eSports có lẽ là thuật ngữ đã quá quen thuộc với tất cả chúng ta. Nhưng không giống với trong quá khứ, khi nhiều người chỉ coi các trò chơi điện tử như một hình thức giải trí thuần túy. Giờ đây, eSports đã được nâng tầm lên thành bộ môn thể thaochuyên nghiệp và thậm chí còn phổ biến chẳng kém gì những môn truyền thống như bóng đá, bóng rổ…

eSports có lẽ là thuật ngữ đã quá quen thuộc với tất cả chúng ta. Nhưng không giống với trong quá khứ, khi nhiều người chỉ coi các trò chơi điện tử như một hình thức giải trí thuần túy. Giờ đây, eSports đã được nâng tầm lên thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp và thậm chí còn phổ biến chẳng kém gì những môn truyền thống như bóng đá, bóng rổ…

Và khi mà cả thế giới đang xôn xao về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì eSports cũng đang lặng lẽ tự làm một cuộc cách mạng cho riêng mình trên con đường trở thành một nền công nghiệp mới nổi, đầy tiềm năng và lợi nhuận trong tương lai.

-------------o-O-o------------

Khi các tổ chức thể thao truyền thống bắt đầu quan tâm tới eSports

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Chiều ngày 20/1/2018, tại Toyota Center, Houston Rocket đụng độ với Golden State Warrior trong một trận đấu thuộc khuôn khổ NBA, giải bóng rổ nhà nghề Mỹ. Cũng cuối ngày hôm đó, hai tổ chức trên tiếp tục có một màn chạm trán nảy lửa nữa nhưng lần này là tại đấu trường Summoner’s Rift với tựa game Liên Minh Huyền Thoại khi Clutch Gaming thuộc sở hữu của Rocket đối đầu với Golden Guardian.

Câu chuyện kể trên đã chỉ ra một điều rằng, thể thao điện tử giờ đây cũng có vai trò quan trọng và phổ biến không kém các môn thể thao truyền thống. Trong bối cảnh mà eSports đang phát trên đà triển cực mạnh và hứa hẹn sẽ trở thành nền công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la trong tương lai, các tổ chức thể thao truyền thống đã bắt đầu có sự chú ý, cũng như có những bước lấn sân đầu tiên sang miếng bánh màu mỡ còn rất ít người khai phá này.

Đầu tiên, họ dễ dàng nhận ra được sự tương đồng giữa eSports và thể thao truyền thống, nhất là trong bối cảnh thể thao điện tử đang cố gắng đi theo và học tập mô hình thành công của các "đàn anh". Nhiều giải đấu eSports giờ đây có cấu trúc vận hành không khác gì NBA hay NFL: Những ông chủ sở hữu khối tài sản khổng lồ, lịch thi đấu khoa học, quy định về mức lương tối thiểu cũng như lợi ích của người chơi đang dần dần cụ thể và chuyên nghiệp hóa hơn. Điều này vô hình chung giúp các giải đấu eSports trở nên phổ cập cũng như được nhiều người biết đến.

Một ông lớn như PSG cũng đang dần lấn sân sang eSports bằng cách hợp tác với LGD.Gaming.

Trong quá khứ, các tổ chức thể thao truyền thống đã từng có sự liên kết với eSports nhưng thường chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản, ví dụ như các đội bóng ở châu Âu thường ký hợp đồng với những người chơi FIFA chuyên nghiệp để đại diện cho họ trong những giải đấu lớn.

Nhưng rồi, mức độ quan tâm bắt đầu tăng lên, nhất là khi các "ông lớn" bắt đầu nhận thấy số lượng người theo dõi khổng lồ tại các giải đấu eSports. Đi đầu có lẽ phải kể đến Schalke 04 với đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại của riêng mình tại khu vực châu Âu. Trong khi một đại diện nổi tiếng của Pháp, Paris Saint Germain thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi sang tận Trung Quốc chỉ để biến đội tuyển DOTA 2 nổi tiếng và lâu đời LGD.Gaming thành PSG.LGD.

Và khi mà xu thế chuyển dịch đang mạnh mẽ như vậy, những người Mỹ khôn ngoan cũng chẳng thể nào ngồi im. Họ đã tham gia, với phát đạn mở đầu đươc bắn đi vào năm 2016 khi mà Philadelphia 76ers đã hoàn thành hợp đồng sở hữu với Dignitas – đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại cũng rất có tiếng của Bắc Mỹ lúc bấy giờ. Đây cũng là đội tuyển đầu tiên của NBA mở màn cho làn sóng thâu tóm các tổ chức eSports trong khu vực.

Sự phát triển đầy tiềm năng của thị trường eSports

Không khó để nhận ra yếu tố chính khiến cho các tổ chức thể thao truyền thống lại quyết tâm thâm nhập vào thị trường eSports, khái niệm mà chỉ cách đây 5 năm thôi khi nhắc tới có lẽ sẽ chẳng ai hiểu, cũng như các đội tuyển eSports lúc bấy giờ có nằm mơ cũng chẳng bao giờ dám đặt vấn đề xin tài trợ ở các tổ chức thể thao nổi tiếng như vậy.

Nhưng rồi thời thế thay đổi, những dòng tiền cực lớn kèm theo lượng viewers đông đảo đã biến eSports trở thành một món đầu tư đầy tiềm năng trong mắt nhiều người.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 3.

Nền công nghiệp thể thao điện tử dự kiến sẽ cán mốc 1 tỷ đô trong tương lai không xa.

Theo những số liệu thống kê từ công ty phân tích thị trường Newzoo, thị trường thể thao điện tử thế giới dự kiến sẽ đạt 1,488 triệu USD vào năm 2020 với khoảng 589 triệu người hâm mộ.

Hãy lấy một ví dụ đơn giản để chứng minh tính xác thực của những con số trên. The International hay còn được coi là giải vô địch DOTA 2 thế giới của Valve có khung giải thưởng vào năm 2017 lên tới hơn 24 triệu USD đồng thời trận chung kết của giải đấu này cũng thu hút tới hơn 400.000 lượt theo dõi. Số liệu như vậy thì bảo sao những nhà đầu tư không bị thuyết phục cơ chứ.

Nhượng quyền thương mại, hướng đi mới cho eSport phát triển

Đây chính là tiền đề cho sự chuyên nghiệp hóa của thể thao điện tử trong tương lai. LCS NA (LOL Championship Series khu vực NA) mùa này đã xuất hiện khái niệm nhượng quyền thương hiệu với 10 đội tuyển cố định và nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các tổ chức như Rockets hay Warrior.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 4.

Nền công nghiệp thể thao điện tử dự kiến sẽ cán mốc 1 tỷ đô trong tương lai không xa.

Tương tự như vậy, vào tháng 1 vừa rồi Blizzard ra mắt giải đấu Overwatch chuyên nghiệp đầy tham vọng với sự tham gia của hàng chục đội tuyển có trụ sở trải dài khắp các thành phố lớn trên toàn thế giới.

Điều này có thể coi là nền móng cho sự ổn định của nền eSports chuyên nghiệp trong tương lai. Các đội tuyển dần dần ổn định hơn, không còn cảnh nay đây mai đó, vẫn những con người cũ nhưng với tag team hoàn toàn mới. Các ông chủ cũng chấp nhận hướng tới một tương lai lâu dài hơn và cùng với đó là lượng người hâm mộ trung thành ngày một đông đảo.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 5.

Nate Nanzer, người điều hành Overwatch League.

Tất cả đều kỳ vọng rồi sẽ có một ngày, eSports sẽ vươn mình trở thành một "thế lực" có thể cạnh tranh sòng phẳng với các bộ môn thể thao truyền thống giống như tuyên bố của Nate Nanzer, người điều hành Overwatch League: "Sự nhất quán và ổn định của các đội tuyển và giải đấu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một bộ môn thể thao lâu dài như những gì mà chúng tôi đang hướng tới".

Trong thời điểm hiện tại, Overwatch cũng như Liên Minh Huyền Thoại là hai tựa game mà cả Riot và Blizzard đều đang tương đối thành công trong việc nhượng quyền kinh doanh theo khu vực. Để có cái nhìn rõ ràng nhất, chúng ta hãy cùng nhìn sang The International, giải đấu DOTA 2 lớn nhất của Valve.

Đành rằng giải đấu này luôn có một khung giải thưởng khổng lồ nhưng điều đó chưa chắc đã đảm bảo cho sự phát triển lâu dài cho tựa game này. Không nhiều đội tuyển DOTA 2 được đỡ đầu bởi các tổ chức chuyên nghiệp. Những cơn bão chuyển nhượng, tình cảnh người chơi nhảy đội như đi chợ hay việc những đội tuyển mới thi nhau mọc lên rồi cũng đua nhau biến mất, đang chứng minh cho sự lộn xộn của DOTA 2 chuyên nghiệp.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 6.

Mặc dù sở hữu tổng trị giá giải thưởng lên tới 23 triệu USD nhưng điều này chưa hẳn đã tốt cho sự phát triển của DOTA 2.

Các đội tuyển DOTA 2 thường rơi vào 2 trường hợp: Một là được mời tham gia quá nhiều giải đấu chồng chéo nhau về lịch trình, hai là ngồi chờ cả năm mới được tham gia 1-2 giải đấu. Xét trên khía cạnh khu vực, các đội tuyển không hề có một hệ thống giải đấu khoa học và mang tính liên tục. Năm nay nhà tài trợ còn tiền, họ sẽ làm giải đấu. Nhưng năm sau kinh tế khó khăn, sẽ chẳng còn kinh phí để tiếp tục, và thế là các đội lại lao đầu vào tìm kiếm những cuộc chơi mới.

Bạn có tin được không? Mặc dù có nhiều game thủ kiếm được hàng ngàn USD từ việc chơi DOTA 2 chuyên nghiệp, nhưng cũng có những đội tuyển mà ở đó, những người chơi phải chấp nhận ăn trứng sống qua ngày chỉ để lấy tiền bootcamp tập luyện. Những nỗ lực siết chặt từ phía Valve cũng chẳng giúp ích được bao nhiêu trong việc thay đổi một trật tự vốn đã quá hỗn loạn này.

Đây là điều chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra với hệ thống giải đấu của Riot hay Blizzard – nơi mà nhượng quyền thương mại eSports theo khu vực đang chứng minh rằng đó là một hướng đi mới đầy đúng đắn của thể thao điện tử.

Câu chuyện về hình mẫu thành công của Overwatch League

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 7.

Hình ảnh các đội được phân bố theo khu vực của Overwatch League.

Overwatch League được giới thiệu lần đầu vào năm 2016 chỉ vài tháng sau khi tựa game này ra mắt. Tại thời điểm này, hầu hết các giải đấu eSports đều mang tính chất khá thụ động và chỉ phát triển khi trò chơi trở nên phổ biến cũng như thu hút được lượng lớn khán giả theo dõi.

Với kinh nghiệm lâu năm, đặc biệt là sau thành công của Starcraft trong quá khứ, Blizzard rõ ràng có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Và họ thật sự muốn làm một điều gì đó khác biệt với Overwatch. Thường thì một trò chơi sẽ có vòng đời và quy luật đào thải là không thể tránh khỏi, nhưng với Overwatch, Blizzard hướng tới mục tiêu lâu dài và vĩ mô khi muốn xây dựng cả một hệ sinh thái xoay quanh nó.

Mất không ít thời gian, công sức và tiền bạc để Blizzard tạo ra Overwatch League.

Trở lại với câu chuyện riêng của Blizzard. Họ nhận được sự hậu thuẫn khá lớn từ công ty mẹ Activision. Tháng 10 năm 2015, Activision thành lập bộ phận eSports chuyên dụng, đồng thời thuê Steve Bornstein, cựu CEO của ESPN và NFL Network về quản lý. Vài tháng sau, họ tiếp tục mua lại toàn bộ hệ thống của Major Leaugue Gaming và chứng minh tham vọng phát triển eSports chuyên nghiệp của mình trên toàn thế giới.

Và thời gian đã chứng minh rằng Blizzard đang đi đúng hướng. Giải đấu của Blizzard quy tụ các đội có trụ sở ở nhiều thành phố khác nhau trải dài từ Seoul cho tới New York, cạnh tranh nhau các vị trí trong suốt một mùa giải. Ở đó, người chơi được đảm bảo từ những yếu tố nhỏ nhất như lương tối thiểu, quyền lợi chăm sóc sức khỏe, kế hoạch nghỉ hưu và thậm chí còn là nhà ở miễn phí nữa.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 9.

LA Gladitors được đầu tư bởi Stan Kroenke – cổ đông lớn của câu lạc bộ Arsenal.

Tương tự như vậy, hệ thống nhượng quyền cho phép Overwatch League thu hút khá nhiều những nhà đầu tư mới mẻ có tiềm lực tài chính cao mà trong đó không ít đến từ giới thể thao truyền thống. Điển hình như Boston Uprising được hỗ trợ bởi Kraft Group – tổ chức cũng sở hữu đội New England Patriots thuộc NFL.

Doanh nhân Stan Kroenke cũng đã bổ sung LA Gladiators vào danh sách một loạt những thương hiệu thể thao mà ông sở hữu như LA Rams, Colorado Avalanche và gã khổng lồ Arsenal của giải ngoại hạng Anh.

Những nguồn doanh thu khổng lồ tới từ việc chuyên nghiệp hóa các giải đấu eSports

Kent Wakeford, đồng sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của Gen.G.eSport – chủ sở hữu của Seoul Dynasty đang thi đấu trong Overwatch League cũng phải thừa nhận rằng, nguồn doanh thu từ các giải đấu của Blizzard khá giống với các môn thể thao truyền thống. Nhưng đó không phải là dòng tiền duy nhất, bản quyền phát sóng cũng là một thứ đáng để lưu ý nhất là với tốc độ phát triển "phi mã" như của eSports hiện nay.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 10.

Bản quyền phát sóng cũng là một thứ đáng để lưu ý nhất là với tốc độ phát triển "phi mã" như của eSports hiện nay.

Đầu năm nay, Blizzard ký một hợp đồng hai năm trị giá 90 triệu đô với Twitch. Gần đây, họ cũng đạt thỏa thuận với Disney để phát sóng các trận đấu playoff của Overwatch League cũng như mùa giải thứ hai trên cả ESPN lẫn Disney XD.

Nguồn thu từ các sản phẩm hàng hóa ăn theo cũng khá quan trọng. Đó là những chiếc áo đấu của các đội tuyển, không chỉ trong thế giới thực mà ngay cả trong game, người chơi cũng có thể mua để ủng hộ đội tuyển mà mình yêu thích.

Và cuối cùng là bán vé. Trong hai mùa giải đầu tiên, tất cả các trận đấu sẽ diễn ra ở Blizzard Arena, một studio chỉ có sức chứa 450 chỗ ở Burbank, California. Nhưng Blizzard đang lên dần kế hoạch để các đội tuyển của mình có thể thi đấu tự túc ở chính thành phố của mình thay vì tập trung như hiện tại với thể thức lượt đi và lượt về giống với cách mà các giải đấu bóng đá hàng đầu đang làm vậy.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 11.

Overwatch League còn thu hút được cả những cái tên mới như Toyota hay T-Mobile tài trợ.

Cũng không thể kể tới một nguồn thu khổng lồ khác chính là các khoản tiền tài trợ. Chúng ta có lẽ đã quá quen với những hợp đồng khủng mà các nhãn hàng như Nike, Adidas hay Coca Cola dành cho các câu lạc bộ bóng đá lớn. Tất nhiên, đây cũng là hướng đi mà Blizzard chú trọng tới.

Trong quá khứ, các nhãn hàng tài trợ cho những tựa game eSports điểm qua cũng chỉ có một vài cái tên quen thuộc. Nếu không phải là các công ty thiên về phần mềm, thiết bị máy tính như Razer thì đó cũng là các nhãn hàng quảng cáo đồ uống tăng lực như Monster.

Tuy nhiên, với hướng đi mới của mình, bên cạnh những nhà tài trợ lớn như HP và Intel, giải đấu Overwatch League cũng đã thành công trong việc nhận được những gói tài trợ mới từ Toyota hay T-Mobile. Những bản hơp đồng mang tới một lượng tiền khá lớn và nó được tổng hợp lại trước khi chia sẻ cho các giải đấu và các đội tuyển tham dự.

Bên cạnh đó, mỗi đội tuyển hoàn toàn có thể tự chủ trong việc lôi kéo tài trợ riêng cho team. Điển hình như The Dallas Fuel đặt logo của chuỗi thức ăn nhanh Jack in Box trên áo thi đấu của mình hay Seoul Dynasty ký một hợp đồng với Mirae Asset trong việc cung cấp các dịch vụ quản lý tài chính cho những vận động viên trong đội.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 12.

The Dallas Fuel đặt logo của chuỗi thức ăn nhanh Jack in Box trên áo thi đấu của mình.

Những điều mới mẻ này không chỉ mang tới sự tích cực cho Blizzard mà ngay cả bản thân các đội tuyển cũng được hưởng lợi khá nhiều. Vì trước đây, eSports vốn khá nổi tiếng với những scandal liên quan tới lương thưởng cũng như phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp.

Ngôi sao xạ thủ Doublelift của LMHT từng thừa nhận rằng anh chỉ biết tin mình bị Team Solomid kick khỏi đội hình thông qua trang mạng Reddit. Thêm vào đó, đáng buồn là thu nhập của hầu hết các vận động viên eSports gần như phụ thuộc chính vào tiền thưởng của giải đấu. Không có giải hoặc thi đấu nhưng không có thành tích cao cũng đồng nghĩa với việc bạn gần như không có tiền.

Sự chuyên nghiệp hóa của eSports

Blizzard mới đây còn công bố kế hoạch chuyên nghiệp hóa hệ thống giải đấu của mình khi tạo ra sân chơi riêng dành cho lứa trẻ của các đội tuyển, tương tự như cái cách mà Riot vận hành hệ thống giải Academy. Và dĩ nhiên, các đội tuyển cũng sẽ phải tự cố gắng nâng cao tính chuyên nghiệp bằng cách hoàn thiện bản thân hơn.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 13.

Immortal là một hình mẫu đáng học hỏi trong eSports chuyên nghiệp.

Immortal, tổ chức đang sở hữu một đội DOTA 2 và CS:GO cũng như LA Valiant trong Overwatch League là một ví dụ đáng để học hỏi. Họ mở một cơ sở riêng ở Los Angeles, cung cấp mọi thiết bị thi đấu hiện đại và tối ưu nhất cho các vận động viên.

Không những vậy, họ còn có đầu bếp, chuyên gia dinh dưỡng và thậm chí là cả những nhà tâm lý học hay giảng viên thể chất cũng như hàng tá chuyên gia về các vấn đề ngoài lề tưởng chừng như không liên quan, chỉ với mục đích là cung cấp, hỗ trợ những điều tốt nhất có thể cho vận động viên của mình để họ có thể tập trung toàn bộ tâm trí và sức lực vào việc thi đấu.

Tour tham quan Gaming House của tổ chức eSports Immortals. Nguồn: Gamespot.

Bên cạnh đó, Blizzard cũng rất kiên quyết và thẳng tay khi đề ra những khung hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi thiếu chuyên nghiệp của các tuyển thủ. Felix "xQc" Lengyel đã bị cấm thi đấu 4 trận, kèm theo đó là $2000 tiền phạt sau khi đưa ra những nhận xét tiêu cực về người đồng tính trên kênh livestream của mình.

Tuy nhiên, đội chủ quản Dallas Fuel còn nghiêm túc hơn, khi tự bản thân họ "treo giò" Lengyel tới hết mùa giải vì những hệ lụy mà việc làm trên gây ra tới hình ảnh cả đội. Nhưng Lengyel quả là một tuyển thủ bất trị. Tháng 3, anh bị cấm thi đấu thêm 4 trận và phạt $4000 bởi Blizzard khi tiếp tục đưa ra những emote mang tính phân biệt chủng tộc trên các trang xã hội. Sự nghiệp của Lengyel chỉ kéo dài 6 trận ở Dallas Fuel khi lần này họ quyết định sa thải anh khỏi đội hình.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 15.

Dallas Fuel có hình thức xử phạt nghiêm khắc với Felix "xQc" Lengyel.

Ngoài ra, cũng có thể kể tới một vài trường hợp như của Timo "Taimou" Kettunen khi anh này bị phạt $1000 vì có những lời lẽ không hay nhắm vào anti fan của mình trên stream cá nhân. Tương tự như vậy Taeyong "Tairong" Kim của Houston Outlaws bị cảnh cáo khi đăng các memes mang tính xúc phạm trên Twitter còn Josue "Equo" của Philadelphila Corona bị phạt $1000 vì có những hành vi phân biệt chủng tộc trên stream.

Một tương lai đầy sáng lạn đang mở ra cho eSports

Tuy vậy, mô hình thành công của các môn thể thao truyền thống không hẳn đã là tương lai phát triển duy nhất dành cho eSports. Nhiều năm trước, các giải đấu chuyên nghiệp đã diễn ra khá thành công dù thiếu đi nhiều yếu tố.

Trong Eleague Major ở Boston, Cloud9 đã hạ gục Faze Clan trong một trận đại chiến căng thẳng của làng CS.GO. Họ kiếm được $500.000 đồng thời thu hút lượng người xem đỉnh điểm lên tới 1.13 triệu. Trong khi đó, Epic Games gần đây thậm chí còn thông báo rằng sẽ đầu tư tới 100 triệu USD cho hệ thống giải đấu Fortnite chuyên nghiệp trong năm tới. Và với xu hướng phát triển như hiện nay, chẳng có dấu hiệu gì cho thấy những con số sẽ chịu dừng lại.

Khi mà những khán đài vẫn còn chật kín, những fan hâm mộ vẫn còn cuồng nhiệt...

eSports cũng đang dần len lỏi vào trong những sự kiện thể thao lớn trên thế giới. Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang, Olympic Extreme Master 2018 của Olympics đã chứng kiến game thủ người Canada, Sasha "Scarlett" Hostyn trở thành người phụ nữ đầu tiên vô địch bộ môn Starcraft. Trong khi đó thế vận hội Châu Á 2018 ở Indonesia tới đây thậm chí còn đưa một loạt các bộ môn eSports vào trong danh sách thi đấu.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 17.

...thì một tương lai đầy sáng lạn vẫn đang chờ đợi sự phát triển của nền công nghiệp eSports.

Thậm chí, Blizzard còn đang nhắm tới những mục tiêu xa hơn trong tương lai. Với khoảng 30 triệu người chơi Overwatch trên toàn thế giới, thông qua hệ thống đấu giải, Blizzard kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều hơn nữa những lượng người hâm mộ khắp toàn cầu. Có những người cả đời chẳng bao giờ đá bóng, nhưng vẫn luôn là fan trung thành và theo dõi các trận đấu World Cup vừa rồi ở Nga. Vậy thì chẳng có lý do gì mà Overwatch lại không thể làm được như vậy.

Nếu cứ tiếp tục bước đi trên con đường hệ thống hóa và chuyên nghiệp như hiện tại, tương lai của không chỉ riêng những tựa game như Liên Minh Huyền Thoại, Overwatch mà cả nền công nghiệp thể thao điện tử mới nổi rồi sẽ còn tiến thật xa hơn nữa.

Và biết đâu tới một ngày nào đấy, những bộ môn eSports sẽ được đưa vào giảng dạy một cách phổ biến trong các trường học, còn game thủ sẽ trở thành một nghề nghiệp thật sự và bớt đi những định kiến trước đây của xã hội về những hệ lụy tiêu cực của người chơi game. Tất cả có thành công được hay không phụ thuộc rất nhiều vào tính chuyên nghiệp cũng như ý thức của từng cá nhân, tập thể, tổ chức eSports ngay từ thời điểm này.

eSports và con đường trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp - Ảnh 18.
Mặt Trứng
Hữu Tùng
Dũng Bùi
Theo Helino12/8/2018