Với mục đích truyền tải đến người chơi những nỗi sợ với các mức độ khác nhau, các nhà sản xuất game đã phải luôn chật vật trong thời gian dài để có thể tìm hiểu, nghiên cứu và dần khắc họa trung thực hơn nỗi sợ của con người. Thế nhưng với chiều hướng “điện ảnh hóa” các tựa game kinh dị bằng việc sử dụng các yếu tố điện ảnh mạnh mẽ, nhiều người băn khoăn rằng, điều đó liệu có làm chúng mất đi những yếu tố cốt lõi của một tựa game kinh dị?
Dù không có một lịch sử hình thành quá lâu, song cho đến ngày hôm nay, game kinh dị vẫn được xem là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp game toàn cầu. Xuất phát điểm từ khái niệm jump scare đơn giản trong tựa game Resident Evil của 23 năm về trước, dòng game kinh dị nay đã đạt được rất nhiều thành công vang dội với những sản phẩm nổi tiếng như Resident Evil, Until Dawn, Outlast, v.v. và sức hút của chúng vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Và để tạo nên những sự kinh dị như vậy, các chất liệu hay ý tưởng hù dọa là một trong số những yếu tố hết sức quan trọng để có thể làm người chơi cảm thấy sởn da gà. Những bộ phim kinh dị mà chúng ta thường xem luôn là những chất liệu làm game rất tuyệt vời bởi nó cung câp cho các nhà làm game một khuôn mẫu thiết kế nỗi sợ rất rõ ràng và được xem là kinh điển. Từ việc tạo ra các yếu tố rùng rợn như các loài quái vật, không gian u tối,… thì các pha hù dọa giật gân cũng là thứ được đầu tư mạnh mẽ. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp đặc biệt như Layers Of Fear, nỗi sợ dường như đã được diễn tả bằng ngôn ngữ điện ảnh tinh tế nhưng gây được nỗi sợ tâm trí rất hiệu quả.
Layers Of Fear đưa người chơi vào một bối cảnh mà ở đó, không có quá nhiều các yếu tố hữu hình hay giật gân để khiến người chơi cảm thấy lạnh gáy. Ở đó, sự thay đổi, biến dạng không gian cũng như sự xuất hiện, chuyển động của các sự vật thân thuộc một cách kì quái chính là thứ khiến người chơi bước vào những trạng thái căng thẳng và khó chịu bởi những nỗi ám ảnh tâm can của chính nhân vật trong game. Và trong những năm trở lại đây, không chỉ có Layers Of Fear, chúng ta còn có rất nhiều các tựa game kinh dị khác đã vượt xa những ý tưởng kinh dị truyền thống đã xuất hiện trên phim từ rất lâu.
Không chỉ như vậy, nhà phát triển của tựa game kể trên, Bloober Team, cũng tiếp tục ra mắt một tựa game mới là Blair Witch, với nội dung và ý tưởng lấy cảm hứng từ một tác phẩm điện ảnh cùng tên rất nổi tiếng trên sóng truyền hình Mỹ. Thế nhưng, với sự sáng tạo riêng trong thế giới của mình, Blair Witch quả thực đã truyền tải câu chuyện của mình thông qua việc sử dụng những cuộn băng và để tự người chơi khám phá những điều bí ẩn để lại bởi những người mất tích. Khi gặp phải những thử thách khó khăn, chỉ cần tham khảo qua những cuộn băng mà bạn có được, bạn có thể tìm được cách để vượt qua nó hoặc thâm chỉ thay đổi diễn biến của câu chuyện sắp xảy đến.
Một ví dụ khác đang được nhắc đến trong thời gian gần đây chính là Man Of Medan – một trong tám siêu phẩm kinh dị ngắn đến từ Supermassive. Với những gì họ đã thể hiện được trong Until Dawn, studio tiếp tục mang đến cho người chơi một trải nghiệm coop kinh dị mới với cốt truyện sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sự lựa chọn của hai người chơi. Họ có thể cùng dựa vào nhau để sống sót, hoặc chia tách nhau để tự mình nếm trải các cảm giác khác. Thậm chỉ họ cũng không thể biến đối phương đang suy nghĩ và lựa chọn như thế nào khi lâm vào cùng một tình cảnh rất kinh dị và đáng sợ. Cơ chế lựa chọn đối thoại của tựa game này được xem là cốt lõi giúp người chơi tự đi theo con đường tiêng của mình và xem xét kết quả theo một cách điện ảnh nhất.
Từ những ví dụ trên, có thể thấy những tựa game kinh dị ngày nay luôn có xu hướng được “điện ảnh hóa” và điều đó mang đến cho người chơi một trải nghiệm có phần khá thụ động. Thật sự rằng, bản thân dòng game này vốn đã đáng sợ bởi chính sự tương tác của chúng với người chơi. Chính bản thân người sẽ phải dân thân vào những địa điểm ma quái và đối mặt với những thứ tồi tệ khi quyết định dẫn thân vào đó. Tuy nhiên, chính các nhà sản xuất nên cô gắng phát huy hơn nữa những thế mạnh của mình và tìm cách truyền tải những câu chuyện, những nỗi sợ thông qua những phương thức mới lạ và độc đáo hơn là đi dọa ma người chơi chỉ bằng vài cú jump scare và những câu chuyện kinh dị vốn đã xuất hiện từ lâu.
Nhìn lại về lịch sử dòng game, dù đã bị hủy bỏ trong nuối tiết, P.T. của Kojima vẫn được xem là một trong những kiểu mẫu của game kinh dị hiện đại. Gần như không sử dụng jumpscare lẫn các tình tiết điện ảnh, chỉ một vòng lặp cố định trong một không gian chật chội và sự thay đổi, bổ sung các hình ảnh kinh dị, máu me cùng chiếc radio chập chờn những tin tức về chính những người trong căn nhà định mệnh đó mang đến cho người chơi một sự sợ hãi đến khó chịu. Nỗi sợ đó đôi khi thấm tháp vào tâm trí của người chơi đến từ hành động và cử chỉ, đặt ra cho họ hàng tá những câu hỏi khi kết thúc vòng lặp cũ và rồi tiếp tục chìm đắm trong những bất ngờ của những nỗi sợ mới.
Tóm chung, việc sử dụng những chất liệu kinh dị mới là điều mà các nhà phát triển nên phát huy để làm cho dòng game này thú vị và đặc sắc hơn, tuy nhiên, giữ được những giá trị cốt lõi cũng như sáng tạo ra những trải nghiệm năng động hơn mới là điều giúp game kinh dị tiếp tục sống mai trong lòng của người chơi game.