Từ một chàng sinh viên Harvard bỏ dở việc học hành, Gabe đã tự mở ra cho mình một con đường riêng. Ở cái thế giới đó, Gabe được gọi là vua - ông vua của ngành công nghiệp game.
------------------------------------------
Gabe Newell
Founder, CEO của Valve Corporation
Nhà sáng lập, tổng giám đốc điều hành công ty phát triển trò chơi điện tử và phân phối trực tuyến Valve Corporation hiện đang là tỷ phú xếp hạng 421 trên thế giới do tạp chí Forbes bình chọn.
Vào tháng 1 vừa qua, sau khi Forbes công bố những báo cáo mới về tình hình tái chính toàn cầu năm 2017, người ta chợt nhận ra có một người đàn ông đã nhảy hơn 400 bậc trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới. Chỉ trong vòng 1 năm, tổng tài sản của tỷ phú này đã tăng gần gấp đôi, từ 2,2 tỷ lên 4,1 tỷ USD, đứng thứ 421 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Người đàn ông mà chúng ta đang nhắc đến ở đây là Gabe Newell, nhà sáng lập, tổng giám đốc điều hành của công ty phát triển trò chơi điện tử và phân phối trực tuyến Valve Corporation.
Bỏ học tại Harvard – Sự bốc đồng của tuổi trẻ
"Sau 3 tháng làm việc tại Microsoft, tôi đã học được nhiều hơn tất cả những kiến thức trong 3 năm tại Harvard"
Gabe Newell chia sẻ
"Sau 3 tháng làm việc tại Microsoft, tôi đã học được nhiều hơn tất cả những kiến thức trong 3 năm tại Harvard", Gabe Newell từng chia sẻ như vậy về quyết định bỏ dở việc học hành của mình. Giờ đây khi đã là một tỷ phú với khối tài sản khổng lồ, mọi quyết định, mọi lời nói của ông đều có thể trở thành triết lý. Tuy nhiên xét ở thời điểm đó, đây rõ ràng là một quyết định đầy liều lĩnh và bốc đồng của tuổi trẻ.
Quay trở về thập niên 80 của thế kỷ trước, sau 3 năm học tại Harvard, Gabe đã quyết định bỏ dở việc học hành để gia nhập Microsoft của Bill Gates. Lúc bấy giờ, Microsoft vẫn chỉ là một doanh nghiệp công nghệ nhỏ với tuổi đời chưa đầy 10 năm (Microsoft được thành lập vào 4/4/1975). Người có tác động nhiều nhất đến quyết định đầy mạo hiểm này của Gabe chính là Steve Ballmer, một cựu CEO của Microsoft. Steve Ballmer trước đó cũng đã bỏ học thạc sĩ tại Stanford để đi theo "tiếng gọi" của Bill Gates.
"Một năm anh ta phát triển hoàn thiện tới 30 sản phẩm"
Đồng nghiệp cũ Alex St. John nhận xét về Gabe
Tại Microsoft, Gabe làm việc như lập trình viên cao cấp. Ông đảm nhiệm vai trò trưởng bộ phận phát triển của hàng loạt dự án lớn như Windows 1.01, 1.02 và 1.03. Gabe được đồng nghiệp mô tả là con người cực kỳ cần mẫn, chăm chỉ. "Một năm anh ta phát triển hoàn thiện tới 30 sản phẩm", Alex St. John, đồng nghiệp cũ của Gabe Newell cho biết.
Bỏ việc Microsoft – Khát vọng vươn tới đỉnh cao
Sau những năm tháng làm việc cho Microsoft, Gabe đã tạo lập cho mình được danh tiếng cùng như tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Với số cổ phần được chia từ Microsoft, ông đã lọt top những triệu phú công nghệ thông tin trẻ tuổi nhất nước Mỹ (khi đó, ông mới chỉ bước sang tuổi 23). Tuy nhiên, vinh quang và xa hoa này chưa đủ cản bước được niềm khao khát vươn lên của Gabe.
Vào năm 1996, Gabe Newell quyết định rời khỏi Microsoft sau hơn 13 năm cống hiến. Lần này, người truyền cảm hứng cho ông chính là Michael Abrash, lập trình viên cao cấp đã rời Microsoft để phát triển trò chơi Quake tại ID Software. Với thành công vang dội của Quake (sau này trò chơi này được xếp vào những tựa game hay nhất mọi thời đại), Gabe nhận ra rằng ngành công nghiệp game là con đường mà ông sẽ theo đuổi.
Tháng 10/1996, Gabe và một nhân viên khác của Microsoft là Mike Harrington đã rời khỏi công ty để thành lập doanh nghiệp mới mang tên Valve Corporation. Sản phẩm đầu tay của Valve là Half-Life, tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất được phát triển trên một số đoạn mã từ Quake (do Valve mua lại).
Ngay trong năm đầu tiên ra mắt, Half-Life đã bán được 2,5 triệu bản, lọt vào danh sách những tựa game bán chạy nhất thế giới năm 1998. Chưa dừng lại ở đó, Hàng loạt bản mod đầy ấn tượng dựa trên nền Half-Life đã được ra mắt. Trong đó phải kể tới hai tựa game đã trở thành tượng đài của làng FPS thế giới là Counter-Strike và Team Fortress. Với những bước đi đúng đắn, Gabe đã biến Valve dần trở thành một trong những công ty game giàu tiềm năng bậc nhất trên thế giới.
Sự ra đời của Steam và "cuộc cách mạng" làm thay đổi bộ mặt làng game thế giới
Vào tháng 4/2000, Gabe mua lại toàn bộ cổ phần của Mike Harrington sau khi ông này quyết định rời khỏi công ty. Động thái này đã biến Gabe thành ông chủ duy nhất và cùng là người quyền lực nhất tại Valve.
Tháng 9/2003, Steam chính thức được ra mắt như một cách để Valve kiểm soát quá trình vận hành của trò chơi Counter-Strike. Bên cạnh đó, hãng cũng dùng nền tảng này để kiềm soát gian lận và cung cấp phương thức truy cập dễ dàng hơn cho các sản phẩm khác.
Trong thời gian đầu ra mắt, Steam gặp phải trở ngại lớn khi tốc độ đường truyền Internet của các hộ gia đình Mỹ còn khá chậm. Không những vậy, việc mua game (bản vật lý) từ các nhà cung cấp truyền thống đã trở thành thói quen khó bỏ của đại bộ phận cộng đồng game thủ lúc bấy giờ. Không nói đâu xa, lấy ví dụ như tại Việt Nam, trong những năm đầu của thế kỷ 21, việc ra hàng mua đĩa chơi game đã trở nên hết sức phổ biến. Những tựa game huyền thoại như Diablo, Diablo 2, Half-Life, Đế Chế, Fifa… đều có thể tìm thấy dễ dàng ở bất kỳ hàng game nào. Ở thời điểm đó, việc lên mạng tải game là một hành động hoàn toàn xa lạ. Có thể nói, đây là thực sự là khoảng thời gian khó khăn của Steam.
Sự ra đời của Half Life 2 chính là bước ngoặt lớn giúp Valve có thể khẳng định được vị thế trong làng game thế giới
Trong tình trạng bế tắc đó, sự ra đời của Half-Life 2 được cho là bước ngoặt lớn nhất cho những thành công sau này của Steam. Sự thống trị của tựa game bắn súng huyền thoại này đã phản ánh điều đó. Hàng triệu bản được bán ra và Valve không quên nhắc nhở người chơi rằng để chơi được Half-Life 2, bạn phải đăng ký qua Steam.
Trong năm 2004, Half-Life 2 đã lập một kỷ lục vô tiền khoán hậu khi nhận về 39 giải thưởng game của năm (Game of the Year) tại nhiều cuộc bình chọn lớn nhỏ khác nhau. Cho đến nay, đây vẫn là thành tích mà chưa một tựa game nào có thể xô đổ. Tình đến thàng 12/2008, Half-Life 2 đã bán được hơn 6,5 triệu bản. Con số này được tăng gần gấp đôi lên 12 triệu bản vào tháng 2/2011. Với số vốn đầu tư chỉ 40 triệu USD, Half-Life 2 thực sự là con gà đẻ trứng vàng cho Valve và Gabe.
Đến năm 2006, dáng dấp của Steam đã bắt đầu được hình thành và hoàn thiện. Các khái niệm về gian hàng kỹ thuật số được ra đời và đây được coi là tiền đề để hình thành những phương thức sau nay. Với hơn 100 trò chơi được giới thiệu kèm theo các bản demo và video HD, Steam trở thành một thánh địa thực sự dành cho các fan của game PC.
Quang cảnh phòng làm việc của một nhóm phát triển thuộc Valve. Để có được những sản phẩm hoàn thiện như ngày hôm nay, các nhân viên ở đây đã làm việc cật lực trong nhiều năm qua
Không những chỉ là cổng phát hành game lớn nhất thế giới, Steam còn cho phép những người dùng của họ kinh doanh trên nền tảng này. Vào tháng 10/2010, Steam đã cho mở chế độ cửa hàng vật phẩm ảo (Steam Community Market), nơi người chơi có thể thoải mái mua bán các loại trang bị và vật dụng phục vụ chơi game. Bước đi này đã khiến cho sức hút của Steam ngày càng tăng. Không chỉ là nơi để người chơi có thể thoải mái lựa chọn những tựa game yêu thích, Steam còn là một cộng đồng đông đảo với thị trường lớn mạnh mà bất kỳ ai cũng có thể đóng vai nhà đầu tư tài ba.
Bên cạnh các sản phẩm game và công nghệ mới nhất, Gabe cũng tập trung nhiều vào việc phát triển cộng đồng (nhất là trong mảng eSports – Thể thao điện tử). Các hệ thống giải DOTA 2, CS:GO… luôn là một niềm tự hào của Valve và Gabe
Với những nhà phát hành game, Steam là một giải pháp cho phép họ tối ưu hóa phần lợi nhuận kiếm được. Nếu như trước đây họ phải mất từ 60 – 70% doanh thu cho việc quảng cáo và phân phối (qua các nhà phân phối truyền thống) thì giờ đây khoản chi phí này chỉ là 25 – 30%. Thậm chí nếu so với Amazon (một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới), Steam còn linh hoạt và hiệu quả hơn nhiều trong thị phần bán lẻ game. Chiều lòng kẻ bán, hài lòng người mua, đây chính là một trong những ưu điểm giúp Steam có thể "bành trướng" và lớn mạnh như ngày hôm nay.
Gabe Newell – Vị vua không ngai của ngành công nghiệp game
Ngay từ những năm tháng bước đầu lập nghiệp, Gabe đã nhìn ra được tiềm năng rất lớn của trị trường game thế giới. Thậm chí ông còn có thể nhận ra rằng việc phát hành game truyền thống (bản vật lý) sẽ không thể phát triển hơn nữa khi mà dung lượng các trò chơi ngày càng lớn trong khi đĩa cài game lại không thể đáp ứng nổi yêu cầu của nhà phát triển. Tầm nhìn của Gabe Newell đi trước cả ngành game từ rất xa, và chính nỗ lực biến tầm nhìn thành hiện thực của ông đã tạo ra một Valve Corporation cực kỳ lớn mạnh như ngày hôm nay.
DOTA 2 The International Championship (do Valve tổ chức) đang là hệ thống giải đấu thể thao điện tử lớn nhất hành tinh. Năm 2016, TI được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness với tổng tiền thưởng lên tới 20,7 triệu USD
Gabe Newell xuất hiện tại lễ khai mạc DOTA 2 The International Championship 2015
Vào năm 2010, theo Ed Barton – chuyên viên phân tích thị trường của HIS Screen Digest đã ước tính doanh thu hàng năm của Valve có thể lên đến hàng trăm triệu USD. 2010 cũng là năm Valve đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với hơn 200%.
Tính đến năm 2016, cổng phát hành trực tuyền Steam đã có 125 triệu người sử dụng (chiếm 70% thị trường trò chơi máy tính tải về). So với các công cụ phát hành game khác, Steam thực sự "vô đối". Với Steam, bạn có thể tìm thấy hầu hết các trò chơi thịnh hành nhất hiện nay.
Bên cạnh DOTA 2, CS:GO cũng là cái tên đang thu hút sự tham gia của hàng triệu game thủ trên khắp thế giới
Tháng 4/2016, Valve hợp tác với tập đoàn công nghệ Đài Loan HTC để cho ra đời thương hiệu kính thực tế ảo Vive. Đây được coi là bước đi mạnh mẽ giúp Valve chiếm lĩnh thị trường công nghệ thực tế ảo. Theo báo cáo của HTC vào tháng 11/2016, họ đã bán được 140.000 chiếc Vive (nhiều hơn dự kiến 40%) và con số này còn đang tiếp tục tăng mạnh trong thời điểm Giáng Sinh và đầu năm mới 2017. Tầm nhìn của Gabe là không phải bàn cãi và việc ông "đi tắt đón đầu" trong công nghệ thực tế ảo nhiều khả năng cũng sẽ giúp Valve "xưng hùng" ở thị phần này trong tương lai gần.
Theo Forbes, giá trị ước tính của Valve trong năm 2016 đã đạt xấp xỉ 8,5 tỷ USD (~ 200 nghìn tỷ VNĐ). Điều này giúp cho tổng tài sản của Gabe tăng từ 2,2 lên 4,2 tỷ USD chỉ trong một năm. Tiền tài, danh vọng, sự thành công và khả năng chi phối của lớn của Valve thực sự đã giúp Gabe Newell trở thành vị vua không ngai của ngành công nghiệp game thế giới.