Final Fantasy 14 và những tựa game thảm họa của Square Enix

Teppi  - Theo Nhịp Sống Việt | 01/04/2020 11:59 PM

Nổi tiếng với series Final Fantasy, nhưng ít ai biết rằng số tựa game thảm hại của Square Enix lại nhiều như thế.

Nhắc tới Square Enix là nhắc tới một tên tuổi lừng lẫy trong ngành công nghiệp game từ trước đến nay. Được tạo ra từ sự hợp nhất của Square và Enix vào năm 2003, tập đoàn này đã chịu trách nhiệm cho nhiều nhượng quyền thương mại mang tính biểu tượng. Square đã giới thiệu Final Fantasy với thế giới, biến nó thành một biểu tượng. Trong khi đó, Enix có Dragon Quest, một thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng thuộc thể loại JRPG theo đúng nghĩa của nó.

Nhưng không phải sản phẩm nào do Square Enix tạo dựng cũng gặt hái thành công. Một số trò chơi thậm chí bị đánh giá là rất tồi tệ, và nhận rất nhiều chỉ trích. Một số những trò chơi đã bị lãng quên gần như hoàn toàn, trong khi những trò chơi khác thất bại khủng khiếp đến nỗi chúng vẫn còn được nhớ đến trong tai tiếng. Hãy cùng chúng tôi chỉ mặt điểm danh một số trò chơi hoàn toàn thất bại do Square Enix thực hiện.

Children of Mana

Final Fantasy 14 và những tựa game thảm họa của Square Enix - Ảnh 1.

Một trong những tựa game bị chấm điểm thấp nhất của Square Enix đã xuất hiện trong lần đột phá đầu tiên vào hệ máy Nintendo DS. Children of Mana phát hành vào tháng 11 năm 2006 đã bị lãng quên trên bản đồ từ rất lâu rồi. Trận chiến, một trong những yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ game nhập vai hành động nào, đã không được xây dựng ấn tượng, khá rối rắm và thiếu sự thu hút, khiến Children of Mana nhanh chóng bị game thủ quay lưng.

Công bằng mà nói, Children of Mana phát hành vào khoảng thời gian Nintendo gặp khá nhiều vấn đề với DS Lites. Với sự thiếu hụt các máy chơi game, trò chơi này đã thu về doanh số thất vọng, với chỉ 100.000 bản được tiêu thụ trong tuần đầu tiên. Không cần phải bàn cãi, nếu bạn đang muốn trải nghiệm se-ri Mana, có lẽ Children of Mana không phải là phiên bản tốt nhất để bắt đầu.

0 Day Attack on Earth

Final Fantasy 14 và những tựa game thảm họa của Square Enix - Ảnh 2.

Trở lại năm 2009, Square Enix đã lấn sân vào thể loại game bắn súng bằng cách hậu thuẫn cho Gulti- một nhà phát triển trò chơi Nhật Bản. Gulti chưa từng có bất kỳ hit lớn nào gây tiếng vang, nhưng có sở trường phát triển các game bắn súng. Và 0 Day Attack on Earth tưởng như sẽ là bom tấn đầu tiên của nhà phát triển này. Nhung nếu bạn chưa nghe về nó, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. 0 Day Attack on Earth được phát hành trên Xbox 360 thông qua Xbox Live Arcade và bán lẻ với giá tương đương 15 đô la.

Tuy nhiên, nó đã không nhận được bất kỳ lời khen ngợi nào. Trong thực tế, trò chơi đã bị chỉ trích một cách dã man bởi các nhà phê bình, gây thất vọng tột cùng với số điểm trung bình 41 trên Metacritic. Trò chơi rất đơn giản và buồn tẻ: mọi boss đều có thể bị giết với cùng một chiến lược, đồ hoạ, môi trường, AI khá "đần", cách điều khiển nhân vật chẳng có gì đặc sắc. 0 Day không thu hút bạn theo bất kỳ cách nào cả và thất bại của nó là điều hiển nhiên.

Nier

Final Fantasy 14 và những tựa game thảm họa của Square Enix - Ảnh 3.

Có lẽ hơi bất công một chút khi Nier cũng xuất hiện trong danh sách này, nhưng suy cho cùng, nó đã thất bại từ khi khởi chạy. Nhận được 68/100 điểm trên Metacritic cho PlayStation 3, và nhiều nhà phê bình nhận thấy rằng nó không tệ, nhưng khá khó chơi. Tất cả các cơ chế đều khác biệt với các sản phẩm cùng thời điểm, thật không dễ dàng để nắm bắt chút nào đối với những người mới chơi, dù Nier có phần đồ hoạ và âm thanh được thực hiện khá tốt.

Ngay cả giám đốc trò chơi, Yoko Taro cũng thừa nhận về những hạn chế của Nier. Trong một cuộc phỏng vấn với Polygon năm 2015, Taro không thực sự đánh giá cao cho trò chơi của mình. "Cách tôi nhìn vào Nier ban đầu giống như nấu ăn trong bếp của người khác, không phải của chính bạn" Taro nói. "Đồ ăn có thể vẫn khá là ngon, nhưng có gì đó không được thoải mái cho lắm". Cảm giác của Taro cũng chính là điều mà các game thủ nghĩ tới khi trải nghiệm Nier.

Tại Nhật Bản, hai phiên bản của trò chơi đã được phát hành cùng một lúc: Nier Gestalt cho Xbox 360 và Nier Replicant cho PS3. Cả hai đều gần giống nhau, và mặc dù Replicant đã có doanh số tốt một cách đáng ngạc nhiên tại Nhật Bản, với 60.000 bản được bán ra trong tuần đầu tiên. Tuy vậy, Gestalt- phiên bản đi khắp thế giới lại có doanh số rất kém và nhận đánh giá thấp.

Final Fantasy 14

Final Fantasy 14 và những tựa game thảm họa của Square Enix - Ảnh 4.

Final Fantasy 14 là một sự thử nghiệm táo bạo, bởi tựa game này gần như đã thay đổi hoàn toàn những gì người ta vẫn nghĩ về thương hiệu Final Fantasy. Sự tái cấu trúc này làm cho nó trở thành một trong những game MMORPG gây chú ý nhất, tuy vậy, sau một thời gian ra mắt, nhà phát hành đã phải nỗ lực hết sức để cứu vãn thất bại của "đứa con tinh thần" này.

Final Fantasy 14 đã bị chỉ trích rất nhiều, nhận số điểm chỉ 49/100 của Metacritic. Những người chơi đã vạch ra hàng chục lỗi lớn nhỏ trong FF14. Trên hết, đại bộ phận game thủ cho rằng trò chơi này có nội dung quá tẻ nhạt.

Square Enix đã dành nhiều thời gian để tái cấu trúc trò chơi gốc. Họ thậm chí còn kéo dài thời gian dùng thử miễn phí cho khách hàng tiềm năng cho đến khi công ty tìm ra phải làm gì để vực dậy trò chơi này. Đến tháng 12 năm 2010, công ty đã cắt giảm dự báo lợi nhuận ròng hàng năm xuống còn 10% so với trước đây. Rõ ràng, so với mức độ kỳ vọng, những gì mà Final Fantasy 14 đem tới không thể khiến các game thủ dù là người mới hay fan trung thành của dòng game này cảm thấy hài lòng.