Nữ game thủ Windra, cô là ai?
Windra, một cái tên xa lạ với phần đông người chơi Liên Minh Huyền Thoại, nhưng thu hút tò mò từ không ít game thủ Việt Nam, là nữ giới. Và câu chuyện "game thủ chuyển giới" bắt đầu từ đây, được khởi nguồn sau một giải đấu LMHT dành cho nữ mang tên: Girls Power Championship, khi mà trận chung kết chỉ còn cách một bước chân với FFQ LOFI, nhưng bị khựng lại vì một lý do, là giới tính.
Đây không hẳn là một câu chuyện dông dài để rủ rỉ nhau nghe về những lộn xộn giữa ban tổ chức giải với đội tham gia, hay về cá nhân nữ game thủ Windra. Đó cũng chẳng phải là một sự kiện tạo nên sức hút về mặt tai tiếng vẩn vơ cho một cá nhân hay tập thể nào đó, với hàng loạt tiêu đề hút view kiểu như "game thủ chuyển giới", "sự thật về Windra", "gian lận thi đấu", "report giới tính", v.v…
Hãy cùng đơn giản suy nghĩ, và bài viết này để dành cho cô, nữ game thủ LMHT Windra.
Thấu hiểu nỗi niềm của người khác là một món quà mà tôi có thể tặng, bằng những câu hỏi, và sự lắng nghe của mình. Từ đây, tôi tìm đến Windra theo sự ngẫu nhiên mà chính tôi cũng không ngờ tới. Hành trình thuyết phục cô để nhận lời tham gia bài viết này thật sự khó khăn, khi mà sự im lặng là cách chọn từ cô, để tìm lại một chút yên bình cùng với niềm đam mê mà bản thân đang theo đuổi bấy lâu, là eSports.
"Một hành động từ một lời nói chân thành, và một suy nghĩ qua cử chỉ thân thiện, cũng tạo ra một nguồn năng lượng tích cực, biết đâu làm nhẹ đi tâm trạng đang buồn, thì sao, phải không Thư (Windra)?", câu hỏi vẩn vơ từ tôi trước khi đề pa câu chuyện cùng cô, với tâm thế là một người lạ, không hơn.
Có những chuyến đi để tìm lại chính mình, với ước mơ, khát khao và cả niềm tin với người với đời, để rồi rong ruổi sau nhiều năm mới chợt nhận ra bản thân mình cũng cần có một nơi để quay về. Đó là gia đình, có ba có mẹ và có cả một bữa cơm giản đơn nhưng đậm đà chất liệu yêu thương.
Khi được gợi về những khoảnh khắc yêu thương từ gia đình, điểm tựa là một bữa cơm giản đơn, Windra nhớ lại: "Gia đình em thì không nói chuyện với em nhiều, vì không hợp, mà nói chuyện với mẹ một hai câu thì sắp cãi nhau, với ba cũng vậy. Nhưng em biết ba mẹ, hai người luôn dành cho em một tình thương rất lớn".
"Đã có lúc em phải dừng việc chơi game gần 3 tháng trời, vì bệnh nặng. Ba mẹ nói, "nếu không dừng lại thì tự sát đó". Lúc đấy em cứng đầu lắm, em muốn chơi vì nghĩ nếu không tiếp tục nữa sẽ dần bị đào thải. Với game, chỉ 3 tháng không chơi thì đã trải qua 3 phiên bản, mình sẽ bị bỏ lại phía sau… dần dần. Trong khi, người ta đang cố gắng còn mình thì đang dừng lại", cô ngậm ngùi nhớ lại.
Với một đời người, tài sản lớn nhất vẫn là sức khỏe, đó là điều mà ai cũng nhận ra sau một lần bệnh nặng. Nhưng với ký ức về một hoàn cảnh vừa nêu trên, từ Windra, tôi hỏi nếu có sự lựa chọn xảy ra, giữa đam mê và sức khỏe thì Thư sẽ chọn cái nào, cô nhẹ nhàng nói: “Đứng giữa sự lựa chọn sức khỏe và đam mê, thì vì mẹ nên em chọn sức khỏe”.
Với một đời người, thành công đôi khi chưa chắc đã mang lại hạnh phúc. Bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân, mình là người thành công hay là người hạnh phúc chưa? Bởi để thành công có khi bạn phải hy sinh hạnh phúc của bản thân. Khi đó bạn lại là nạn nhân của chính thành công đó, nhưng ngược lại, bạn sẽ không bao giờ là nạn nhân của sự hạnh phúc.
Với Windra, hạnh phúc là khi được là chính mình, không cần sự thừa nhận từ người khác, chỉ cần chính cô thừa nhận mình là đủ. Điều đó được thể hiện từ nhịp đập tận sâu thẳm bên trong con người cô, là một trái tim phụ nữ, khát khao được sống bình lặng với đời, được mưu cầu hạnh phúc với người. Tôi nói: "Thư có đôi tay đẹp lắm đó đa!".
Cô nhẹ cười, đôi khi niềm vui mang tới từ một ai đó xa lạ, chỉ là một nụ cười cũng chính là mang tới niềm vui, hạnh phúc. Khi được hỏi về gia đình một cách cụ thể, chi tiết hơn nhưng cũng chừa lại một chút không gian riêng về họ, thì tôi được Windra trao tặng sự thật dạ thật lòng qua từng lời sẻ chia, về gia đình theo ngôn ngữ tỏ bày từ cô: "Còn nhớ buổi thứ 2 tiêm hormone thì em nằm liệt giường, không ăn gì hết, ba mẹ thấy mới nói "Nếu con tiêm mũi thứ 3 là đang tự sát, vì con biết sức khỏe của mình trước đó đã nằm mức báo động, mà sao còn bất chấp tiêm, mà còn quá liều nữa…", thường thì người ta một tuần tiêm 1 mũi hai ống, mà em thì ba ngày 1 lần".
"Ba mẹ tin con, nếu mà bây giờ con không làm thì sau này sẽ rất hối hận, vì con đã sống quá lâu với một cơ thể mà mình không muốn. Giờ con không muốn tốn thêm thời gian nào dành cho việc đó nữa. Nên là, con muốn tìm lại con người thật của mình", ba mẹ nhìn cô (em) rồi im lặng.
Tuổi thơ của cô không được như lứa bạn cùng thuở, "Ba mẹ không gần em nhiều, vì họ rất bận với công việc, đến nỗi những ngày như Tết Trung thu, Quốc tế thiếu nhi hay một ngày lễ nào đó cũng không có thời gian dành cho em. Ba mẹ chỉ quăng tiền và nói là "Ba mẹ xin lỗi vì không có thời gian để đi cùng con, con cầm số tiền đó đi chơi với bạn đi". Nhưng họ không biết là, đứa trẻ nào cũng cần có ba mẹ chở đi, và em thì biết cầm số tiền đó đi chơi với ai? Khi đó, em không chơi với ai đồng lứa tuổi hết trơn đó. Nên em cầm tiền đó đi net (quán internet). Những người anh trong net, họ chỉ em chơi game. Và từ lúc đó em cảm thấy đây mới chính là con đường mà cuộc đời muốn mình đi", Windra ngậm ngùi nhớ lại.
Và đời game thủ của Windra bắt đầu từ đây, nơi mà chúng ta hay gọi là "quán net" (có khi là net cỏ, có lúc là cyber). Với nhiều người, họ cho rằng sự náo nhiệt là hạnh phúc ở thời hiện đại, nhưng đôi khi ở nơi náo nhiệt đấy như quán net lại đem đến một chút yên bình, một tý an toàn, và một xíu tự do cho cô, qua lớp áo mang tên "Windra", trong game.
Có một Windra mỏng manh, và dễ khóc trước người lạ.. như tôi.
Chơi game giỏi có được là nhờ thói quen, thi đấu tốt có được là nhờ tập luyện, và sự may mắn là phần thưởng còn lại cho một quá trình theo đuổi với khát vọng vinh quanh, từ những danh hiệu qua các giải đấu. “Nói lại vấn đề tiêm hormone, có nhiều bạn qua giải nữ vừa rồi (sự cố) họ nói: “Nếu chuyện em không giải quyết hợp lý thì sau này sẽ có nhiều bạn nam tiêm hormone, và người ta đánh giải nữ”, em cảm giác tại sao họ có thể phát ngôn câu nói mà chính họ cũng không hề hiểu biết, về nó”, Windra nhót lòng kể về dư âm sau giải đấu:
"Việc tiêm hormone làm sức khỏe mình bị bào mòn đi… rất nhiều, khi bác sĩ tiêm hormone cho em cũng nói:
- Con biết cái này hại như thế nào, đúng không?
- Con biết.
- Con biết sao con vẫn làm".
Nếu đam mê, động lực không đủ lớn, không đủ mạnh mẽ thì không thể làm được điều này, Windra nhấn mạnh: "Vì tiêm mũi thứ 5 sẽ làm mình muốn tự tử, cái cảm xúc đó khiến mình dễ khóc, nhiều khi chỉ cần một câu nói hơi chạm tự ái cũng sẽ nghĩ ngay việc tự tử. Và em nghĩ việc tiêm hormone rất nguy hiểm, nó không chỉ tốn tiền, hại sức mà còn làm hao mòn tâm hồn, nếu mình không đủ mạnh mẽ, sáng suốt để vượt qua".
Với một người chuyển giới, là nữ, niềm hi vọng rất quan trọng với cô vào thời khắc đó, giai đoạn này và cả thời gian phía trước. Nó giúp cô vượt qua khắc nghiệt của cuộc đời đưa đẩy, với niềm hi vọng đó, Windra nghĩ rằng: "Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, nếu ta chịu đựng được khó khăn của hôm nay".
“Vì mình không chịu được nữa, 18 năm mình sống, từ lúc nhận thức tới giờ, từ năm lớp 5, em không chịu nổi thêm một phút giây nào nữa. Em cảm thấy như vậy quá mệt mỏi, giống như mình đang tồn tại, chỉ đang tồn tại trên một cơ thể không phải mình. Mình không phải đang sống, vì sống là phải hạnh phúc, mà trước đó em không hề hạnh phúc, chỉ biết mình đang tồn tại giống như một "cái xác" vậy, từ lúc đó em bắt đầu tìm lại chính mình, là em”, Windra tâm sự.
Trong cuộc sống của chúng ta, đôi khi có những tai ương đến thật ngẫu nhiên và bất ngờ, dường như làm cho ta không vượt qua được, gần như tuyệt vọng. Nhưng có bao giờ Windra ngồi một mình nhìn lại bản thân, rằng trong cuộc sống còn có tình yêu thương. Đó cũng là đôi cánh để ta dựa vào, và lạc quan đứng dậy để đi tiếp, để có thể "yêu quá đời này" (trích lời hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), phải không?
Khi được hỏi những điều vừa nêu trên, cô trả lời với một nụ cười bình thản khi nhớ về quá khứ: "Năm 2016, một team VCSB mời em đi support và người ta nói "em hãy theo đi", nhưng lúc đó anh biết đấy, em là người chuyển giới, là nữ. Em không thể nào theo một team nam và sống với họ được, vì môi trường toàn là nam, em là nữ, và mình không thuộc về nơi đó. Lúc đấy, em đắn đo rất nhiều, nếu mình chọn con đường này, thì mình có nghe lời kỳ thị nào nữa không? Vì em đã sống nhiều năm với những lời kỳ thị đó rồi, em không muốn nghe một câu nói nào nữa về mình. Lúc từ chối team đó, em đã khóc rất nhiều, như một nuối tiếc trước cơ hội lớn với bản thân".
"2 năm sau, em nhận được lời mời từ FFQ LOFI, và đó là team nữ. Em quyết định liền, tham gia và tập luyện. Vừa rồi có một giải đấu em gặp sự cố, nhưng được nhiều người động viên mình, và bản thân em thật sự vui vì điều đó. Ít ra, mình cũng đã chọn đúng con đường, đang theo", Windra cười với đầy năng lượng tích cực.
Thành kiến là khởi nguồn của sự đau khổ ở con người, người ta đau khổ vì những thành kiến trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Sẽ thật hạnh phúc về tâm hồn, và tự do về thể xác nếu những thành kiến được cởi mở hơn, nới rộng ra để tiếp nhận sự cảm thông, lắng nghe và cả sự yêu thương.
Khi được hỏi về đau khổ theo cách ngẫu nhiên, Windra đã kể về một quá khứ cứ vận vào người sau nhiều năm đã trải, về một người đã khuất. Cô nói: "Có một người chú, người đó rất tốt với em, người đó lúc nào cũng coi em như một gia đình. Rồi người đó mất vì uống rượu bia, lúc đó em… em đã khóc rất nhiều", Windra đã khóc như thế, đó.
"Chú sẽ sống cùng với con cho tới bao giờ con hạnh phúc", câu nói của người xưa năm nào cứ vận vào ký ức của Widra sau ngần ấy thời gian, cô nhớ lại: "Nhưng người đó đi trước em, người đó lại mất trước khi em hạnh phúc. Nhiều khi lúc đó là lúc đau khổ, nhưng mà người đó không ở bên cạnh. Mình đau, vì người ta để lại cho mình quá nhiều thứ tốt đẹp, và kết thúc điều đó bằng cái chết, của họ".
Đôi khi ánh mắt đổ mưa nhưng trong tim lại bung rộng tán dù, câu nói này hợp với tình cảnh mà Windra đang trải, ngay lúc này, cùng giọt nước mắt buốt giá.
- Tai tiếng, tâm tiếng hay nổi tiếng? - Tôi hỏi Windra một cách bất chợt, bản năng và thiếu tế nhị.
- Là tâm tiếng, vì người ta biết mình qua những pha highlight, cùng những pha đánh đẹp, và cả việc họ biết mình là một người chuyển giới, một thành viên trong cộng đồng LGBT, và bản thân có cố gắng trong giải đấu. Em cảm thấy qua giải vừa rồi, dù không trọn vẹn, nhưng thấy được phần đông người đứng về phía mình, xã hội ngày càng nhìn nhận và công nhận bọn em nhiều hơn.
Nhờ giải đấu này mà mới biết những người bạn trước đó thân với mình, tâm sự với mình, họ biết rõ về những việc mà mình đã trải qua, và họ dùng điều đó để đâm mình một nhát chỉ vì một giải đấu… nhỏ. Em đã từng nói, "tổng giải thưởng giải không bằng một cái vòng tay của Thư", không phải em khoe tiền vì em không giàu, nhưng mà em không vì tiền để đâm người này người kia, để hại người kia người nọ, vì nó không đáng.
Tiền bạc sẽ lớn khi mình làm những việc có giá trị, nhưng sẽ nhỏ khi mình dùng nó làm những việc hại người.
Hình ảnh của Windra làm tôi nhớ về Scarlett, một game thủ chuyển giới, cùng những vinh quang ở đấu trường quốc tế với bộ môn StarCraft II. Nữ game thủ Sasha 'Scarlett' Hostyn đã đưa StarCraft vào lịch sử thể thao khi đánh bại game thủ hai lần vô địch thế giới sOs tại IEM Pyeongchang 2018 trong khuôn khổ Thế Vận Hội mùa đông.
Khi tôi hỏi về tương lai, Windra bỏ lửng, chừa lại một ngôn ngữ cơ thể thoáng qua, đó là nụ cười nhẹ cùng với ánh mắt lạc quan ngay lúc này, vào chính thời điểm hiện tại mà cô đối diện, dù đó là một người xa lạ.