiều mảnh đất mà trước đây họ chỉ dám "mơ".
Đứng trước thế lực quá mạnh phương Bắc, dễ hiểu khi gần một thập kỷ nay game online Việt Nam bị "đè bẹp" triệt để. 80% đầu sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc và ngay cả các trò chơi hút tiền nhất, đông khách nhất cũng tới từ đây. Ngay ở Trung Quốc, các hãng game cũng tự coi Việt Nam là "sân nhà" vì quá dễ xuất khẩu lẫn thu lời.
Thị trường game Việt Nam đang là một "chiếc bánh ngon".
Theo DONEWS, chỉ tính riêng năm 2008, số tiền mà các NPH thu về nhờ GO Trung Quốc đã lên tới 47,6 triệu USD và dự tính tới năm 2012 sẽ lên tới 135 triệu USD, một con số khổng lồ. Tờ báo này còn coi GO Việt Nam như một "chiếc bánh ngon" vì lượng gamer đứng thứ 4 thế giới với hơn 20 triệu người sử dụng internet.
Vậy đến bao giờ chúng ta mới thoát khỏi tình cảnh "bi đát" hiện tại? Ước muốn ấy có vẻ viển vông nhưng không phải là không thực hiện được.
Tấm gương... Trung Quốc
Một trong những điều game Việt cần làm lúc này lại hơi... ngược đời, đó là biết coi Trung Quốc là tấm gương cho chính mình. Tuy nghe nghịch tai nhưng đây là điều hoàn toàn đáng làm nếu chúng ta nhìn lại chặng đường vươn lên thần kỳ của quốc gia láng giềng phương Bắc trong 10 năm trở lại đây.
Từ những tựa game xấu như thế này...
Nhớ lại những năm 2003 - 2004, lúc bấy giờ game Hàn Quốc gần như xâm chiếm toàn bộ thị trường Trung Quốc, các hãng game trong nước rơi vào tình trạng ảm đạm cùng cực tưởng chừng không vực lên nổi vì kém cả về đồ họa lẫn gameplay (chủ yếu là kiếm hiệp 2D kiểu VLTK). Ấy thế mà chỉ 3 năm sau, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn.
Theo thống kê, tổng doanh thu ngành game xứ Gấu trúc lúc này vào khoảng 34 tỷ NDT (~ 90.000 tỷ VNĐ) - gấp 225 lần Việt Nam. Ngoài nguồn thu nội địa, các dự án bán game ra nước ngoài cũng thu về lượng ngoại tệ không nhỏ (dĩ nhiên trong đó không thể không kể đến dải đất hình chữ S).
... GO Trung Quốc đã tiến thần tốc cả về đồ họa lẫn gameplay.
Đứng trước thành tựu như thế, chuyện chúng ta nên coi Trung Quốc như tấm gương để học hỏi là điều quá hiển nhiên. Nên nhớ, Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều đang lo sốt vó trước làn sóng MMO của quốc gia này tràn sang.
Bỏ chứng sợ "TÂY"
"Sợ Tây" ở đây là suy nghĩ không chỉ của game thủ Việt, mà còn tồn tại khá nhiều trong cộng đồng phát triển game. Với người chơi, họ thường dè bỉu ngay lập tức khi nghe thấy mác game "made in VN", dần dần dư luận khắc nghiệt khiến các nhóm làm game cũng trở nên tự ti, không tin vào tương lai của chính mình.
Cả NSX và game thủ đều phải bỏ chứng sợ Tây.
Rất nhiều studio phát triển game Việt cũng luôn e ngại mỗi khi muốn giới thiệu sản phẩm của mình ra công chúng. Họ đứng trước nỗi sợ rằng nếu trò chơi còn gì đó thiếu sót (đặc biệt là về đồ họa) thì chắc chắn sẽ bị "ném gạch đá tập thể", đây là điều khó trách được vì gamer trong nước có một đặc tính là không cần biết sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa, cứ thấy so với các game nổi tiếng ngoài nước mà kém là lập tức mỉa mai.
Vì thế, điều thứ 2 cần làm là bỏ ngay chứng "sợ Tây", "chuộng Tây" mà quên rằng bản thân hàng nội cũng không đến nỗi nào. Rất may, có vẻ như càng ngày cư dân mạng càng làm được điều ấy.
Thắt chặt nhập khẩu
"Mình sang Trung Quốc, thấy họ bảo vệ hàng nội triệt để mà cảm thấy buồn quá, giá như các dự án thuần Việt cũng được đỡ đầu tốt như thế", đại diện một studio phát triển game lớn tại Việt Nam từng tâm sự sau chuyến đi công tác. Đây cũng là suy nghĩ của rất nhiều người trong nghề thời gian qua.
Giới làm game Việt vẫn thèm được "cưng chiều" như tại Trung Quốc.
Không thể phủ nhận một điều rằng game online Trung Quốc tiến xa như hiện tại, ngoại trừ sự thăng tiến về trình độ ra còn phải nhờ chính sách bảo vệ hàng nội triệt để. Tất cả các MMO ngoại muốn hoành hành tại xứ Gấu trúc đều phải bị kiểm duyệt gắt gao, điển hình nhất là WoW khi bộ mặt game biến dạng hoàn toàn vì chiêu bài "xóa bỏ chi tiết bạo lực".
Bên cạnh siết chặt đầu vào, chính phủ Trung Quốc cũng rót những khoản tiền lớn cho các công ty quốc nội. Chỉ tính riêng trong 4 năm từ 2004 tới 2008, gần 10 tỷ nhân dân tệ đã được chi ra để ủng hộ các studio phát triển game. Cách làm này đem lại hiệu quả tuyệt vời: nếu như từ năm 2000 - 2004 thị trường nước này còn tràn ngập các game online Hàn Quốc (chiếm 60% thị phần), thì tới cuối năm 2008 chỉ còn 27%.
Vì thế, thắt chặt nhập khẩu, rót tiền đầu tư, đó là điều kiện cần tiếp theo để GO Việt mở mày mở mặt.
Tạo nét riêng
Không phải ngẫu nhiên mà các MMO Trung Quốc lại được lòng người dân nước này đến thế. Yếu tố then chốt dẫn đến thành công ấy là vì chúng biết đánh đúng thị hiếu, mang nét văn hóa đặc trưng vào chính mình để tạo nên sự gần gũi với người chơi. "Kiếm hiệp" là một trong những nét văn hóa bản địa được áp dụng triệt để.
Thuận Thiên Kiếm đã làm tốt nội dung Việt, nhưng thất bại bởi đồ họa sút kém.
Vì thế, game Việt cũng cần tự tìm thấy nét riêng của mình. Thuận Thiên Kiếm của VNG tuy không đắt khách nhưng đây vẫn đang là MMO khai thác được nét văn hóa nước nhà tốt nhất, việc nó không thành công chủ yếu là vì đồ họa quá thua sút so với thị trường. Nếu thỏa mãn được cả 2 yếu tố ấy thì tương lai xán lạn là điều chắc chắn.
Lấy ví dụ như dự án 7554, việc khai thác triệt để giai đoạn hào hùng của dân tộc đã khiến nó nhận được vô vàn lời khen ngợi lẫn trông mong từ phía cộng đồng. Sẽ không thể như thế nếu bối cảnh trò chơi lại là một vùng đất "tưởng tượng" nào đó.
Còn bạn, bạn có đồng ý với những điều kể trên?