2 nghìn tỷ VNĐ đã quá xa với dân cày game Việt

  | 01/03/2011 0:00 AM

Cột mốc đáng tự hào mà game online đạt được trong năm 2009 khó có khả năng quay lại trong năm 2010.

Năm 2009 có lẽ là năm GO phát triển mạnh nhất trong suốt chặng đường 8 năm của mình tại Việt Nam. Đây là năm số lượng game tăng lên một cách chóng mặt, các hoạt động lớn nhỏ liên tục được diễn ra. Trong năm 2009, game thuần Việt đầu tiên cũng ra đời. Thành công lớn của GO Việt trong năm này được ghi dấu bằng thành tích doanh thu toàn thị trường Việt đạt 109 triệu USD (hơn 2 nghìn tỷ VNĐ, số liệu theo Forbes). Và như thường lệ, tạp chí uy tín này đang sắp tiếp tục công bố số liệu năm 2010 và ngành GO Việt đang đứng trước nguy cơ "mất mốc" 100 triệu USD.
 
Tất nhiên, với một năm 2009 thành công như vậy, nhiều người kỳ vọng năm 2010 sẽ là một năm trưởng thành vượt bậc của GO Việt. Điều này được thể hiện qua sự kỳ vọng của game thủ, những khẳng định hứa hẹn của nhiều NPH cả lớn lẫn nhỏ về việc sẽ đưa những game mới ra mắt game thủ trong năm 2010, về các dự án "khủng" như Aion... Nhưng rút cục, tất cả đã trải qua một năm "thảm hại" và nguy cơ mất mốc 100 triệu USD là hoàn toàn có thực.
 

2 nghìn tỷ VNĐ là điều không thể với GO Việt 2010.
 
GO Việt 2010 - năm thảm hại
 
GO Việt năm vừa qua vẫn xác lập nhiều kỷ lục nhưng đáng buồn đa số đều là các kỷ lục không lấy gì làm vui vẻ như: số lượng game đóng cửa nhiều nhất, game có "tuổi thọ" thấp nhất... Có lẽ trước năm nay, không ai có thể tưởng tượng mọi chuyện lại bi đát như vậy.
 
Sự "thảm hại" này đến phần nhiều do giai đoạn "đóng băng" trong hơn 6 tháng cuối năm con hổ và làn sóng "đánh game" mạnh mẽ trước đó. Chỉ trong 6 tháng này, đã có tới 17 game đóng cửa hoặc "tạm thời đóng cửa". Điều đáng nói là trong số các game này, có những game vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
 
Hơn nữa, ngoài các game đã đóng cửa, các game còn tiếp tục được phát hành cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ. Một số buộc phải cắt bỏ hoặc hạn chế một số nội dung "bạo lực". Điều này đã làm lượng người và doanh thu các game này giảm đi không nhỏ.
 

Lượng game đóng cửa quá lớn.
 
Cũng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm này, các hoạt động quảng bá game (bao gồm cả sự kiện outgame) bị ngừng hoàn toàn. Đây là lý do chính mà năm nay các game thủ của VTC Game và cộng đồng eSport không được tiếp tục tranh tài trong giải đấu VEC - giải đấu thường niên vào loại lớn nhất làng TTĐT nước nhà. Ngoài ra, các hoạt động lớn như trong giai đoạn cuối năm 2009 cũng không thể diễn ra.

Rõ ràng, trong hoàn cảnh không được quảng cáo, không được thu hút thêm game thủ bằng mọi cách, các NPH đã trải qua thời gian khó khăn nhất trong thời gian vừa qua.
 
Thêm các yếu tố ngoại cảnh
 
Ngoài yếu tố riêng xuất phát từ ngành game, những yếu tố ngoại cảnh khác cũng tác động nhiều khiến cho khả năng doanh thu GO Việt đạt được mốc 100 triệu USD là gần như bất khả thi.
 
Những yếu tố này là những điều mà người ta đang nhắc đến nhiều nhất trong những ngày đầu năm nay: Tỷ giá và lạm phát. Lạm phát, khi mọi thứ đều tăng giá khiến cho gamer phải chi nhiều tiền hơn cho cuộc sống và ít hơn cho giải trí. Đương nhiên, vì thế, doanh thu của GO gặp nhiều khó khăn.
 

Đồng tiền mất giá.
 
Về tỷ giá, ai cũng biết nguồn thu của các NPH đều là VNĐ trong khi số liệu Forbes thống kê và công bố được tính bằng USD. Trong năm vừa qua, tỷ giá đã tăng rất mạnh. Cụ thể, trong thời gian mà Forbes làm báo cáo năm 2009 (đầu năm 2010) tỷ giá là 18.500VNĐ/1 USD còn hiện nay tỷ giá là vào khoảng 21.500 VNĐ. Điều này có nghĩa là để đạt được mốc 109 triệu USD như năm 2009, GO Việt phải thu về số tiền tăng 15% so với năm ngoái. Đây là điều khó có thể thành hiện thực.
 
Do bản thân các doanh nghiệp
 
Đương nhiên yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng quá nhiều và là nhân tố chính tác động khiến cho GO Việt "thảm hại" trong năm vừa qua. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được bản thân các doanh nghiệp cũng không làm tốt "nhiệm vụ" của mình.
 
Thực chất, năm 2010 các NPH vẫn có tới 6 tháng đầu năm để đưa game mới và có không ít cái tên đã ra mắt trong giai đoạn này (Kiếm Tiên, Tinh Võ, Thần Võ...). Nhưng do công tác phát hành chưa thật sự tốt, không có game nào trong số này giành được những thành công như mong muốn.
 

NPH vận hành game chưa tốt.
 
Ngoài ra, sự ảm đảm của GO Việt cũng đến một phần từ việc 2 NPH lớn nhất "phân tán sức lực" vào các ngành khác như web, social network,... Điều này khiến cho GO không được tập trung 100% sức lực và đương nhiên không thể có được thành công.
 
Và kết cục năm đầu tiên tăng trưởng "âm"
 
Với những yếu tố trên, việc GO đứng trước năm tăng trưởng âm đầu tiên ra mắt là hoàn toàn có thể (trong các năm trước, tốc độ tăng trưởng trung bình luôn cực kỳ cao). Tuy con số chính xác phải chờ khoảng 1, 2 tháng nữa Forbes mới chính thức công bố nhưng ở thời điểm này, ít nhất, chúng ta có thể khẳng định thị trường trò chơi trực tuyến nội địa sẽ mất đi tốc độ tăng trưởng khủng khiếp của mình.
 
Sau cơn mưa, trời lại sáng, hi vọng năm 2011 sẽ là một năm phát triển vượt bậc của GO Việt.
 

2011 liệu có thể "phục thù"?